1 triệu người biểu tình đòi trưng cầu dân ý lại về Brexit

Chủ Nhật, 24/03/2019, 14:50
Khoảng 1 triệu người phản đối việc Anh rời Liên minh châu Âu ngày 23-3 đã xuống nhiều tuyến đường trung tâm của London để yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mới khi cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng đang đe dọa nhấn chìm Thủ tướng Theresa May.
Cuộc tuần hành trên đường phố London. Ảnh Reuters. 

Sau hơn 3 năm tranh luận quanh co, chưa rõ bằng cách nào, khi nào Brexit sẽ diễn ra và ngay cả khi Brexit diễn ra thì bà May sẽ làm cách nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng này.

Những người tuần hành đã xuất phát từ trung tâm London với các biểu ngữ tuyên bố rằng “thỏa thuận tốt nhất là không có Brexit” hay “chúng tôi yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý”. Theo các nhà tổ chức, có hơn 1 triệu người đã tham gia vào “cuộc biểu tình lớn nhất chống Brexit từ trước đến nay”. Chưa có kiểm chứng chính xác về con số này, tuy nhiên, cuộc tuần hành này thu hút nhiều người đến nỗi một số nhóm phải chuyển hướng khỏi các tuyến đường chính.

Trong khi đất nước Anh và cả các chính trị gia đang chia rẽ về vấn đề Brexit, hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng đây là quyết định chiến lược quan trọng nhất mà Anh phải đối mặt kể từ Thế chiến thứ hai, theo Reuters.

Trước đó, hàng ngàn người biểu tình ủng hộ “ở lại EU” đã tập trung cho “cuộc biểu tình trao quyền cho người dân” ở Marble Arch, rìa công viên Hyde vào trưa 23-3, trước khi diễu hành qua các địa điểm khác như Rạp xiếc Picadilly hay Quảng trường Trafalgar và qua cả văn phòng thủ tướng Anh ở phố Downing.

Với con số 1 triệu người tham gia, đây sẽ trở thành cuộc biểu tình quy mô lớn thứ hai tại London sau cuộc biểu tình chống Chiến tranh Iraq vào tháng 2-2003 với gần 2 triệu người tham gia.

Một kiến nghị nhằm hủy bỏ Brexit đã nhận được 4,39 triệu chữ ký chỉ trong 3 ngày sau khi bà May phát biểu trước công chúng nước Anh rằng “tôi đứng về phía các bạn” khi nói về Brexit và kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ thỏa thuận này.

Thế nhưng nhiều người biểu tình đã không đồng ý với tuyên bố đứng về phía người dân của bà May, thậm chí, nhiều biểu ngữ còn ghi thông điệp như “bà không thay lời chúng tôi được”.

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6-2016, 17,4 triệu cử tri, tương đương 52%, đã ủng hộ Brexit, trong khi 16,1 triệu cử tri mong muốn ở lại EU.

Kể từ đó, những người phản đối Brexit vẫn luôn tìm cách kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý khác. Bà May đã nhiều lần ngăn chặn khả năng tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit khác, cho rằng điều đó có thể làm sâu sắc thêm sự chia rẽ và làm suy yếu sự ủng hộ cho nền dân chủ. Những người ủng hộ Brexit cho rằng một cuộc trưng cầu dân ý lần hai sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng về hiến pháp lớn.

Trong khi đó, những người ủng hộ Anh ở lại EU cho biết Brexit sẽ đem lại nhiều khó khăn về kinh tế và làm gián đoạn trao đổi thương mại, chấm dứt nhiều lợi ích xã hội như quyền sống và làm việc ở 27 quốc gia EU.

Những người ủng hộ Brexit cho biết cuộc ly hôn sẽ có thể gây ra một số bất ổn ngắn hạn, nhưng về lâu dài, Anh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu như thoát khỏi những gì mà họ coi là một liên minh do Đức đứng đầu mà đang tụt hậu dần so với các cường quốc khác.

Duy Tiến
.
.
.