Người vác tù và hàng tổng

Thứ Sáu, 17/02/2017, 14:34
Ma túy đã cướp mất người con trai yêu quý của bà. Bà đau đớn, giằng xé tâm can vì không thể làm gì cứu con. Nén nỗi đau vào lòng, bà tự nhủ phải làm điều gì đó ngăn chặn "cái chết trắng" đang âm ỉ tàn phá tương lai, hạnh phúc những gia đình có người nghiện.


"Tuyên chiến" với ma túy

Từ nhiều năm nay, người dân khu phố 6 (phường 3,  quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã vô cùng thân thuộc hình dáng, giọng nói và phong thái của nữ Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố Lê Kim Chung (63 tuổi).

Nói về cái "duyên" bảo vệ dân phố, bà Lê Kim Chung lại ngậm ngùi nhớ đến đứa con trai mà bà rất mực thương yêu. Ngày phát hiện con dính vào "cái chết trắng", bà đã bàng hoàng, hoang mang cực độ.

Để cứu con, người mẹ tìm đủ mọi cách. Nhưng rồi bà nhận ra, chỉ có tham gia bảo vệ dân phố nơi mình sống, thì mới có đủ danh phận và dũng khí để "tuyên chiến" với ma túy.

Bà xin làm bảo vệ dân phố người ta không cho, có người nhìn bà nói thẳng: "Đàn bà thì làm được việc gì". Không chịu buông xuôi, bà gặp trực tiếp Trưởng Công an phường bày tỏ nguyện vọng. Đồng chí Trưởng Công an vui mừng đồng ý.

Với nhiệm vụ và chức trách của mình, bà ngày đêm 'lăn xả" vào từng hẻm hóc, từng ngôi nhà. Đêm, bà đi tuần cùng các lực lượng khác. Cũng áo mũ, bộ đàm, đèn pin, bà trở thành "linh hồn" của cả đội tuần tra khu phố.

Cánh thanh niên giang hồ, nghiện ngập lúc đầu nghe danh bà còn có cảm giác coi thường. Bà đến tận nơi, gặp trực tiếp và tâm sự. Bà hỏi họ cần gì? Thiếu gì? Rồi không bao giờ suy nghĩ, bà vét cạn túi những đồng tiền của mình mua gạo, mắm muối, mì tôm.

Bà suy nghĩ, chỉ cần no cái bụng thì sẽ hạn chế được suy nghĩ tiêu cực. Ai cũng là con người, cũng cần yêu thương và sự quan tâm. Nắm vững triết lý ấy, bà giáo dục, tuyên truyền, cảm hóa đối tượng bằng cái tình trước tiên. Nhưng nếu đối tượng nào dùng tình nhiều lần không hiệu quả, bà sẽ dùng "luật" ngay. 

Hỏi thăm một người sau cai.

"Dấn thân" vào nơi đầy rẫy hiểm nguy và bất trắc, nữ bảo vệ dân phố Lê Kim Chung không ngại ngần va chạm, đối đầu với đầy đủ các thành phần, từ giang hồ, đầu gấu cho đến đối tượng nghiện ngập.

Làm tất cả để cứu con, nhưng rồi người mẹ đành bất lực nhìn ma túy cướp đi vĩnh viễn một mầm sống đang dâng đầy hoài bão. Hơn ai hết, bà hiểu rõ nỗi đau và sự mất mát người thân vì ma túy. Nên bà quyết tâm không để một gia đình nào phải chịu chung hoàn cảnh như bà.

Năm 2004, bà được nhân dân tin tưởng bầu làm Tổ trưởng Tổ 70 (khu phố 6). Từ đây, công việc "ăn cơm nhà vác tù và" của bà Kim Chung càng nặng nề, trách nhiệm hơn.

Sau buổi họp ra mắt bà con khu phố, sáng hôm sau đang trên đường đi trực thì có một thanh niên nhìn bà trợn mắt lớn tiếng nói: "Nghe nói cô làm Tổ trưởng à? Nhà con bán ma túy đấy, cô báo công an đi?". Bất ngờ trước lời "tuyên chiến" của gã thanh niên, mặt bà Kim Chung đanh lại. Bà trả lời: "Con không cần phải thách cô. Riêng cô chưa bao giờ biết sợ thằng nào hăm dọa cả". Liền sau đó, bà đi thẳng về nhà đối tượng gọi bà mẹ ra nói chuyện.

Hai tuần sau, đang trên đường về nhà thì bà phát hiện một người phụ nữ có dấu hiệu khả nghi, bà liền bảo lái xe dừng lại quan sát. Đúng như dự đoán của bà, đối tượng tiến đến một căn nhà đưa tay qua khe cửa nắm tay một người bên trong rồi nhanh chóng bước ra xe người đàn ông đang chờ sẵn.

Từ phía sau, bà Kim Chung nắm chặt bàn tay của cô gái bẻ ngoặt ra sau, ép lên xe máy chở thẳng về Công an phường. Nắm tay cô ta vừa buông xuống đã rớt hai gói giấy bạc có chứa ma túy.

Lần khác, bà được giao đưa Trần Hữu Trang ra Công an phường tập trung để đi cai thì thấy biểu hiện rất lạ của đối tượng. Theo phản xạ có điều kiện, bà báo cho lãnh đạo Công an phường về nghi vấn của mình. Đối tượng được đưa ngay vào bệnh viện kiểm tra phát hiện một cuộn ma túy giấu trong hậu môn.

Hỏi bà làm sao nhạy cảm với ma túy đến vậy? Bà bảo, vì ma túy là kẻ thù không đội trời chung, nên bà có một cảm giác thật đặc biệt với nó. Hơn nữa, kinh nghiệm bắt tội phạm ma túy nhiều năm đã cho bà phán đoán gần như là chính xác trong tất cả các trường hợp nghi vấn.

Tổ trưởng Lê Kim Chung luôn gần gũi, chia sẻ với bất cứ người dân nào gặp khó khăn.

"Má Chung"

Ngoài công việc của một Tổ trưởng khu phố, bà Kim Chung còn là Đội phó Đội cán sự xã hội tình nguyện phường 3, quản lý những người sau cai trở về địa phương.

Đây là đối tượng từng một thời sa đà vào ma túy, với quá khứ ăn chơi trác táng, giang hồ tứ chiếng. Tiếp cận, cảm hóa và uốn họ về nẻo thiện, tu tỉnh làm ăn là cả một nghệ thuật không phải ai cũng làm được.

Trên địa bàn mình phụ trách, có bao nhiêu đối tượng, tính cách hoàn cảnh ra sao, bà Kim Chung đều thuộc trong lòng bàn tay. Đó là câu chuyện về Dương Văn Nhật, sau thời gian ăn chơi chích choác đã bị nhiễm HIV, bị mọi người kỳ thị, xa lánh.

Trong lúc bất cần nhất, muốn buông xuôi tất cả thì Nhật gặp Tổ trưởng Kim Chung. Đầu tiên, bà cho Nhật ăn no mỗi ngày rồi dẫn Nhật đi uống methadone định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Giờ thì Nhật đã gọi bà là "má Chung" và nghe răm rắp lời của má. Nhật hứa chắc như đinh đóng cột với "má Chung": "Ngày nào con đến má cũng cho con ăn, cho con tiền đi xe, má thương con vậy làm sao con phụ lòng má được. Con đã từ bỏ hẳn ma túy, từ bỏ hẳn ăn chơi rồi má ơi".

Thanh niên sau cai, hễ gặp "má Chung" là cum cúp nghe lời, sợ "má" một phép. Điển hình là trường hợp của H., từng chơi ma túy và được mệnh danh là giang hồ "đầu đội trời, chân đạp đất".

Sau khi cai nghiện trở về, bà Kim Chung tìm đến "nói chuyện". Bà "mê hoặc" bằng cách giúp đỡ H. mở tiệm sửa xe, bà cho từng cân gạo, từng chai dầu ăn. Công việc ổn định, H. yêu một cô gái và nhờ "má Chung" dẫn lên phường đăng ký kết hôn.

Bé gái được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh từ người mẹ nhiễm HIV.

Kể về "những người con" bà Kim Chung lấp lánh hạnh phúc. Bà bảo, lắm hôm trực buồn buồn, bà bốc máy gọi cho mấy "đứa con" đến chơi. Dù bận rộn thế nào, chỉ cần nghe "má Chung" gọi tất cả đều chạy tới. Bà lại mời cà phê, nấu mì cho ăn sau đó lần lượt mỗi đứa "báo cáo" tình hình cuộc sống cho bà nghe.

Năm 2009, bà gặp Phạm Thị Ngọc Điệp mới ở Trung tâm cai nghiện về. Điệp đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng vẫn quyết định sinh con. Bà Chung đưa Điệp đi khám và uống thuốc ARV để phòng ngừa lây nhiễm cho đứa trẻ trong bụng mẹ.

Biết Điệp bị HIV, cả gia đình hắt hủi, xa lánh và đuổi cô ra khỏi nhà. Bụng mang dạ chửa, Điệp thuê phòng rồi sống lay lắt qua ngày. Dẫn Điệp về nhà mình, bà Kim Chung làm hai tô mì nóng hổi để Điệp ăn một tô và bà một tô. Điệp nghẹn ngào ăn mì rồi nhìn bà Kim Chung nói: "Tại sao cô không xa lánh con? Bà Chung liền bảo Điệp đưa đôi đũa đang ăn cho mình. Rồi bà cầm đôi đũa gắp mì ăn ngon lành. Điệp trợn mắt ngạc nhiên, bà Chung trả lời: "HIV không lây qua đường ăn uống. Nếu gia đình con hiểu được điều này thì sẽ không còn xa lánh con nữa".

Ngay hôm sau, bà tới nhà cha mẹ Điệp tuyên truyền, giải thích thật cặn kẽ về cách phòng tránh lây nhiệm HIV. Điệp được đón về nhà và sinh hạ bé gái hoàn toàn khỏe mạnh.

26 năm sinh sống tại tổ 70, thì có 12 năm bà Kim Chung làm Tổ trưởng. Năm 2016, bà quyết định bán nhà chuyển về quận 12 sinh sống. Đây là quyết định khó khăn nhất đối với bà, vì tình cảm, sự gắn kết cộng đồng ở khu phố đối với bà đã quá sâu nặng. Biết bao kỷ niệm, những việc làm "để đời" của Tổ trưởng Kim Chung cho nhân dân khu phố. Bà con biết chuyện đã vô cùng hụt hẫng.

Buổi họp khu phố bất thường diễn ra ngay trong đêm, giữa trời mưa tầm tã, tất cả mọi người đều đồng loạt giơ tay biểu quyết không cho Tổ trưởng Kim Chung nghỉ làm. Đồng thời làm đơn gửi lên phường yêu cầu giữ bà lại. Vậy là hằng ngày, cứ 5h sáng bà bắt xe bus hơn 10 cây số từ quận 12 xuống quận Bình Thạnh trực Tổ dân phố.

Ở khu phố mới, vốn sẵn tinh thần nghĩa hiệp, say mê hoạt động xã hội, bà Kim Chung cùng các cấp hội địa phương tổ chức các hoạt động chăm lo người nghèo, công tác xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa.

Riêng tổ dân phố 5 (khu phố 5, phường Thới An), bà được tín nhiệm bầu làm Tổ phó và Chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình phòng chống tệ nạn tại phường. Sự có mặt của bà ở khu phố mới như một làn gió mát lành, khiến bà con vô cùng tin tưởng, vui mừng.

Hoạt động năng nổ, nhiệt huyết là đặc tính của bà Kim Chung, nhưng điều quan trọng nhất để bà chiếm được cảm tình và niềm tin của bà con chính là sự yêu thương, sẻ chia. Bà cho người nghèo gạo ăn, cho em nhỏ bánh kẹo, gia đình nào khó khăn quá, bà sẵn sàng trích hết lương bảo vệ dân phố của mình giúp đỡ.

Bà tâm sự: "Tôi làm vì niềm say mê và trăn trở. Lương Tổ trưởng bảo vệ dân phố một triệu rưỡi không đủ để tôi đi xe bus và xe ôm hằng tháng".

Năm 2010, nữ Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố Lê Kim Chung được giao lưu gương điển hình mười năm phòng, chống tội phạm của Chính phủ. Năm 2015, bà được tuyên dương gương người tốt việc tốt của thành phố; Gương sáng phố phường do Báo Công an TP Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Ngoài ra, bà còn nhận hàng trăm bằng khen, giấy khen của các cơ quan, tổ chức đoàn thể tặng vì thành tích và những việc làm nghĩa hiệp cho xã hội trong nhiều năm liền.
Ngọc Thiện
.
.
.