Tổ trưởng dân phố nhiệt tình với công tác an ninh trật tự

Chủ Nhật, 07/10/2012, 23:50
Người dân tổ 31, cụm 5 An Thành, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội từ lâu đã rất quen với hình ảnh một người phụ nữ nhiệt tình, năng nổ, xốc vác với công việc chung, đó là bà Phạm Thị Bình - Tổ trưởng dân phố. Hơn 20 năm được nhân dân tín nhiệm bầu giữ cương vị này, bà đã có nhiều đóng góp trong các mặt công tác của địa phương, góp phần xây dựng tổ 31 cụm 5B An Thành trở thành một điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Bà Phạm Thị Bình có lẽ là một trong không nhiều người chiếm “kỷ lục” về thời gian giữ cương vị tổ trưởng tổ dân phố. Sau khi được Nhà nước cho nghỉ chế độ, vốn là người nhiệt tình, nhiệt huyết với phong trào chung, bà được nhân dân giới thiệu và tín nhiệm bầu giữ cương vị tổ trưởng tổ dân phố và làm cho đến tận hôm nay. Bà tâm sự: “Cũng có lúc sức khỏe không tốt, sợ không cáng đáng được công việc, tôi đã viết đơn xin nghỉ nhưng được cấp ủy, chính quyền địa phương động viên, tôi lại phải nỗ lực hơn để không phụ lòng và sự tín nhiệm của bà con”.

Trước đây tổ 31, cụm 5B là một địa bàn khá phức tạp về ANTT của phường Yên Phụ. Đây có thời là “điểm nóng” về tranh chấp, lấn chiếm đất đai, vi phạm đê điều. Số lượng người tứ xứ đến trọ và làm ăn, nhất là ngoài bãi sông Hồng rất đông, cao điểm lên đến cả vài trăm người. Trong đó có không ít thành phần bất hảo gây khó khăn trong công tác quản lý hộ khẩu và đảm bảo trật tự an ninh xã hội.

Là tổ trưởng dân phố, bà đã chủ động nắm tình hình, tham mưu cho chính quyền và lực lượng Công an địa phương có nhiều giải pháp từng bước lập lại tình hình ANTT trên địa bàn. Một cán bộ Công an phường Yên Phụ cho biết: “Bà Phạm Thị Bình không chỉ nhiệt tình, xốc vác trong công việc mà còn là “chuyên gia” trong công tác tuyên truyền, vận động. Việc gì khó khăn, vướng mắc, gia đình này, hộ dân nọ có khúc mắc, mâu thuẫn, bà đến hoà giải và đều thành công”. Bà quan tâm đến đời sống của từng hộ dân trong tổ, ai có hoàn cảnh khó khăn thì cùng tập thể chi bộ, tổ dân cư bàn cách hỗ trợ, động viên họ như thế nào là tốt nhất. Nhiều gia đình như gia đình chị Hằng, gia đình nhà cụ Lục ở bãi sông Hồng trước đây có nhiều bất hoà, nhưng nhờ “chuyên gia tâm lý” Phạm Thị Bình, gia đình đã trong ấm ngoài êm.

Tổ 31 cũng là nơi khởi điểm và triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Vì phụ nữ nghèo”, hỗ trợ hộ gia đình khó khăn giúp đỡ phụ nữ làm kinh tế, từng được báo cáo điển hình toàn TP Hà Nội. Sau đó mô hình này đã được triển khai ra cả nước và hiện nay vẫn được duy trì tốt. Với hình thức huy động vốn kiểu “đóng họ”, mỗi hội viên phụ nữ tự nguyện đóng góp mỗi tháng một khoản kinh phí vào quỹ.

Số quỹ này lại được dành cho các hội viên khó khăn vay phát triển kinh tế, hoặc lo công việc đột xuất của gia đình với lãi suất tượng trưng. Gia đình chị Nguyễn Thị Thạo, ở số nhà 25 An Thành, chị Nguyễn Thị Hà hay chị Lan Cung ở ngõ 130 An Dương… nhờ những đồng vốn thắm tình nghĩa này, cùng với nỗ lực của bản thân và gia đình đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo, tạo dựng cuộc sống ổn định, lo cho con em học hành. 

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân tổ 31 đã nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. 9 tháng 2012, nhân dân đã cung cấp 34 nguồn tin liên quan đến ANTT, giúp Công an phường Yên Phụ xác minh, điều tra và làm rõ nhiều vụ việc. Gần đây nhất, người dân tổ 31 đã cảnh giác báo tin cho lực lượng Công an triệt phá một ổ bán lẻ ma túy tại ngách 14/30 An Dương.

Trung tá Lê Sinh Hùng, Trưởng Công an phường Yên Phụ nhận xét: “Bà Phạm Thị Bình là một người nhiệt tình, có trách nhiệm. Cùng với tập thể tổ dân phố, bà đã phối hợp, giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ và trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa phương”

Lưu Hiệp
.
.
.