Người phụ nữ hơn 60 lần hiến máu tình nguyện
- Tuổi trẻ CAND hiến máu nhân đạo
- 1.000 cán bộ, học viên Học viện Chính trị CAND hiến máu “Giọt hồng trao em”
- Nhân viên bệnh viện hiến máu cứu sản phụ
- Đề nghị khen thưởng thầy cô giáo xếp hàng chờ hiến máu cho HS gặp nạn
- Hiến máu cứu người là trách nhiệm thiêng liêng
Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, một buổi chiều. Những cơn gió lạnh cuối mùa còn len lỏi đủ gây nên cái ngại ngần khi bước ra đường.
Nhưng khi đến bệnh viện, ở Khoa Vận động truyền máu, một không khí hoàn toàn khác hẳn. Người ta bắt gặp ở đây những gương mặt tươi trẻ, đầy nhiệt huyết tập trung ở tầng 2 của Khoa.
Tôi đã gặp ở đây những gương mặt tiêu biểu, nổi trội trong chương trình vận động hiến máu tình nguyện. Chị Lê Thanh Nam là một con người như thế, với tổng số lần hiến máu lên tới con số 66.
Chị Lê Thanh Nam có cái tên như con trai, nhiều người đã nghĩ như thế trước khi gặp chị. Nhưng với chị và gia đình, cái tên mang ý nghĩa đặc biệt: quê chị ở Thanh Hóa, và mẹ chị khi mang thai chị, cứ nghĩ chị là con trai. Nhưng khi ra đời, chị là gái, bố mẹ chị đặt luôn cho một cái tên như vậy.
Gặp gỡ Thanh Nam tại phòng làm việc của chị, đó là một người vui vẻ, khỏe mạnh và nhiệt huyết, phong cách cũng có phần giống một… trang nam nhi.
Là người phụ nữ của gia đình, đã có chồng và 2 con, nhưng công việc luôn cuốn Nam đi ngay từ sáng sớm của những ngày thường và cả những ngày thứ bảy, chủ nhật; còn những hôm đi công tác thì giờ giấc không biết thế nào mà kể.
Làm công tác vận động hiến máu đòi hỏi rất vất vả, đấy là tôi nhận định thế vì xem chương trình, rồi lịch công tác của các anh chị trong khoa. Và cũng đã một lần từng tiếp xúc, hỏi chuyện bác sĩ Ngô Mạnh Quân - Trưởng khoa Vận động hiến máu tình nguyện - là lãnh đạo trực tiếp của Nam, tôi cảm nhận được điều đó.
Nam đưa tôi xem một cái lịch công tác mà khoa của chị đã phải lên chương trình và liên hệ với các địa điểm để thực hiện việc tổ chức hiến máu tình nguyện trước đó đến cả tháng.
Trong những đợt tổ chức chương trình "Hành trình đỏ", hành trình vận động hiến máu diễn ra trên cả nước, chính những nhân viên, bác sĩ, y tá trong khoa lên chương trình, địa điểm, đứng ra liên hệ với địa phương tổ chức những đợt vận động hiến máu.
Cứ hai ngày chương trình diễn ra ở một tỉnh. Hai ngày đó, các bác sĩ, các tình nguyện viên cứ vừa đi, vừa tổ chức vận động, lấy máu; sau đó lại di chuyển đến các tỉnh khác. Và cứ thế, kết thúc cuộc hành trình, là hai đoàn của chương trình đi theo hai hướng sẽ tập trung ở Hà Nội.
Đoàn đã phải đi qua các tỉnh thành xa xôi, kể cả miền núi và hải đảo nên khó khăn rất nhiều. Nhưng Thanh Nam bảo, các chị làm việc như vậy đã quen rồi. Công việc ở nhà hai con đã lớn, chúng có thể tự đi học được, còn ông xã cũng ủng hộ Nam.
Thanh Nam đến với công việc này như là "truyền thống" của gia đình. Bố chị từng làm Chữ Thập đỏ ở phường, cũng chuyên đi vận động hiến máu.
Khi tốt nghiệp đại học ra trường, Nam cũng từng làm nhân viên ở Trung tâm giáo dục đồng đẳng và ít nhiều có liên quan đến nghề nghiệp sau này. Sau này lại có cơ duyên được làm việc ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Nam đã gắn bó với nơi này đến bây giờ.
Kể về "thành tích" vận động hiến máu của Nam, có lẽ phải nói đến một con số giật mình: Ngoài chuyên môn vận động và tổ chức hiến máu, Nam đã từng trực tiếp 66 lần tham gia hiến máu.
Khi tôi có vẻ nghi ngại với con số trên, Nam liền mở cho tôi xem chương trình quản lý của Khoa. Đó là danh sách những nhóm, những cá nhân, những tình nguyện viên tham gia hiến máu.
Bên khoa của Nam phải nắm được chặt chẽ con số chính xác ngày tháng, tên người tham gia hiến máu thường xuyên, để từ đó có cơ sở, xem xét điều kiện cho những lần hiến máu sau.
Thường thì 1 năm, mỗi người sẽ có tối đa 4 lần cho máu nếu đủ điều kiện cho phép. Nhưng con số 66 của Nam, đó là do những lần Nam hiến máu từng phần (tiểu cầu). Những lần hiến máu tiểu cầu thường tổ chức vào ngày đầu xuân năm mới, ngày mùng 3 Tết âm lịch.
Nam bảo, năm nào cũng vậy, mùng 3 Tết, cứ làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên xong là Nam lên đường. Ban đầu còn giấu ông xã, nhưng sau đó không giấu được, ông xã Nam biết hết vì qua… facebook bạn bè đưa lên.
Hiện giờ Nam đang là Trưởng nhóm phụ trách nhóm máu hiếm và Nam cũng là người có… nhóm máu hiếm. Nam cho biết, hiện giờ trong khoa có 3 bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm, thường xuyên cần máu của Nam. Vì công việc chuyên môn và hiểu biết về vận động truyền máu, Nam đã ước chừng được thời điểm các bệnh nhân kia cần truyền máu, và Nam cũng tính toán, tự biết được thời điểm mình có thể hiến máu.
Ngày xưa, cứ khi nào bác sĩ bên khoa điều trị gọi Nam đi lấy máu là Nam biết các bệnh nhân kia cần đến máu của mình, nhưng giờ đây thì không cần nhắc, Nam tự khắc biết thời điểm những bệnh nhân kia cần máu và thời điểm nào Nam đi hiến máu cho tương thích với bệnh nhân cần. Tất nhiên là một mình Nam không thể đáp ứng được hoàn toàn.
Lê Thanh Nam trong một lần hiến máu tình nguyện. |
Những đối tượng nào cho máu là tốt nhất? Theo kinh nghiệm của Nam, chị cho biết, thanh niên thì nhiệt huyết, nhưng đối tượng hiến máu tốt nhất phải là những người như lứa tuổi "chị em mình" - Nam chỉ vào tôi. Vì những người ở tuổi mình, biết ý thức trong việc ăn uống, giữ gìn sức khỏe, một năm có thể hiến tối đa 4 lần.
Với người như tôi - Nam cười vì vẻ ngoài cao to, phốp pháp của mình: Cứ mỗi kilôgam cân nặng lấy được 9ml máu, nếu tối đa, với cân nặng gần 70kg như Nam, số máu có thể lấy rất nhiều… (cười).
Vận động hiến máu cứu người luôn luôn là việc bận rộn và vất vả, cần có sự phối hợp giữa bệnh viện, các tổ chức cơ quan, đoàn thể và cá nhân từng người, vì mỗi người có một nhận thức khác nhau về việc hiến máu.
Thường những dịp đầu năm học hoặc những dịp trước Tết, khi sinh viên tựu trường, thì lúc đó lượng người hiến máu đông, nguồn máu thu được luôn dồi dào; ngược lại những lúc nghỉ hè, lượng máu thu được ít, nhưng số lượng bệnh nhân ở bệnh viện cần máu thì luôn luôn "ổn định", lúc đó thực sự là lúc khó khăn đối với những người làm công tác vận động hiến máu. Thế nên chính các nhân viên của Khoa Vận động hiến máu cũng phải đặt chỉ tiêu cho từng cá nhân.
Cũng có người hiểu về việc hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe, họ tiến hành hiến máu thường xuyên, định kỳ nếu đủ tiêu chuẩn, nhưng cũng có người không hiểu hoặc do sợ hãi khi nhìn chiếc kim tiêm, hoặc đơn giản chỉ cần nhìn thấy máu là sợ.
Cũng có những người, hoặc nhiều bạn sinh viên khi tham gia hiến máu, coi đó là một kỷ niệm đẹp, một nghĩa cử cao đẹp của tuổi trẻ, một kỷ niệm không bao giờ quên.
Thanh Nam kể cho tôi nghe có những bạn sinh viên tham gia chương trình "Hành trình đỏ", đã kể lại kỷ niệm của mình "Hành trình đỏ" đối với tôi có lẽ là hành trình của nụ cười và những giọt nước mắt. Mỗi nơi đến, mỗi nơi đi qua chúng tôi đều có thêm những người bạn, những người anh em. Khi chúng tôi đến họ cười, khi chúng tôi đi, họ khóc. Đôi khi có cả những giọt nước mắt của người lạ dành cho nhau. Chia tay để rồi gặp lại. Tuổi 19 của tôi đã có những kỷ niệm như thế? Còn bạn?". Chắc chắn những dòng này, những trái tim trắc ẩn sẽ thổn thức, sẽ tác động đến ý nghĩ, việc làm của những bạn trẻ, họ sẽ có hành động để ghi nhớ một tuổi trẻ tươi đẹp, không thể quên.
Hay như trải nghiệm của một bạn khác: "Mỗi cuộc gặp gỡ như một món quà, và mỗi cuộc chia ly lại đong đầy những giọt nước mắt, những cái ôm siết chặt vòng tay và chỉ muốn chạm tay thêm một khắc. Dù hôm qua vẫn còn là người xa lạ thì sáng nay đã là những người thân, và buổi trưa thì lưu luyến chẳng muốn rời. Tình bạn - đôi khi chẳng cần thời gian quá dài để vun đắp, chỉ đơn giản là khối óc cùng chung lý tưởng, những con tim cùng chung nhịp đập mà thôi".
Có trực tiếp chứng kiến những người bệnh đớn đau do thiếu máu hay do cần máu mới hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo.
Ở Viện Huyết học có những bệnh nhân phải định kỳ truyền máu, hay những ca mổ cần truyền máu cứu người - mỗi một người khỏe mạnh nếu nhận thức được điều như thế họ sẽ không nghi ngại khi hiến máu, và nhất là phải hiểu được rằng, việc hiến máu không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, thậm chí mỗi lần hiến máu, người hiến còn được xét nghiệm máu miễn phí, vì nếu đủ điều kiện mới được phép hiến máu, huyết áp cao quá hoặc thấp quá đều không được phép; và điều quan trọng nhất là "hiến máu để cứu người" - đó là việc làm ý nghĩa nhất.
Nhận thức được điều đó mà gia đình Nam cả nhà đều đã từng tham gia hiến máu. Ông Lê Đình Duật - bố Nam mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng vẫn luôn vận động con cháu tham gia hiến máu nhân đạo. "Thậm chí cả con cháu của ông ở Thanh Hóa ra chơi, ông cũng vận động họ đi hiến máu" -Nam tiết lộ.
Hơn 60 lần tham gia hiến máu - có lẽ chỉ cần nhìn vào con số đó, mọi người hiểu được về con người của Nam, đó là chưa kể còn vô vàn công sức trong những cuộc vận động tình nguyện mà Nam đã thực hiện, cũng như bao thời gian mà chị đã dành cho công việc.