Người Mẹ anh hùng bước ra từ cuộc chiến

Thứ Tư, 13/12/2017, 21:11
Những ngày cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng tôi tìm gặp mẹ, người anh hùng băng qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, chịu những mất mát không gì bù đắp nổi.


Dù đã 85 tuổi, nhưng mẹ vẫn còn hoạt bát. Đôi mắt mẹ sáng lạ thường và giọng nói vẫn rành rẽ. Thi thoảng mẹ lại đấm vào ngực mình, để nhắc rằng, vẫn còn mảnh đạn của trận đánh tròn nửa thế kỷ trước đang "ngủ quên" trong cơ thể.

"Con sóc nhỏ" trong  nội thành

Những ngón võ của con nhà đặc công giúp Nguyễn Thị Điểm (Nguyễn Thanh Tùng, Mười Tùng) có mặt ngay trong nội thành Sài Gòn, không bỏ sót một nhiệm vụ nào. Bà được mệnh danh là "con sóc nhỏ" bởi tài ẩn hiện linh hoạt trong mọi tình huống.

 Là con gái duy nhất trong gia đình có 9 người con, 10 tuổi, Nguyễn Thanh Tùng trở thành giao liên rồi trinh sát đặc công, nắm giữ nhiều trọng trách. Ở tuổi hồn nhiên ấy, bà phải tức tưởi trải qua nỗi mất mát quá lớn khi mẹ bị giặc giết, cha ở tù Côn Đảo, sáu người anh hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.

Năm 1954, Nguyễn Thanh Tùng không tập kết ra Bắc mà ở lại chiến đấu rồi bén duyên với một anh bộ đội là bảo vệ của đồng chí Phạm Hùng.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Điểm.

Vừa chiến đấu vừa sản xuất và chăm con, Mười Tùng luôn là hạt giống nòng cốt bám trụ để theo dõi tình hình ở nội đô. Hai đứa con trai chưa kịp lớn đã phải rời xa cha mẹ; để rồi khi lớn lên đã hăng say cầm súng, chiến đấu ở các mặt trận khác nhau.

Vóc người nhỏ bé, nhanh nhẹn, sẵn sàng hóa thân vào các "vỏ bọc" một cách hoàn hảo, "chú sóc nhỏ" luôn hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên giao phó. Thời bấy giờ, Sài Gòn có 11 quận thì Mười Tùng cũng có tới 11 giấy khai sinh với các tên gọi khác nhau.

Có khi là một người phụ nữ gánh hàng rong, tiếng rao lảnh lót rặc miệt Sài Gòn luôn bán đắt hàng, được nhiều người ngợi khen. Có khi người ta thấy bà xuất hiện long lanh trong những bộ cánh rực rỡ ở vũ trường.

Mười Tùng hòa vào cuộc chơi chẳng kém dân chuyên nghiệp chút nào. Những màn nhảy đẹp, quyến rũ khiến cuộc "lột xác" không để lại tì vết.

Ngày 11/11/1960, người phụ nữ hai con Mười Tùng đã cùng với nhân dân tổ chức một trận dùng phương pháp nghi binh đánh vào đồn địch mở màn cho cuộc nổi dậy diệt ác ôn, cướp vũ khí.

Trong trận đó, tổ của Mười Tùng chỉ có 4 đồng chí, huy động thêm một lực lượng quần chúng nhân dân tham gia hô hào nhằm uy hiếp tinh thần giặc. Toàn bộ lính trong đồn đầu hàng, số khác vứt súng bỏ chạy thục mạng, ta thu được toàn bộ vũ khí.

Sau trận đánh, Mười Tùng được các đồng chí lãnh đạo đặt tên là Nguyễn Thị Điểm để ghi nhớ trận đánh đầu tiên và cũng là trận đánh mở màn cho các trận đánh khác.

Năm 1967 đầu 1968, tình hình chiến sự miền Nam vô cùng khốc liệt. Tại trận chiến ở cánh Nam Nhà Bè vào ngày 25-10-1967, người bạn đời của Mười Tùng đã dũng cảm hy sinh mà bà không hề hay biết.

Anh hùng Nguyễn Thị Điểm (ngoài cùng bên trái) vinh dự được ra Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Oanh liệt trận đánh Mậu Thân

Để chuẩn bị cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, các đơn vị trong nội thành Sài Gòn tích cực hoạt động, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Địch cũng cảnh giác cao độ, chúng kiểm tra gắt gao, bắt bớ bất chấp.

Trong một lần đang đi tản bộ trên phố, Nguyễn Thị Điểm bị bắt, bị trói hai tay ra đằng sau rồi đưa lên xe Jeep. Địch mở những màn hỏi cung ngay trên xe nhưng chẳng khai thác được gì ở người phụ nữ gan góc này.

Nghĩ trong đầu nếu không tìm cách trốn thoát sẽ bị chúng đưa về đồn là to chuyện, Nguyễn Thị Điểm thừa nhận mình là quân giải phóng vào để tiêu diệt ác ôn.

Mừng thầm trong bụng, địch sốt sắng hỏi "Việt cộng" ở đơn vị nào? Tổ chức đóng quân ở đâu? Nguyễn Thị Điểm nhận lời chỉ điểm và yêu cầu cởi trói ra cho thoải mái. Không một chút nghi ngờ, địch cởi trói cho bà, sau đó theo hướng chỉ dẫn của bà, chiếc xe Jeep chở "Việt cộng" đi tới khu vực chợ.

Lựa chỗ đông người và mất đề phòng, một tay bà đấm tên lính ngồi cạnh, cùi chỏ tay kia húc tên lái xe văng xuống đường. Chiếc xe không người lái loạng choạng khiến hai tên lính còn lại chao đảo, bà nhảy xuống "xé" dòng người bán buôn tấp nập trong chợ lẩn vào. Mọi người thấy lính đuổi theo thì tự động tập trung lại cản đường cho bà chạy thoát.

Tin về tới sở chỉ huy Mỹ - ngụy, chúng huy động lực lượng phong tỏa, bao vây toàn bộ khu vực chợ. Mười Tùng chạy vào một con hẻm thì được người dân kéo vào nhưng trong nhà không có nơi nào ẩn náu an toàn, bà tiếp tục đạp cửa sau, trèo lên cây trứng cá rồi vọt lên mái nhà.

Từ mái nhà này bà dễ dàng tìm được nhà tên đội trưởng ngụy. "Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất", Mười Tùng nằm ém ở máng nước mái tôn ngay tại sào huyệt của địch.

Tối hôm đó, lính lùng sục khắp nơi không thấy nên tập trung về nhà "sếp" tổ chức ăn nhậu, chửi thề cay cú vì để tuột mất "con mồi" quá ngon. Nằm thâu đêm trên mái tôn lạnh giá, muỗi mòng đốt tím tái khắp người, Mười Tùng phải cắn răng chịu đựng. 3 giờ sáng hôm sau, bà mò xuống rồi tìm ra đường lớn hòa vào dòng người bán rong về căn cứ ở Củ Chi an toàn.

Đợt cao điểm của chiến dịch Mậu Thân 1968, Mười Tùng đã cướp xe của địch, đóng làm nhân viên công tác xã hội, rồi tự lái xe đưa hàng chục chiến sĩ quân Giải phóng bị thương khi đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn về tuyến sau chữa trị.

Trong những trận đánh ác liệt của cuộc Tổng tiến công, nhiều lần đối mặt với tình huống cận kề cái chết hoặc bị bắt nhưng với sự nhanh nhạy, tài tình, lòng dũng cảm, Mười Tùng đã thoát hiểm kỳ diệu. Tuy nhiên Mười Tùng đã trúng đạn, bị thương nặng rồi bất tỉnh. Nhân dân kéo bà giấu trong nhà chữa thương sau đó giao cho cách mạng. 

Vết thương cơ thể còn rỉ máu thì Nguyễn Thị Điểm nhận được tin chồng hy sinh. Nỗi đau không thể nói thành lời. Vậy là từ đây, chỉ còn 3 mẹ con, mỗi người chiến đấu ở một mặt trận, đặt niềm tin trọn vẹn vào ngày toàn thắng, sẽ đoàn tụ.

Những dịp kỷ niệm về các trận đánh trong lịch sử, Anh hùng Nguyễn Thị Điểm lại được mời đi kể chuyện.

Đời mẹ chỉ hai chữ "Anh hùng"

Sau Mậu Thân, Nguyễn Thị Điểm được chuyển về phụ trách quận đội ở vùng ven Sài Gòn chuẩn bị mở đường cho chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Tháng 2 năm 1975, Nguyễn Thị Điểm biết được hung tin, hai người con trai đã hy sinh trong một trận phóng hỏa tiễn lớn của địch ở cầu Rạch Chiếc, nơi chỉ cách đơn vị của mẹ vài cây số. Các đồng chí lãnh đạo giấu không cho bà biết. Họ đâu biết rằng, bà đã được người ta báo trước đó rồi.

 Thấy không khí nặng nề trong cơ quan, mắt ai cũng đỏ hoe, lấy hết can đảm, bà nói với đồng chí Bạch Đằng: "Mấy chú mất đi một số đồng chí, đồng đội thì đau xót lắm, còn tôi mất đi hai núm ruột cũng đau đớn vô cùng nhưng xin bớt buồn. Họ ngã xuống vì hòa bình cho chúng ta được sống để tiếp tục chiến đấu. Hai con trai tôi cũng như bao nhiêu người con của những bà mẹ khác. Nỗi đau này không chỉ riêng tôi".

Khi câu nói ấy vừa dứt lời, trước mặt bà tối sầm rồi ngất lịm không còn biết gì nữa. Tỉnh dậy trong nhà thương, bà ngơ ngác hỏi mọi người sao mình ở đây? Ai nhìn bà cũng thương, không cầm nổi nước mắt.

Những năm bám trụ địa bàn để xây dựng lực lượng, Nguyễn Thị Điểm là một người dân lao động thực sự. Bà hòa vào dòng chảy hối hả, loạn lạc giữa thời chiến vừa sống, chiến đấu, giành giật từng góc phố, con đường với địch.

Ngày bà tự tay cắm lá cờ giải phóng lên nóc trụ sở quận, người dân đi từ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Không thể tin nổi một người phụ nữ bán trầu cau lại làm được điều vĩ đại như vậy. Họ lao tới bế xốc bà lên tung hô vang trời.

Đất nước giải phóng, mọi người vui mừng hạnh phúc vì được về đoàn tụ bên gia đình, người thân, còn bà, tất cả người thân yêu nhất đã vĩnh viễn nằm lại, chỉ một mình bà còn được sống. Hài cốt hai người con trai vẫn lẩn khuất đâu đó chưa thể về nghĩa trang.

Không hiểu sao, ở tuổi 85 mà tinh thần và tư tưởng của bà vẫn vững vàng đến lạ, bà vẫn nhớ rõ và kể lại rành rọt, hào sảng các sự kiện trong đời mình. Còn sức khỏe, bà vẫn đi. Bà đi khắp đất nước để khắc phục và giải quyết những tàn dư còn sót lại của cuộc chiến. Mỗi khi trái gió trở trời, mảnh đạn găm trong cơ thể vùng lên hành hạ, bà lại cắn răng chịu đựng, sống tốt để trả nghĩa với đồng đội.

Nhờ những chiến công và sự hy sinh thầm lặng, bà đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là những gì bà nhận được sau khi trở về từ chiến tranh.

Tiễn chúng tôi ra cửa, bà mẹ anh hùng nắm chặt tay nhắn gửi cho thế hệ trẻ về lẽ sống, lẽ làm người mà cả cuộc đời mẹ vẫn luôn đau đáu, trăn trở.

Ngọc Thiện
.
.
.