Người mẹ anh hùng của 5 liệt sỹ

Thứ Tư, 26/07/2006, 08:49

Ngày 24/6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 3, tôn vinh lực lượng Cảnh sát nhân dân thời kỳ đổi mới. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được mời dự là mẹ Đỗ Thị Miễn (trú tại phường An Mỹ, thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam), cựu cơ sở an ninh, người mẹ của 5 liệt sĩ, trong đó có 4 liệt sĩ là chiến sỹ CAND.

Một chiều trung tuần tháng 7 vừa qua, tôi tìm về nhà mẹ, số 142 Nguyễn Duy Hiệu, phường An Mỹ, thị xã Tam Kỳ. Năm nay mẹ đã 86 tuổi, tóc bạc phơ nhưng trông mẹ vẫn khỏe mạnh, quắc thước và trí nhớ còn rất minh mẫn. Mẹ kể: "Hồi ấy tôi ở Kỳ Sanh, tức là xã Tam Dân bây giờ, làm ở Ban Phụ nữ, rồi làm cơ sở cho Ban An ninh tỉnh. Ông nhà tôi làm kháng chiến chống pháp đã mất hồi năm 1954. Một mình tôi nuôi dạy các con...”.

Thay chồng, mẹ Miễn hướng các con nối tiếp chí hướng của cha. Người con cả Lương Văn Trương (SN 1945) làm Đội trưởng trinh sát Ban An ninh tỉnh, hy sinh năm 1968. Người con thứ hai Lương Văn Bửu (SN 1947) làm Phó trưởng Ban An ninh huyện Bắc Tam Kỳ, hy sinh năm 1975 chỉ vài tháng trước lúc giải phóng Quảng Nam. Anh Lương Văn Châu (SN 1948), công tác tại Ban An ninh tỉnh, hy sinh năm 1967. Anh Lương Văn Sơn (SN 1952), công tác tại Ban An ninh tỉnh Quảng Đà, hy sinh năm 1972.

Con nuôi của mẹ là anh Lương Văn Hiền (SN 1944) làm Xã đội trưởng dân quân cũng hy sinh năm 1967. Từ những đóng góp, cống hiến to lớn của gia đình đối với Đảng, Tổ quốc, mẹ Đỗ Thị Miễn được phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ngay trong đợt đầu - năm 1994. Tuy nhiên, mỗi khi ai nhắc đến vinh dự này, mẹ chỉ cười và bảo: "Con Chiến mới anh hùng mà có ai biết về hắn đâu".

"Con Chiến" mà mẹ nói là chị Nguyễn Thị Chiến, vợ của liệt sĩ Lương Văn Bửu. Khi anh Bửu ngã xuống chị mới 21 tuổi, đứa con trai duy nhất chưa được thôi nôi. Chị Chiến quyết tâm ở vậy thờ chồng, phụng dưỡng mẹ Miễn, tần tảo dạy con nên người. Đứa bé ngày ấy bây giờ đã là Thượng úy, công tác tại Phòng PC15 Công an tỉnh Quảng Nam.

"Vì sao lúc đó chị còn trẻ, chị không đi bước nữa?". Nghe tôi hỏi, chị Chiến cười: "Mẹ tôi bao lần tiễn con ra đi rồi cũng bao lần khóc cho con mình vì hy sinh, nỗi khổ của mẹ, tôi biết và tự nguyện sẽ chia sẻ. Tôi hứa với lòng mình sẽ sống như vậy để nuôi con và chăm sóc mẹ. Nhiều lần mẹ đã khuyên tôi đi bước nữa, để cháu mẹ nuôi. Nhưng những gì tôi hứa với lòng mình thì không bao giờ thay đổi".

Trong chiến tranh, hai người phụ nữ ấy nương tựa vào nhau. Chiến tranh đi qua, hai người phụ nữ ấy vẫn nương tựa vào nhau bởi đứa cháu lớn lên, đi học vào lực lượng Công an cũng vì nhiệm vụ mà đi biền biệt... Nhưng bây giờ đã khác, ngôi nhà ấy đã đón tiếng khóc chào đời của thằng cháu nội Lương Nguyễn Gia Huy. Mẹ Miễn bảo, đó là tiếng reo hạnh phúc của gia đình mình. Tôi không hỏi nhưng đoán rằng sau này Huy lớn lên lại tiếp bước ông, bác, cha, chú phục vụ lực lượng Công an.

Mẹ Miễn còn có một niềm hạnh phúc khác, đó là được các đồng đội của con thường xuyên lui tới thăm hỏi, chăm sóc. Trong số đó có Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Mẹ Miễn hạnh phúc: "Chú Tiệm vẫn thường tìm về... Mỗi khi có dịp đi công tác ngang qua Quảng Nam thế nào cũng về thăm tui. Mới rồi ra Hà Nội tui cũng gặp chú ấy. Chú giống như đứa con của tôi mà..."

Nguyễn Khôi
.
.
.