Những người mẹ Anh hùng ở Tây Nguyên

Thứ Năm, 12/07/2007, 16:00

Mẹ Việt Nam Anh hùng Siu Myiu ở làng Năng Long, xã Ia Pếch, Ia Grai (Gia Lai) đã bước sang tuổi 96, lưng còng, tóc bạc phơ, nhưng mẹ vẫn còn khá minh mẫn và không chịu ngồi yên một chỗ. Mẹ bảo: "Amí (mẹ) quen làm việc rồi không thể ngồi yên một chỗ được". Mẹ có 3 người con đều là liệt sĩ, đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến tranh đã cướp đi biết bao người con thương yêu của những Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ không còn nước mắt để khóc các con đã ra đi mãi mãi không về... Và hôm nay chiến tranh đã lùi xa nhưng bao nỗi đau thương, mất mát bởi chiến tranh vẫn còn hằn ghi trên đôi vài gầy và tấm lưng còng của mẹ. Những người mẹ Việt Nam tần tảo, thủy chung, kiên trung bất khuất đã sinh ra những người con anh dũng, góp phần làm rạng rỡ thêm vinh danh cho Tổ quốc, quê hương và dân tộc Việt Nam Anh hùng...

Tôi về huyện Ia Grai, Gia Lai thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng vào những ngày trung tuần tháng 7. Cán bộ làm công tác chính sách ở xã Ia Pếch, Ia Grai kể: "Xã mình có 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, các mẹ đều vui vì thấy buôn làng, quê hương mình ngày một phát triển đi lên". Rồi người cán bộ xã ấy đưa tôi đến làng Năng Long gặp mẹ Siu Myiu trong buổi chiều vắng. Đã bao nhiêu năm qua nhà mẹ không có đàn ông. Tuy tuổi già, sức yếu nhưng ngày nào mẹ cũng tất bật với mảnh vườn trong gia đình.

Năm nay, mẹ Myiu đã bước sang tuổi 96, lưng còng, tóc bạc phơ, nhưng mẹ vẫn còn khá minh mẫn và không chịu ngồi yên một chỗ. Mẹ bảo: "Amí (mẹ) quen làm việc rồi không thể ngồi yên một chỗ được". Mẹ có 3 người con đều là liệt sĩ, đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nhớ về đứa con trai đầu lòng của mẹ là Siu Woh, đội viên du kích xã Ia Pếch hy sinh năm 1970, mẹ kể: "Trong trận chiến đấu chống càn tại núi Ba Lang, xã Ia Pếch năm 1970 ấy, Woh bị thương nặng, sau khi đưa về trạm xá chưa kịp gặp mẹ đã chết...".

Đứa con gái thứ 2 của mẹ là Siu Myon, khi mới 15 tuổi, năm 1960 đã tham gia du kích và hy sinh năm 1974 tại suối Ia Dáp, xã Ia Pếch, lúc đang chiến đấu bảo vệ kho lúa tại làng Năng Long.

Còn Siu Lơh, đứa con thứ 3 của mẹ tham gia du kích xã đội Ia Pếch đã hy sinh năm 1968, khi tuổi đời vừa tròn 20. Mẹ kể, hồi đó Lơh được phân công chiến đấu trong trận chống địch càn tại suối Ia Châm, Ia Grai và đã anh dũng hy sinh... Chồng mẹ cũng đã mất năm 1978 do bệnh tật, cuộc sống thường ngày nương nhờ vào đứa con gái út duy nhất không chồng ở đây.

Mẹ không nhớ hết ngày xưa mình đã góp gạo góp tiền bao nhiêu cho cách mạng, mẹ chỉ nhớ: "Cứ có bao nhiêu tiền gạo là nhờ cán bộ mang đi để bộ đội ăn no chiến đấu. Mẹ nghĩ mình cũng có 3 người con tham gia chiến đấu nên phải lo cho chúng yên tâm mà đánh giặc". Thật thương cho mẹ là sau ngày đất nước được hoàn toàn thống nhất, mẹ mãi mãi không còn nhìn thấy những đứa con của mẹ chiến thắng trở về... Nhưng hôm nay mẹ được thấy đất nước phát triển, buôn làng đổi thay mẹ mừng lắm, làng mẹ đã có đường ôtô, ánh điện chan hòa.

Đến làng Sát Tâu, xã Ia Pếch, Ia Grai thăm mẹ Siu Oanh cũng thật đặc biệt. Mẹ Siu Oanh có 4 người con trai đều tham gia du kích và bộ đội, nhưng có 3 người con trai đã anh dũng hy sinh là Siu Som, Siu Sit và Siu Sih. Trong đó, Siu Sih hy sinh năm 1969 trong lúc địch tấn công bất ngờ nên không lấy được xác, một người con của mẹ còn sống thì bị thương tật nặng đến 61%.

Ngoài sự hy sinh của các con trong kháng chiến, mẹ Siu Oanh còn đóng góp nhiều tiền của, công sức cho cách mạng, mẹ đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 3. Ngày đất nước thống nhất, dù phải đối mặt với muôn ngàn khó khăn, chịu nhiều sự hy sinh mất mát do chiến tranh để lại, nhưng mẹ Siu Oanh vẫn vững vàng vượt qua gian khó, trở thành người lao động sản xuất giỏi, được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khen thưởng.

Gia Lai có 93 người mẹ được công nhận danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng hiện chỉ có 23 mẹ còn sống, trong đó riêng huyện Ia Grai có 6 mẹ còn sống. Tất cả các mẹ còn sống đều được các cơ quan, doanh nghiệp ở Gia Lai nhận phụng dưỡng suốt đời

Ngọc Như
.
.
.