Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10:

Có người mẹ anh hùng yên nghỉ dưới sông An Hạ...

Thứ Năm, 17/10/2013, 11:12
Con sông An Hạ hiền hòa chảy ngang qua xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP HCM có cây cầu Lớn nằm trên đường Nguyễn Văn Bứa, hàng ngày lũ lượt những dòng người và xe qua lại chở theo nhịp sống của vùng đô thị hóa ven đô. Nhưng trong ký ức của những người dân 18 thôn vườn trầu Bà Điểm xưa, dòng sông An Hạ và cây cầu Lớn còn có một tượng đài bất tử, một tượng đài dành cho người Mẹ Việt Nam anh hùng đã vĩnh viễn nằm lại dưới dòng sông.

Nhớ lại lần đến thăm Bảo tàng huyện Hóc Môn, bất chợt nhìn thấy bức di ảnh với vẻ đẹp thanh cao của một người phụ nữ trẻ, mái tóc búi cao, áo dài đen tuyền cao kín cổ, dáng đài các sang trọng như một hoa khôi. Bên dưới bức ảnh có ghi dòng chữ: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Tháng- Giao liên, bảo vệ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, hy sinh ở Cầu Lớn”. Những dòng chú thích ngắn gọn dưới bức chân dung của người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp ấy là cả một câu chuyện lịch sử anh hùng của người dân Bà Điểm, Hóc Môn.

Ai cũng biết, suốt những năm 1932 đến 1939, 18 thôn vườn trầu là nơi trú ẩn hoạt động an toàn của lãnh đạo cao cấp Đảng ta dưới sự chở che đùm bọc, thủy chung của người dân Bà Điểm. Lúc còn nhỏ, gia đình má Hà Thị Tháng là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ Đảng, đặc biệt còn là nơi đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn đầu tiên hoạt động.

Từ rất nhỏ, má Tháng làm giao liên, cảnh giới bảo vệ cho cô Năm Bắc. Hàng ngày đôi chân thoăn thoắt mang trầu ra chợ bán, rồi chuyển tài liệu đi, về theo phân công của đồng chí Minh Khai. Trong cuộc nổi dậy với “tiếng mõ Nam Lân”, má Tháng vận động bà con biểu tình kéo xuống vườn Ông Thượng (Tao Đàn) tham gia biểu dương lực lượng và nghe Chủ tịch UB HCKCNB Trần Văn Giàu nói chuyện. Lần này, má Tháng bị một kẻ phản bội phát hiện chỉ điểm cho phòng Nhì Pháp. Sau khi các đồng chí Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai và một số cán bộ khác bị địch bắt giam, má Tháng biết sắp đến lượt mình…

Di ảnh mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Tháng.

Những ngày ấy, tâm trạng của má rối như tơ vò. Chồng bị giặc bắt giam chưa biết sống chết ra sao, hai con trai còn nhỏ, con gái lớn mới sinh cháu đầu lòng, ngổn ngang trong lòng má khi quyết định rút vào hoạt động bí mật… Hôm đó là ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5) má hái trầu mang ra chợ bán lần cuối cùng để mua thức ăn, về làm tiệc giã biệt các con để chuyển vào hoạt động bí mật. Nước mắt nghẹn trong cổ má nhìn các con hớn hở được ăn Tết, nào có biết đó là chuyến đi cuối cùng.

Trên đường từ Chợ Lớn về, má đã bị địch bắt. Chúng tra tấn đánh đập rất dã man để khai thác nơi giấu cán bộ Đảng, đòn thù làm chết đi sống lại, nhưng má không khai nửa lời ngoài tiếng mắng chửi bọn tay sai, xâm lược. Không thể khuất phục được người nữ giao liên cộng sản kiên trung, bọn giặc đã hèn hạ mang má Tháng ra cầu Lớn bắn chết để uy hiếp rồi ném xác xuống sông An Hạ. Dòng sông hiền lành đã ôm mẹ Hà Thị Tháng vào lòng ru giấc ngủ ngàn năm…

Sau ngày má hy sinh, hai người con trai quyết chí trả thù nhà, đền nợ nước. Anh út Nguyễn Văn Quang trở thành cán bộ Đoàn đến năm 1959 bị địch bắt tù đày. Anh Nguyễn Văn Hồng, mới 15 tuổi bỏ học thoát li chiến đấu trả thù cho cha mẹ. Ông Nguyễn Văn Quýt chồng má Tháng trong tù ngục. Bà Nguyễn Thị Bưng, con gái lớn tranh thủ vào thăm cha, ông căn dặn: “Sau này sinh con nhớ đặt tên là Minh Khai”…

Một thời gian sau, gia đình nhận được tin ông Quýt đã hy sinh trong tù. Bà Bưng làm đúng lời cha dặn và cũng là tâm nguyện của má khi còn sống. Năm 1961, sinh con gái bà đặt tên là Nguyễn Thị Minh Khai. Khi ông Nguyễn Văn Phấn, đi làm khai sinh cho con, người làm giấy khai sinh ngạc nhiên trợn tròn mắt hỏi: “Bộ hết tên hay sao mà lựa tên này đặt?”, ông Phấn thản nhiên trả lời: “Thì chữ Minh ý nghĩa là sáng, còn Khai nghĩa là mở. Tôi đặt tên con vậy, mong cho nó sau này lớn lên sáng sủa dễ coi, thông minh học giỏi, có gì đâu mà mấy ông bắt bẻ?”. Không thể làm giấy khai sinh cho con vì cái tên rất nhạy cảm, nhưng không thể làm trái di nguyện của mẹ cha nên ông không thèm làm khai sinh luôn. Sau ngày thống nhất đất nước, chị Nguyễn Thị Minh Khai mới làm giấy khai sinh. Đến năm 1998, chị Nguyễn Thị Minh Khai trở thành đảng viên, cán bộ xã Bà Điểm, sau đó là cán bộ Huyện ủy Hóc Môn.

Dòng sông An Hạ hàng ngày con nước vẫn lững lờ trôi qua cây cầu Lớn giờ được làm bê tông hiện đại, nhưng lịch sử và thời gian luôn dừng lại tại nơi đây: người Mẹ VNAH, liệt sĩ Hà Thị Tháng, nữ giao liên của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã vĩnh viễn nằm lại nơi này dưới đáy dòng sông quê hương 18 thôn vườn trầu Bà Điểm- Hóc Môn

Hoàng Châu
.
.
.