Trong hội nhập kinh tế quốc tế, yếu kém nhất là khâu tổ chức thực hiện
- Thủ tướng phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”
- Tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế
- Tăng cường thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế
- Nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế
Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, nội dung báo cáo của Chính phủ đã cơ bản bám sát 8 nhóm nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết 1052. Tuy nhiên, về phát triển nguồn nhân lực, báo cáo của Chính phủ cần nêu ra những giải pháp đã thực hiện từ khi có Nghị quyết 1052 nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cần có lộ trình thực hiện mục tiêu như Nghị quyết yêu cầu, không chỉ nêu một số chỉ tiêu về lao động.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần rà soát, cụ thể hóa bằng các biện pháp mạnh hơn và trường hợp cần thiết đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 trong bối cảnh tác động mạnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đòi hỏi tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh |
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, các báo cáo quá bám sát vào Nghị quyết. Theo ông, 10 nhóm tồn tại vướng mắc được nêu đủ cả nhưng cần nói đâu là cản trở, đâu là nguyên nhân tạo ra sự trì trệ? Đối với vấn đề hội nhập là phải dự báo, dự đoán được diễn biến tình hình kinh tế, chính trị các nước trên thế giới, đặc biệt là các đối tác lớn của chúng ta.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lại băn khoăn hàm lượng đánh giá, phân tích về nguồn nhân lực quá ngắn gọn. “Trong việc thực hiện nhóm nhiệm vụ thứ 3 thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khoá quan trọng để giúp quá trình hội nhập đạt được những kết quả mong muốn và mục đích đặt ra ban đầu. Tuy nhiên hàm lượng tổng kết dành cho báo cáo chỉ có 10 dòng để nói về chất lượng nguồn nhân lực trong 16 trang báo cáo, cũng không có kiến nghị, giải pháp nào…” – bà chỉ rõ.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập về kinh tế quốc tế khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ ngành tiếp tục bám sát 8 nhóm giải pháp như đã nêu, đẩy mạnh bám sát việc thực hiện nghị quyết và tiếp thu ý kiến của UBTVQH về nguồn nhân lực.
Trả lời về khâu yếu kém nhất, Phó Thủ tướng cho rằng đó là khâu tổ chức thực hiện, chỉ đạo phối hợp liên ngành do cần sự phối hợp của cả hệ thống chính trị. “Chúng ta có cả Ban chỉ đạo về tạo thuận lợi thương mại và cơ chế một cửa nhưng hiện nay mới chỉ đưa được 36/280 thủ tục hành chính vào cơ chế một cửa quốc gia. Mục tiêu đến năm 2018 đạt 80% và 2020 là 100%. Đối với 73 nhóm thủ tục kiểm tra chuyên ngành của hải quan, Chính phủ đang giao cho các Bộ, ngành rà soát theo hướng giảm thiểu nhất, để đảm bảo yêu cầu quản lý nhưng tạo thuận lợi cho thương mại nhất” – Phó Thủ tướng nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. |
Ngoài bám sát 8 nhóm giải pháp trong Nghị quyết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ ngành bám sát Nghị quyết 05 của Hội nghị Trung ương 4, khoá XII về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết 04 của Quốc hội về giám sát tối cao cơ cấu lại nền kinh tế.
“Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định phải xử lý các nhiệm vụ kép. Một mặt xử lý các tồn tại yếu kém cũ như nợ xấu, nợ công, các dự án thua lỗ. Ngoài 5 dự án thua lỗ, kém hiệu quả vừa báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vùa rồi còn 7 dự án nữa. Mặt khác là xử lý nợ công, nợ xấu, gắn với việc cơ cấu các ngành, lĩnh vực thế nào để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội. Trong đó có rà soát, chất lượng hệ thống thể chế chính sách, nhất là hệ thống cán bộ…”- Phó Thủ tướng cho hay.