Việt Nam-Hoa Kỳ: 25 năm xích lại gần nhau

Thứ Bảy, 11/07/2020, 06:33
Nói về quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink cho hay, không có phép màu hay sự tình cờ thần thánh nào tạo ra kết quả này mà chính là những nỗ lực, sự dũng cảm và thiện chí của hai nước trong 25 năm qua..


Ngày 11/7/1995, khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Thượng nghị sĩ John McCain đã gọi đây là "quyết định đòi hỏi sự can đảm". Và sau 25 năm, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm đầy khó khăn, Việt Nam-Hoa Kỳ đã trở thành hình mẫu cho mối quan hệ vượt qua thù hận trong quá khứ, ngày càng phát triển và trở thành những người bạn-đối tác chân thành.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc gặp hồi cuối tháng 2 năm 2019. 
Xây dựng lòng tin

Nói về quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink cho hay, không có phép màu hay sự tình cờ thần thánh nào tạo ra kết quả này mà chính là những nỗ lực, sự dũng cảm và thiện chí của hai nước trong 25 năm qua. Theo Đại sứ Daniel J.Kritenbrink, Hoa Kỳ luôn giữ cam kết mạnh mẽ trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

“Trong 25 năm qua, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã vượt qua mọi dự đoán, kể cả của những người trong cuộc. Chắc chắn trong thời gian tới, hai bên sẽ còn nâng tầm quan hệ cao hơn nữa. Về mặt chính thức, Việt Nam-Hoa Kỳ hiện là quan hệ đối tác toàn diện nhưng thực chất theo tôi đã trở thành quan hệ chiến lược. Hoa Kỳ quan tâm đến những kết quả rõ ràng trong thực tiễn về hợp tác giữa hai bên. Chúng tôi quan tâm đến việc xây dựng lòng tin với Việt Nam; làm sao mối quan hệ thương mại kinh tế trở nên cân bằng và tự do hơn; thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng hơn là việc gọi tên chính thức quan hệ đối tác là gì. Tôi tin quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ đang mạnh mẽ phát triển nhất từ trước tới nay và sự hợp tác này sẽ ngày càng gia tăng về cả về chiều rộng lẫn chiều sâu”, Đại sứ Daniel J.Kritenbrink nói.

Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc thì cho rằng, có 3 “hạt dẻ” do chính con người tạo ra để gắn kết mối “lương duyên” Việt Nam-Hoa Kỳ, đưa hai quốc gia từ vị trí cựu thù trở thành bạn bè. Đó là tầm nhìn xa, quyết tâm chính trị và bản lĩnh của lãnh đạo hai nước; niềm tin mạnh mẽ của nhân dân hai nước vào tương lai quan hệ giúp hai bên vượt qua những lằn ranh khắc nghiệt do lịch sử để lại và cuối cùng là nỗ lực lớn lao, không mệt mỏi của nhiều thế hệ người Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tán đồng với quan điểm này, ông Michael Miclausis, Giám đốc Nghiên cứu-Thông tin-Ấn phẩm của Đại học Quốc phòng quốc gia và là thành viên cấp cao Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia Hoa Kỳ, nhận định, mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ ngày  càng phát triển, nồng ấm và là một trong những thành công rực rỡ trong quan hệ quốc tế gần đây.

Chiều 11/11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chính thức đón Tổng thống Trump từ khi ông tiếp quản Nhà Trắng. Ảnh: Dương Minh Hoàng

Để đánh giá chính xác quá trình phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, theo ông Michael Miclausis, chỉ cần phải nhìn lại khoảng thời gian từ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Theo ông Michael Miclausis, kinh tế, thương mại và đầu tư được xem là lĩnh vực hợp tác thành công nhất và đã, đang trở thành nền tảng, xung lực thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện ổn định và lâu dài giữa Việt Nam-Hoa Kỳ.

Nhìn lại 25 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Đại sứ Lê Văn Bàng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người có thời gian 9 năm công tác tại Hoa Kỳ với các vai trò là Trưởng văn phòng liên lạc, đại biện lâm thời, Đại sứ đầu tiên tại Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 1995-2000) và là một trong những nhân vật đã chứng kiến toàn bộ quá trình đàm phán bình thường hóa trong quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Ở thời điểm hiện tại, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ so với  cách đây 25 năm là "một trời một vực". Trên lĩnh vực kinh tế, năm 1994, kim ngạch thương mại song phương đạt con số khiêm tốn với khoảng 400 triệu USD,  năm 2019 đạt gần 70 tỷ USD, tăng hơn 130 lần... Đó là một sự chuyển biến phi thường”.

Chia sẻ tầm nhìn chiến lược
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cầm lá cờ Việt Nam trong một cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trong một đoạn video đăng trên tài khoản Facebook của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thẳng thắn nói về bước tiến lịch sử giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, một bước đi mà theo ông, trước hết đòi hỏi hai nước phải đối mặt với di sản chiến tranh đen tối.

Ông Mike Pompeo cho rằng, kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã xây dựng tình hữu nghị dựa trên lợi ích chung, sự tôn trọng lẫn nhau và quyết tâm táo bạo để vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai. Đặc biệt, mặc dù khác nhau về hệ thống kinh tế và chính trị nhưng Việt Nam-Hoa Kỳ đã cùng chia sẻ nhận thức chung về cân bằng chiến lược trong khu vực cũng như ý thức được rằng hợp tác cùng nhau, hai bên sẽ mạnh mẽ hơn khi phải đối mặt với những thách thức chiến lược chung.

“Trong quá khứ chúng ta từng là đối thủ trên chiến trường, nhưng ngày nay, hợp tác là nền tảng trong mối quan hệ an ninh giữa hai nước. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, tàu sân bay USS Carl Vinson đã đến thăm Đà Nẵng, trở thành tàu sân bay đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cách đây ba năm, quân đội hai nước đang cân nhắc tăng cường hợp tác an ninh hơn nữa", ông Mike Pompeo nói.
Tháng 10 năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm sân bay Biên Hoà, nơi đang thực hiện các dự án hợp tác giữa hai nước về giải quyết hậu quả chiến tranh.

Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ trong 4 năm qua đã được thúc đẩy mạnh hơn bởi 5 chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ tướng Việt Nam. Thành quả này, như đánh giá của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương David Stilwell, là bài học sâu sắc và kịp thời cho các nước khác trên thế giới và cũng góp phần tạo nên một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, với đặc điểm là tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả các quốc gia, bất kể quy mô, sự hợp tác và tôn trọng các quy tắc, không có sự bá quyền hay chân lý thuộc về kẻ mạnh.

Và nhờ khía cạnh chiến lược, Việt Nam-Hoa Kỳ đã hợp tác chặt chẽ để giải quyết hàng loạt thách thức trong khu vực Mekong, ASEAN, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có an ninh khu vực. Trong tương lai, sự phát triển của Hoa Kỳ dựa trên những đối tác mạnh mẽ, thịnh vượng trong khu vực và thế giới.

Vì vậy, “chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ những lợi ích đó của chúng tôi thông qua các hành động của mình, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác quan trọng trong khu vực này. Hoa Kỳ trên hết không có nghĩa là nước đứng một mình, quốc gia nào cũng vì lợi ích của chính mình. Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc có các đối tác mạnh mẽ tự chủ trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Thực tế, Tổng thống Donald Trump và hai người tiền nhiệm đã khẳng định về sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước. Hoa Kỳ giữ nguyên cam kết mạnh mẽ của mình với Việt Nam. 

Sự hợp tác trong tương lai, tôn trọng những gì diễn ra trong quá khứ sẽ góp phần xây dựng lòng tin. Cùng nhau, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu. Thành công của các bạn là thành công của chúng tôi. Thịnh vượng của các bạn là thịnh vượng của chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn lạc quan về những thành tựu sẽ đạt được trong 25 năm tiếp theo”, Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J.Kritenbrink nhấn mạnh.

Huyền Chi
.
.
.