Hành trình đặc biệt đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sang chương mới của hữu nghị, hợp tác

Thứ Tư, 12/12/2018, 21:44
Hợp tác nhân đạo trong tìm kiếm các quân nhân Hoa Kỳ mất tích ở Việt Nam và bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh góp phần tạo ra sự đồng cảm, chia sẻ giữa nhân dân hai nước và là khởi nguồn cho thiện chí, hợp tác hiệu quả giữa hai bên trong các lĩnh vực khác.

Tối 12-12, tại Hà Nội, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác trong việc tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) tại Việt Nam (1988-2018). Hợp tác MIA là một trong những cầu nối đầu tiên giữa hai nước sau khi chiến tranh kết thúc, cũng đồng thời là lĩnh vực hợp tác song phương đạt được tầm mức quy mô, phạm vi và thời gian phối hợp lâu dài, sâu sắc.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong 30 năm qua, việc tìm lại hài cốt các quân nhân mất tích trong chiến tranh đã mang lại sự an bình cho nhiều gia đình người dân Hoa Kỳ; cũng khiến người dân hai nước hiểu hơn về thiện chí, chính sách nhân đạo và văn hoá của nhau. Đó là quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau của Hoa Kỳ và truyền thống nhân nghĩa, bao dung của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

"Vượt qua sự mất mát, đau thương của chính mình với những hậu quả chiến tranh nặng nề cả về con người lẫn môi trường, người dân Việt Nam đã tham gia vào một hành trình mà sau này giúp lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ bước sang một chương mới của hữu nghị và hợp tác", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói. "Tôi xin tái khẳng định chủ trương "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" của Việt Nam, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong lĩnh vực này".

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại buổi lễ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tẩy độc da cam/dioxin và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại và tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, khi nói về chiến tranh, người ta thường nói về đau thương, về sự hận thù. Ngày hôm nay, chúng ta nhìn thấy những sai lầm trong lịch sử gây ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng chúng ta cũng thấy sự bao dung, lòng nhân ái..

"Hoạt động tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh không chỉ khép lại một quá khứ, không chỉ đơn giản là khắc phục hậu quả của lịch sử, mà nó chính là cánh cửa mở rộng cho sự hợp tác trong tương lai của hai quốc gia", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định. "Chúng ta đã cùng cam kết với nhau là không bỏ một ai lại, kể cả hàng ngàn quân nhân Hoa Kỳ thiệt mạng ở Việt Nam cũng như hàng triệu liệt sĩ của Việt Nam đã hi sinh".

Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz, Phó giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DPAA).

Tại buổi lễ, Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz, Phó giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DPAA) đã thay mặt cho các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ, các cựu chiến binh và các gia đình những người mất tích cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam, và đặc biệt là Cơ quan Việt Nam Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam, trong hơn ba thập kỷ, đã làm việc không mệt mỏi để có được kết quả như hôm nay.

"Chúng tôi nhận thức về sự mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam trong thời chiến, và còn một số lượng lớn người Việt mà hài cốt vẫn chưa được khai quật", ông Jon Kreitz nói. "Rõ ràng, hoạt động MIA là một ví dụ khác về mở rộng hợp tác nhân đạo và nói lên sự sâu sắc của mối quan hệ song phương và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta".

Ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, trong năm 1973, Việt Nam đã thành lập Văn phòng Tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và trao trả hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích.

Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Caryn McClelland trao quà cho những cá nhân Việt Nam có đóng góp quan trọng cho hợp tác tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh.

Trong giai đoạn 1973-1988, Việt Nam đã khắc phục khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, triển khai thu thập và tiến hành 24 đợt trao trả cho phía Hoa Kỳ tổng số 302 bộ hài cốt liên quan đến quân nhân Hoa Kỳ. Từ đầu thập niên 1980, Chính phủ hai nước đã thiết lập kênh tiếp xúc về giải quyết hậu quả chiến tranh, đặc biệt là hoạt động tìm kiếm MIA tại Việt Nam.

Từ năm 1988, các nhóm chuyên gia Hoa Kỳ lần lượt tới nước ta tham gia hoạt động tìm kiếm và khai quật. Tháng 7-1991, Việt Nam cho phép Hoa Kỳ lập Văn phòng MIA tại Hà Nội, cơ quan thường trú đầu tiên của Hoa Kỳ sau chiến tranh tại Hà Nội. Kể từ đó, hoạt động hợp tác tìm kiếm hỗn hợp Hoa Kỳ - Việt Nam đã tìm được hài cốt của 726 người, trong khi hai bên vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 1.247 người còn lại.

Chuyên gia hai nước trong một nhiệm vụ khai quật hài cốt quân nhân Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Dù có nhiều thuận lợi trong thời gian qua, song hoạt động MIA trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi chiến tranh chấm dứt đã lâu, nhiều vụ việc xảy ra cách đây tới gần nửa thế kỷ. Nguồn nhân chứng và thông tin dần cạn kiệt. Nhiều hiện trường đã hoặc có nguy cơ bị mất hoặc thay đổi do điều kiện thời tiết, thiên nhiên và sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Điều này đã đặt ra yêu cầu cơ quan MIA hai nước thời gian tới cần hợp tác chặt chẽ hơn cũng như nghiên cứu cải tiến phương thức hoạt động.

"Hi vọng rằng, trong tương lai, chúng ta có thể hài lòng khẳng định mình đã làm hết sức và đã kiểm kê đầy đủ nhất có thể quân nhân Hoa Kỳ đã mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam", Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Thiện Minh
.
.
.