Du lịch cần tiên phong thúc đẩy kinh tế phát triển

Thứ Năm, 06/12/2018, 18:10
Ngày 6-12, phiên toàn thể Diễn đàn cao cấp du lịch Việt Nam 2018 chủ đề “Phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững – Tầm nhìn 2030” đã diễn ra tại Hà Nội với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo nhà nước về du lịch.

Diễn đàn cao cấp du lịch Việt Nam năm 2018 do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) và báo VnExpress tổ chức. Thu hút gần 1.500 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và các lĩnh vực liên quan ở trong và ngoài nước, tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng chỉ ra nhiều thế mạnh cũng như hạn chế của du lịch Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân nhấn mạnh: Du lịch là ngành tăng trưởng 2 lần trong nhiều năm qua, đóng góp trực tiếp 7,5% GDP và đóng góp gián tiếp 22,5% GDP. Nhưng phát triển du lịch trong các năm tiếp theo như thế nào là vấn đề gây nhiều lo lắng. Khi đến ngưỡng giới hạn, nếu không chịu thay đổi, du lịch Việt Nam sẽ khó phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý cao cấp của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập của ngành du lịch: Tốc độ tăng trưởng cao nhưng thiếu bền vững, đội ngũ nhân lực, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, chỉ số cạnh tranh thấp, năng suất lao động không cao…

Để khắc phục các vấn đề này, các đại biểu đã chỉ ra nhiều giải pháp  như cơ cấu lại ngành, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính, đặc biệt là miễn visa…

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân

Lắng nghe các ý kiến đóng góp và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Du lịch là một ngành tổng hợp liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều nghề. Những năm vừa qua, du lịch Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh so với tốc độ chung của thế giới, nhưng giữ được tốc độ phát triển như hiện nay vô cùng khó. 

Bởi lẽ, đến một ngưỡng phát triển nhất định, du lịch Việt Nam sẽ vấp phải những hạn chế mà ngành du lịch không thể giải quyết được và các ngành cũng không thể giải quyết được trong vòng một thời gian ngắn, 1 năm hay 2 năm. Nếu nhìn theo hướng tiêu cực là đã không thể giải quyết nhanh được nên đành chấp nhận thì sẽ trì trệ. Vì vậy, một mặt chúng ta phải thúc đẩy giải quyết các vấn đề này, mặt  khác  vẫn có các giải pháp ngắn hạn, trước mắt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tại diễn đàn ngày 6-12

Phó Thủ tướng phân tích: Nếu làm tốt, du lịch sẽ chia sẻ được cả những tài nguyên hữu hình và tài nguyên vô hình là con người, văn hóa Việt Nam, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khác. Như du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, nếu làm tốt thì sẽ thúc đẩy toàn bộ vùng đó phát triển nông nghiệp theo xu hướng sản xuất nông sản sạch, an toàn, trợ giúp phát triển xuất khẩu nông sản. 

Đẩy mạnh du lịch cộng đồng sẽ không chỉ giúp người nghèo tăng thu nhập, giúp du khách trải nghiệm văn hóa Việt Nam mà quan trọng hơn là du lịch cộng đồng sẽ mang thế giới đến tận gia đình người nông dân, tác động đến các em nhỏ ở trong các ngôi nhà ấy và góp phần thay đổi tương lai của những gia đình này. Vì vậy, những người làm du lịch, ngoài làm tốt nhiệm vụ của mình, cần nhận trách nhiệm thúc đẩy, tiên phong đi trước trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước… 

Phát triển du lịch thì luôn cần sự phối hợp rất đồng bộ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, của trung ương với địa phương, phối hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp và người dân. Phải làm sao để du lịch phát triển nhưng đất nước phải ổn định, hòa bình, mọi người an toàn và mọi người biết được về Việt Nam không chỉ là về vẻ đẹp tiềm ẩn mà kể cả những vẻ đẹp đã phát lộ cũng rất hấp dẫn.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Chắc chắn trong vài ba năm sắc tới, Việt Nam không thể có thể có ngân sách 50 triệu USD để quảng bá du lịch như một số quốc gia khác. Vấn đề đặt ra là chúng ta chỉ có một số triệu USD làm sao để quảng bá tốt nhất? Ngoài các kênh quảng bá chuyên nghiệp truyền thống, cần áp dụng thành tựu của khoa học công nghệ, phải dùng công nghệ thông tin một cách triệt để. 

Nếu làm tốt, công nghệ thông tin sẽ giúp giải quyết rất nhiều việc mà trước đây tưởng chừng không giải quyết được. Như tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch biết ngôn ngữ các nước, rất khó để đào tạo ngay mấy chục nghìn hướng dẫn viên du lịch đáp ứng được nhu cầu thực tế. Giải quyết vấn đề này, nhiều điểm đến đã có những ứng dụng làm thay con người thông qua các chương trình dành cho điện thoại thông minh. 

Trong thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ chính thức phát động phát triển du lịch thông minh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng nền tảng, từ đó huy động tất cả các doanh nghiệp tham gia vào phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh…


N.Hoa
.
.
.