Người bị tạm hoãn xuất cảnh nhưng cần ra nước ngoài chữa bệnh giải quyết ra sao?
“Có những người nằm trong quy định bị tạm hoãn xuất cảnh, nhưng người ta lại bị bệnh hiểm nghèo, như bị ung thư chẳng hạn, cần ra nước ngoài gấp để chữa bệnh thì giải quyết như thế nào”, Thứ trưởng Lê Quý Vương lấy ví dụ.
- Bộ trưởng Tô Lâm đọc Tờ trình về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
- Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, lấy phục vụ nhân dân là mục tiêu cốt lõi
- Người mắc dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm cần tạm hoãn xuất cảnh
- Nhiều điểm mới trong dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
- Cấm xuất cảnh và đi khỏi nơi cư trú đối với tài xế xe Lexus tông đám tang ở Quy Nhơn
Sáng 15-7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 35, cho ý kiến về Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Theo báo cáo về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật do Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Võ Trọng Việt trình bày, về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh (Điều 28 dự thảo Luật do Chính phủ trình), một số ý kiến đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với: Người liên quan đến vụ án đang trong quá trình điều tra, người đang bị thanh tra, kiểm tra mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cần ngăn chặn người đó trốn...
Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt |
Thường trực UBQPAN thấy rằng, đây là nội dung có liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, liên quan đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng, là nội dung quan trọng của dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực UBQPAN đã tiến hành rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan và đề nghị thiết kế lại điều luật này cho rõ ràng hơn, thống nhất trong hệ thống pháp luật, có viện dẫn mà không sao chép; thu hẹp diện các đối tượng bị tạm hoãn tại khoản 4 và khoản 5 cho sát hợp với thực tiễn; quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn để tránh việc lạm dụng, lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền công dân…
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Thường trực UBQPAN đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” và “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”.
Đồng thời, đề nghị lược bỏ quy định tại khoản 2 vì mâu thuẫn với Luật Tương trợ tư pháp (không dẫn độ công dân Việt Nam ra nước ngoài); lược bỏ quy định “Người có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” tại khoản 5, vì nội dung quá rộng, thời hạn chấp hành ngắn (10 ngày) và nếu bị tạm hoãn xuất cảnh (tước quyền công dân) thì quá nghiêm khắc, không cần thiết.
Thứ trưởng Lê Quý Vương |
Đối với người liên quan đến vụ án đang trong quá trình điều tra mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, đủ căn cứ thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và đương nhiên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại khoản 1 Điều này”, ông Việt cho hay.
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cách đặt vấn đề tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị thanh tra, kiểm tra là đúng những quy định trong dự thảo luật còn khá chung chung. “Vì việc xác định người đó vi phạm như thế nào là đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn bỏ trốn thì cần có trình tự, thủ tục. Do đó cần làm rõ và quy định cụ thể hơn”, bà phân tích.
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng lưu ý đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, do đó phải rà soát lại quy định cho phù hợp, song cũng không bỏ lọt tội phạm, người đang trong quá trình tạm hoãn xuất cảnh thì không được xuất cảnh.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật giải trình thêm về vấn đề này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đồng tình vấn đề tạm hoãn xuất cảnh cần rà soát lại để đảm bảo phù hợp. Thứ trưởng cho rằng diện đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh hơi rộng, chưa cụ thể và sẽ gây khó khăn cho các cơ quan trong quá trình thực hiện.
Toàn cảnh phiên họp |
“Có những người nằm trong quy định bị tạm hoãn xuất cảnh, nhưng người ta lại bị bệnh hiểm nghèo, như bị ung thư chẳng hạn, cần ra nước ngoài gấp để chữa bệnh thì giải quyết như thế nào”, Thứ trưởng Lê Quý Vương lấy ví dụ.
Thứ trưởng Lê Quý Vương đánh giá, quy định tạm hoãn xuất cảnh đụng chạm đến quyền con người, quyền công dân, không đơn giản, do đó cần rà soát, quy định hết sức chặt chẽ. “Trừ các quyết định của cơ quan tố tụng, còn lại các lĩnh vực khác, như thuế, hành chính, dân sự, phải xem xét, rà soát kỹ lưỡng”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng trân trọng cảm ơn các ý kiến của UBTVQH và đại diện lãnh đạo các bộ ngành đã phát biểu, tham gia góp ý vào dự án luật. Đồng thời khẳng định Bộ Công an thống nhất cao với các ý kiến của UBQPAN, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với UBQPAN để nghiên cứu, hoàn chỉnh dự án luật.
Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Thường trực UBQPAN phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.