Bộ trưởng Tô Lâm đọc Tờ trình về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Thứ Ba, 28/05/2019, 14:50

Chiều nay, 28-5, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.



Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” và tại Điều 23 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân được thực hiện theo các văn bản dưới luật là chưa phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp. Do vậy, cần thiết phải ban hành Luật này để đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013.

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật có nội dung liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân như: Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Quốc tịch, Luật Căn cước công dân, Luật Cư trú, Luật Xử lý vi phạm hành chính… Do vậy, cần thiết phải ban hành Luật này để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về lý do thứ ba, theo Bộ trưởng Tô Lâm là xuất phát từ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và triển khai Đề án sản xuất, phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật này nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách trên, để vừa tạo thuận lợi hơn cho công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

8 điểm mới đối với công dân

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật gồm 6 chương 40 điều, trong đó đối với công dân, gồm 8 điểm mới sau đây:

- Quy định rõ quyền, nghĩa vụ của công dân, gồm 4 quyền, 3 nghĩa vụ.

- Không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng internet để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

- Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục tại Công an địa phương nơi thuận tiện nhất. Quy định hiện hành là nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn.

Toàn cảnh hội trường

- Đối với hộ chiếu phổ thông, không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần hai trở đi được lựa chọn nơi tiếp nhận tờ khai. Quy định hiện hành, hộ chiếu hết hạn 1 ngày vẫn phải về Công an địa phương nơi thường trú để nộp hồ sơ, còn hạn 1 ngày có thể nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

- Công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu. Quy định này nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, tránh thủ tục phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực.

- Hộ chiếu cấp riêng cho từng người. Quy định hiện hành, người chưa đủ 9 tuổi cấp chung với bố, mẹ, thời hạn 5 năm.

- Người từ đử 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử.

- Luật hóa việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy, nếu người dân có yêu cầu; để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài còn thời hạn.

3 điểm mới trong giấy tờ xuất nhập cảnh

Về giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 3 điểm mới:

- Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại: gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử.

- Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm (để phù hợp với Luật căn cước công dân), có loại gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử. Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn không quá 05 năm (không gắn chíp điện tử).

Các đại biểu tham dự kỳ họp

- Thay cho việc cấp giấy thông hành cho công dân Việt Nam ra nước ngoài ngắn hạn phải về nước vì nhiều lý do khác nhau như hiện nay bằng việc cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn để thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước đối với công dân trong mọi trường hợp, không phát sinh thêm mẫu mới.

5 điểm mới đối với cơ quan quản lý nhà nước

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, gồm 5 điểm mới:

- Thực hiện việc thu nhận vân tay, ảnh chân dung của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu để phục vụ việc thu thập đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân trong trường hợp Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân chưa đáp ứng và chống giả mạo.

- Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong việc kiểm soát xuất nhập cảnh bằng hệ thống cổng kiểm soát tự động nhằm tạo điều kiện thuận lợi người dân khi xuất cảnh, nhập cảnh.

- Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân để phục vụ việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, kiểm soát xuất nhập cảnh.

- Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người đi trên phương tiện quốc phòng, an ninh ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ.

- Quy định các trường hợp bị hủy, thu hồi hộ chiếu đối với người bị mất quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; người không thuộc diện còn được sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (vì chưa có trong quy định hiện hành).


Quỳnh Vinh
.
.
.