Người mắc dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm cần tạm hoãn xuất cảnh

Thứ Hai, 06/05/2019, 13:07

Đó là một nội dung quy định trong dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được thảo luận tại Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN), sáng nay, 6-5.


Thay mặt Ban soạn thảo trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Xuất phát từ yêu cầu cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, từ yêu cầu thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và từ yêu cầu thực tiễn hiện nay thì việc xây dựng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết. Từ đó tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn trình bày tóm tắt Tờ trình Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Về nội dung dự án Luật, Ban soạn thảo cũng đã tiếp thu 18 ý kiến và đề nghị giữ nguyên như dự thảo 8 ý kiến. Trong đó, dự thảo Luật đã bổ sung, làm rõ hơn các khái niệm: Cửa khẩu, hộ chiếu, giấy thông hành, chíp điện tử gắn trong hộ chiếu, nguyên tắc xuất nhập cảnh, các hành vi bị nghiêm cấm, thời hạn giải quyết cấp hộ chiếu đối với trường hợp có yếu tố nhân đạo từ 5 ngày xuống còn 3 ngày, rà soát đưa ra khỏi diện đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh (các trường hợp có nghĩa vụ trong vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, các nghĩa vụ tài chính khác).

Đồng thời quy định cụ thể các trường hợp được cấp giấy thông hành và giao Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, trình tự, thủ tục, cơ quan cấp giấy thông hành; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành chủ quản trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh…

Dự thảo Luật cũng đã bổ sung báo cáo tổng kết việc thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân từ ngày 1-1-2018 đến 30-4-2019. Đã bổ sung tính khả thi của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong Báo cáo đánh giá tác động và Tờ trình…

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Phó Chủ nhiệm UBQPAN Trần Ngọc Khánh khẳng định, UBQPAN nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh.

Đại diện UBQPAN trình bày báo cáo thẩm tra

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm QPAN và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thời gian qua.

Đi vào những nội dung cụ thể, về cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (Mục 1, Chương III), Tờ trình của Chính phủ nêu ra 2 loại ý kiến gắn với 2 phương án: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định mang tính nguyên tắc chung cho cả đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với tình hình cải cách, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện nay.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể, tách bạch đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cơ quan, người có thẩm quyền cử, cho phép, quyết định để đảm bảo tính công khai, minh bạch vì cho rằng những nội dung này đang được điều chỉnh bằng nghị định và thực hiện ổn định trong thời gian dài vừa qua.

UBQPAN tán thành với loại ý kiến thứ hai gắn với Phương án 1 của dự thảo Luật. Nội dung này cũng đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng tại Phiên họp thứ 33 (tháng 4-2019) và có kết luận: “Quy định cụ thể, tách bạch đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, đối tượng cấp hộ chiếu công vụ và bổ sung các quy định cơ bản về cấp giấy thông hành”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Đối với khoản 6 Điều 28 quy định tạm hoãn xuất cảnh vì lý do dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm, Tờ trình của Chính phủ nêu hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không nên quy định hạn chế quyền xuất cảnh đối với các trường hợp này.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đối với các dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm, đặc biệt trong thời gian gần đây, trên thế giới đã xuất hiện một số dịch bệnh mới, lây lan rất nhanh, như các dịch bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh sốt xuất huyết do vu rút Ebola… cần phải tạm hoãn xuất cảnh để phong toả vùng dịch, ngăn chặn, dập dịch lây lan ra cộng đồng. Ban soạn thảo đề nghị thực hiện theo loại ý kiến thứ hai.

UBQPAN tán thành với loại ý kiến thứ hai và cho rằng: Việc quy định trường hợp hạn chế xuất cảnh vì lý do dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm nhằm mục đích bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của công dân; phong toả vùng dịch, ngăn chặn, dập dịch lây lan ra cộng đồng; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tại phiên họp, các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với những nội dung nêu trong Tờ trình và dự thảo luật của Chính phủ; đồng tình với dự thảo báo cáo thẩm tra của Thường trực UBQPAN; đồng thời phát biểu bổ sung, góp ý để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban soạn thảo trong việc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến thẩm tra sơ bộ và ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện Dự thảo luật; khẳng định việc ban hành Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là rất cần thiết để thi hành Hiến pháp 2013, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tiếp tục tạo cơ sở, nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, bảo đảm quyền tự do đi lại của người Việt Nam, góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Về cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra rà soát kỹ cả về nội dung, kỹ thuật lập pháp, cách sử dụng câu từ, tên các cơ quan đơn vị, trình ra 2 phương án để Quốc hội thảo luận, lựa chọn. Về vấn đề tạm hoãn xuất cảnh, theo ông cần cụ thể hơn các quy định để tránh bị lạm dụng, lợi dụng, làm ảnh hưởng đến quyền đi lại của công dân.

Cho rằng dự thảo luật đã đáp ứng được yêu cầu, có thể trình ra Quốc hội cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị sau phiên họp này, Thường trực UBQPAN khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra chính thức để gửi các đại biểu Quốc hội. Đối với những nội dung còn có các phương án khác nhau thì báo cáo thẩm tra phải phân tích kỹ mặt được, mặt chưa được của từng phương án và nêu quan điểm của UBQPAN đề làm cơ sở cho việc thảo luận.


Quỳnh Vinh
.
.
.