Lá phiếu - quyền làm chủ

Chủ Nhật, 22/05/2016, 07:58
Hôm nay (22-5-2016), hơn 69 triệu cử tri trên cả nước đi bỏ phiếu lựa chọn ra người xứng đáng vào Quốc hội và HĐND các cấp. Chiếc lá phiếu trên tay tuy nhỏ nhắn và chỉ với vài dòng thông tin cơ bản nhất nhưng nó chứa đựng ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, cao quý: khẳng định quyền làm chủ của nhân dân đối với một nước độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.


Thông qua lá phiếu, mỗi cử tri đặt niềm tin vào những người đại diện cho tiếng nói của mình trong bộ máy cơ quan quyền lực cao nhất từ Trung ương đến địa phương.

Quyền bầu cử là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân, là quyền hiến định. Để có được quyền cầm lá phiếu thiêng liêng, cao quý đó, bao thế hệ ông cha đã phải kiên cường chiến đấu, hy sinh xương máu giành và giữ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. 

Bởi vậy, quyền bầu cử không chỉ là quyền của cá nhân mỗi cử tri khi bầu ai, chọn ai mà còn là sự khẳng định quyết tâm chính trị của những người đang sống hôm nay đối với khát vọng, tâm nguyện của các bậc tiền nhân đã xả thân cho nền độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây nước nhà.

Các cử tri người Ba Na tại làng Hà Giao bỏ phiếu bầu cử.

70 năm trước, nhân Tổng tuyển cử Quốc hội khóa I, Bác Hồ đã gặp gỡ hơn hai vạn nhân dân Thủ đô trong cuộc mít tinh tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội).

Thay mặt các ứng cử viên, Bác nói: “Từ trước đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa chưa bao giờ làm chủ mình. Xưa, dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây, ta mới giành được độc lập. Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu này… Bây giờ làm việc nước là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu…”.  

Phát biểu nhân dịp chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý, là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà. Vì vậy, đối với lợi ích chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình, tức là phải nhắc nhở nhau hăng hái đi bỏ phiếu ngày tổng tuyển cử”. Bác cũng nhấn mạnh rằng, “mỗi lá phiếu như viên gạch đặt nền móng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”.   

Tới nay, Nhà nước ta bước sang kỳ bầu cử Quốc hội khoá XIV. Nếu như Quốc hội khoá đầu kéo dài tới 14 năm (1946-1960) và một khoá Quốc hội chỉ vẻn vẹn 1 năm (khoá V, từ tháng 4-1975 đến tháng 6-1976) thì sau ngày thống nhất, các nhiệm kỳ Quốc hội kéo dài 5 năm (trừ khoá XII, 2007-2011). Tại cuộc bầu cử Quốc hội lần này, danh sách 878 người chính thức ứng cử ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khoá XIV đã được Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố. Cùng với đó là bầu cử HĐND – cơ quan quyền lực cao nhất tại địa phương.
Thanh niên quận 5, TP Hồ Chí Minh tham gia cổ động, tuyên truyền cho ngày bầu cử.

Để cử tri có điều kiện theo dõi, nghiên cứu về các ứng viên trước khi chọn ai, gạch ai, hội đồng bầu cử ở nhiều địa phương đã gửi danh sách ứng viên đến nơi ở của cử tri, trong đó ghi vắn tắt những nét cơ bản. Do việc bầu cử HĐND được thực hiện đồng thời với bầu cử Quốc hội nên mỗi cử tri có trong tay 4 bản danh sách (gồm 1 danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội và 3 danh sách ứng viên HĐND, tương ứng các cấp tỉnh, thành phố; quận, huyện; phường, xã). Cùng với đó là các hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đã được tiến hành trong gần một tháng qua.

Theo quy định, các ứng cử viên cần nghiên cứu kỹ định hướng phát triển của địa phương để nắm sát vấn đề, xây dựng chương trình hành động hiệu quả. Các ứng cử viên cũng cần liên hệ thường xuyên với đơn vị ứng cử để trao đổi về thông tin cần biết để tham khảo. Đồng thời, các ứng cử viên được tạo điều kiện từ vấn đề truyền thông như phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhiều cử tri biết đến hơn, tạo được sự nhận xét, đánh giá khách quan, công bằng đối với mỗi ứng viên.

Ngày nay, là cử tri của một nước độc lập, chủ quyền, chúng ta có thể cảm nhận đi bỏ phiếu là điều bình dị, là lẽ tự nhiên. Nhưng trước Cách mạng, cha ông bao đời hy sinh bao xương máu mà không thể có được quyền cầm lá phiếu bầu cử thiêng liêng ấy. Soi chiếu vậy để thấy giá trị cao quý của quyền bầu cử, quyền cầm lá phiếu, từ đó việc bầu cử cũng là dịp để nêu cao ý thức chính trị bảo vệ nền độc lập và dựng xây nước nhà.

Đăng Minh
.
.
.