Không nên để “trẻ mang sức khoẻ ra kiếm tiền, già mang tiền mua sức khoẻ”

Thứ Sáu, 25/10/2019, 12:13

Sáng 25-10, trao đổi với phóng viên bên hành lang kỳ họp về nhận định nếu giảm giờ làm bình thường thì tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm đi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5%, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, điều đó là đúng nếu giảm ngay lập tức mà không có điều chỉnh gì.



“Vì giảm 4h nghĩa là giảm 208 giờ/năm thì đương nhiên giảm tăng trưởng GDP. Nhưng Chính phủ cũng phải thấy rằng, tại thời điểm này nếu chưa làm được ngay cũng phải có các giải pháp cải tiến công nghệ, đổi mới sản xuất, khích lệ các doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện để đến một thời điểm nào đó an toàn lao động, năng suất lao động tăng lên thì anh phải giảm giờ để chống được cái giảm 0,5% GDP đó”, ông phân tích.

Theo đại biểu, dù chưa giảm ngay lập tức thì cũng nên có lộ trình, có giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc để chúng ta giảm thời gian lao động mà năng suất lao động vẫn tăng lên...

Về tăng giờ làm thêm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi bày tỏ quan điểm không đồng tình bởi không thể nói tăng năng suất lao động bằng việc tăng cường độ lao động và kéo dài thời gian lao động, mà phải xem xét các điều kiện cụ thể để quyết định các vấn đề cụ thể.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi

“Ví dụ ngành hải sản thu mua cá tươi của nông dân thì người ta không làm suốt cả năm mà có thời vụ. Vậy có cần thiết để người ta làm thêm một vài giờ nữa rồi tháng sau người ta nghỉ để tập trung thu mua sản phẩm đó phục vụ cho xuất khẩu hay không thì phải xem xét cụ thể. Và cái đó thì nên giao Chính phủ quy định linh hoạt, tính toán trong trường hợp đặc biệt. Còn về mặt nguyên lý, không có đất nước nào, vùng miền nào nói tăng năng suất lao động bằng tăng cường độ lao động cả. Đó là trái với nguyên lý”, đại biểu phân tích.

Đại biểu nhận định, làm thêm chẳng qua là để giải quyết tính chất thời vụ của công việc, không để tăng năng suất lao động. Và nếu như anh kéo dài thời gian đó vào ngày lễ, ngày tết hoặc ban đêm thì cần phải trả lương cao để người ta tái sản xuất sức lao động. “Vấn đề quan trọng là tăng năng suất lao động hay phát triển kinh tế xã hội, nhưng yếu tố con người rất quan trọng, không nên để cho người lao động phải làm quá sức, kiệt sức để trẻ thì phải mang sức khoẻ đi kiếm tiền, già thì mang tiền ra đi mua sức khoẻ. Điều đó là không đúng”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

Ông đề nghị cơ quan nhà nước, Chính phủ, Quốc hội khi nghiên cứu pháp luật phải bảo vệ cho người lao động. Có thể người lao động rất muốn làm thêm vì miếng cơm manh áo, vì tiền lương tối thiểu chưa đủ sống, vì cuộc sống còn nhiều khó khăn... nhưng chúng ta phải ban hành chính sách pháp luật để người ta thấy rằng điều đó là nhà nước bảo vệ cho người lao động. Còn anh có sức khoẻ và thoả thuận với người sử dụng lao động là quan hệ thương lượng và đối thoại.

“Ví dụ tôi là công chức, tối đa có 200h làm thêm, nhưng thực tế tôi làm thêm rất nhiều vì công việc, vì chức năng nhiệm vụ, vì phục vụ nhân dân có thể mình phải làm thêm thì điều đó khác hoàn toàn. Còn đây là lao động cơ bắp, lao động trực tiếp, nên chúng ta phải hết sức nghiên cứu, xem xét, đánh giá, đừng thấy người lao động mong muốn, chủ sử dụng mong muốn mà chúng ta lại đồng ý việc mà ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động”, ĐBQH tỉnh Thanh Hoá lưu ý.

Trước đó, báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều 23-10, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện 89,6% doanh nghiệp ở Việt Nam thực hiện giờ làm việc bình thường 48 giờ/tuần như luật hiện hành. Và con số này tương đương với 8/10 nước ASEAN. Chỉ có 2 nước bố trí thấp hơn thì thu nhập bình quân đầu người của Singapore gấp 12 lần Việt Nam, còn Indonesia giảm giờ làm để chia sẻ công việc cho mọi người do tỷ lệ thất nghiệp cao.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ đang xin ĐBQH cho tăng giờ làm, nếu không tổng chi phí lao động sẽ phải tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm đi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5%.


Bảo Quân (ghi)
.
.
.