Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4-2017
Sáng 11-3, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4-2017. Đây là một trong những chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 - Liên hoan văn hóa Cồng chiêng năm 2017.
- Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Gia Lai1
- Sắp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 3
- Hội nghị xúc tiến đầu tư vào thành phố Yên Bái
- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội khu vực Tây Bắc
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương; các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng 500 đại biểu trong nước và quốc tế.
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và các dân tộc Tây Nguyên đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, nâng cao chất lượng sản xuất nông lâm nghiệp và đã đạt được những thành tựu to lớn.
Trong giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư phát triển đạt gần 266 nghìn tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 11,33%, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân tăng từ 53,4% lên 69,28%. Đến nay, đã có 140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 772,5 triệu USD vào vùng Tây Nguyên.
Dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội vào khu vực Tây Nguyên trên 230.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đạt khá và tăng cao qua hằng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, từng bước đầu tư phát triển những ngành, những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, những lợi thế của Tây Nguyên.
Hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, cải thiện đáng kể; những vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung kiện toàn giải quyết; công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được chú trọng. Qua đó đã giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo tiền đề cho động lực cho việc phát triển vùng Tây Nguyên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo tại hội nghị |
Tuy đã có những bước phát triển nêu trên nhưng Tây Nguyên vẫn là vùng khó khăn, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng còn thấp so với một số vùng miền trong cả nước, nhiều tiềm năng phát triển chưa được đánh thức; sức cạnh tranh, thu hút đầu tư các địa phương vùng Tây Nguyên còn phụ thuộc và nhiều hạn chế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có sự liên kết vùng và đối tác vùng chặt chẽ; môi trường đầu tư kinh doanh, việc thu hút đầu tư, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước còn nhiều hạn chế…
Để những nhân tố này thực sự trở thành kế hoạch thu hút đầu tư cho sự phát triển Tây Nguyên so với các khu vực khác của nước ta và trên thế giới, việc tổ chức hội nghị nhằm giới thiệu những tiềm năng, định hướng phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020; các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững cho vùng Tây Nguyên.
Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và dịch vụ du lịch vào chiều sâu, quy mô, thực chất. Đây cũng là dịp tạo điều kiện cho các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương và trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, tín dụng, phát triển các nguồn năng lượng sạch cũng như thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tại địa bàn Tây Nguyên.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu khai mạc tại hội nghị |
Tại hội nghị, Ban tổ chức đã tiến hành đánh giá kết quả thu hút đầu tư trong thời gian qua và định hướng ưu tiên thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020; giới thiệu tiềm năng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, danh mục các dự án mời gọi đầu tư giai đoạn giai đoạn 2016-2020 của vùng Tây Nguyên;
Trao đổi giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; ký cam kết tín dụng đầu tư giữa các tổ chức tín dụng với các địa phương, doanh nghiệp; tổ chức hội thảo về phát triển lĩnh vực, ngành hàng tại Tây Nguyên; hội thảo về phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam với thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.