Giữ nguyên giá điện đến hết năm, kiểm soát tốt lạm phát

Thứ Năm, 03/11/2016, 08:10
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 19-10, do Phó trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký.

Phó Thủ tướng chỉ đạo công tác điều hành giá trong những tháng cuối năm cần tiếp tục được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ, quyết liệt để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương cần tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ cụ thể.

Thứ nhất, về chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,81% đến dưới 2%; sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ. Tiếp tục chỉ đạo để ổn định và có điều kiện giảm lãi suất cho vay; Điều hành tín dụng nhịp nhàng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất cần thiết. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.

Thứ hai, về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu: Yêu cầu Bộ Công Thương giữ ổn định giá bán lẻ điện trong những tháng còn lại của năm 2016; phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp để không tạo lạm phát kỳ vọng; bảo đảm cân đối cung cầu thị trường các mặt hàng khác thuộc chức năng quản lý, trong đó có vấn đề về điều hành linh hoạt hạn ngạch nhập khẩu, nhất là đối với mặt hàng đường góp phần bình ổn thị trường, đặc biệt trong dịp lễ, Tết.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tích cực hướng dẫn các nhà đầu tư trong tháng 10-2016 giảm phí BOT ít nhất ở 10 trạm thu phí để tạo ra tâm lý tốt hơn trong kiểm soát lạm phát.

Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi để có giải pháp điều hành phù hợp. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đến hết 31-12-2016 và tính toán kịch bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp điều hành sau khi hết thời hạn bình ổn giá.

Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ liên quan đến sản xuất chỉ đạo các cơ quan của Bộ và phối hợp với các địa phương chủ động chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu tiên các sản phẩm sạch, không để xảy ra thiếu hàng gây sốt giá, có kịch bản đối phó với điều kiện thời tiết khó khăn, triển khai chương trình bình ổn thị trường phù hợp với thực tế địa phương cho các dịp tiêu dùng cao điểm như Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực tổ chức triển khai việc đấu thầu giá thuốc để kéo giá thuốc giảm xuống. Năm 2016 không điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (gồm cả tiền lương và phụ cấp) đối với nhóm không thuộc quỹ bảo hiểm y tế chi trả; Bộ Y tế hướng dẫn Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chuẩn bị kỹ kịch bản, tính toán lộ trình và mức tăng trong năm 2017.

Đối với giá dịch vụ y tế do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan xem xét, tính toán kỹ việc điều chỉnh giá có tính tiền lương và phụ cấp đối với các địa phương còn lại với liều lượng và thời điểm thích hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, đề xuất phương án báo cáo trước khi điều chỉnh.

Thứ ba, về cơ chế quản lý đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá từ ngày 1-1-2017: Đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện cơ chế giá thị trường mà Nhà nước không định giá, giá các dịch vụ sẽ được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý phù hợp với thị trường.

Đối với các loại phí được chuyển sang giá do Nhà nước định giá, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện từ ngày 1-1-2017 theo phân cấp của Chính phủ…

H.A.
.
.
.