Giá điện sẽ ra sao trong năm 2016?

Thứ Tư, 13/01/2016, 08:54
Luôn là một vấn đề được quan tâm hàng đầu, giá điện thời gian tới cũng được dự báo chịu nhiều tác động bất lợi. Chính phủ đã nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục đưa giá điện theo thị trường, nên trong dài hạn, khả năng tăng là khó tránh khỏi, vấn đề chỉ là mức độ và thời điểm. 


Theo EVN, các yếu tố thị trường đầu vào cho điện biến động khó dự báo trước cùng với nhiều diễn biến khác có thể gây tác động lên giá điện.

EVN cho biết hiện chưa có đề xuất gì liên quan đến tăng giá điện năm 2016.

Một số yếu tố khác được EVN dẫn chứng có thể tác động vào giá là nhu cầu vốn rất lớn cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cho hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật so với khả năng tự cân đối của EVN; vấn đề đảm bảo các nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện khó khăn hơn; công tác vận hành hệ thống điện ngày càng phụ thuộc công nghệ và nguồn cung ứng vật tư thiết bị nhập khẩu để thay thế trong quá trình vận hành, sửa chữa... đều là các yếu tố gây tác động bất lợi lên giá. Chưa kể đến các hiện tượng biến đổi môi trường và khí hậu cực đoan có thể tác động xấu, thường xuyên hơn tới sản xuất, kinh doanh điện. Trước mắt, thách thức của 2016 là sự thiếu hụt thuỷ điện do khô hạn.

Theo EVN, tích nước các hồ thủy điện đến cuối năm 2015 thiếu hụt tương đương sản lượng điện gần 2,5 tỷ kWh. Dự báo tình hình thủy văn sẽ không thuận lợi, có khả năng khô hạn trên diện rộng trong nửa đầu năm 2016 do tác động của Elnino, vì vậy công tác vận hành các hồ thủy điện để sản xuất điện và đáp ứng nhu cầu nước cho nông nghiệp, dân sinh ở hạ du sẽ rất khó khăn.

Ảnh: Hoa Việt Cường.

Bên cạnh đó, các tác động do điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ trong năm 2015, tăng giá bán than cho sản xuất điện từ năm 2016, tăng giá khí trong bao tiêu, tăng thuế tài nguyên nước, tăng chi phí môi trường rừng là những yếu tố chưa được đưa vào cân đối trong giá điện hiện hành sẽ có áp lực lớn đối với tình hình tài chính của EVN, nói cách khác chính là áp lực lên giá điện.

Dù đưa ra các dự báo không mấy lạc quan, đại diện lãnh đạo EVN vẫn khẳng định hiện nay chưa có bất cứ đề xuất nào về tăng giá điện trong 2016.

Được biết, hết năm 2015, tình hình tài chính của tập đoàn này khá khả quan, bởi giá bán điện bình quân năm 2015 ước đạt 1.629,8 đ/kWh, cao hơn kế hoạch 12,58 đồng/kWh, khiến doanh thu bán điện tăng thêm 1.800 tỷ đồng. Tất cả các Tổng Công ty Điện lực đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch giá bán điện bình quân từ 11 - 17 đồng/kWh. Doanh thu bán điện toàn EVN ước đạt 233.710 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2014. Công ty mẹ - EVN và 9 Tổng Công ty đều đạt lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện cao hơn kế hoạch. Vốn điều lệ của Công ty mẹ - EVN đến 31-12-2015 là 160.000 tỷ đồng, tăng 2,08 lần so với vốn điều lệ năm 2010 (76.742 tỷ đồng). Đến cuối năm 2015, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đảm bảo an toàn. Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán, hệ số tự đầu tư đều đạt chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn.

Với những lý do này cũng như những tình hình khác, giá điện có thể chưa tăng trong thời gian ngắn tới. Tuy nhiên, EVN cũng đã kiến nghị Chính phủ khá nhiều ưu đãi, như sớm phê duyệt điều chỉnh Qui hoạch điện VII và cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện cấp bách; Giữ ổn định giá khí trong bao tiêu và giá than đối với sản xuất điện; Vay ODA làm nguồn ngân sách cấp cho các chủ đầu tư để thực hiện các dự án điện nông thôn; Cho phép các dự án điện được vay lại của Bộ Tài chính nguồn vốn ODA và các nguồn vay ưu đãi nước ngoài theo đúng các điều kiện cho vay của nhà tài trợ, không áp dụng cơ chế cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng làm tăng chi phí vay vốn. Cho phép các dự án điện được vào danh mục các dự án được vay vốn tín dụng ưu đãi Nhà nước để thực hiện di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước.

Sẽ mua từ Trung Quốc và Lào khoảng 2,74 tỷ kWh điện trong 2016

Theo chỉ tiêu kế hoạch của EVN, năm 2016, điện sản xuất và mua là 175,9 tỷ kWh tăng 10,35% so với năm 2015, bao gồm điện sản xuất là 81,9 tỷ kWh, điện mua là 93,98 tỷ kWh (trong đó mua từ Trung Quốc 1,2 tỷ kWh, mua từ Lào 1,54 tỷ kWh).

Sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn. Điện thương phẩm dự báo là 159,1 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2015. Giá điện bình quân toàn Tập đoàn: 1.651,2 đ/kWh, trong đó giá bán điện bình quân của các Tổng Công ty Điện lực là 1.651 đ/kWh. Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn là 7,7%.

EVN cũng dự kiến đầu tư xây dựng với tổng giá trị 132.536 tỷ đồng, tăng 2,4% so với thực hiện năm 2015. Năng suất lao động tăng 8-10% so với năm 2015. EVN cũng đặt kế hoạch sản xuất và kinh doanh điện năng có lợi nhuận trong 2016.

Nam Phương
.
.
.