Năm 2016, không tăng giá điện, không tăng lệ phí, phí

Thứ Sáu, 03/06/2016, 00:40
Thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2-6, Chính phủ cho rằng, điểm sáng rõ nét nhất của kinh tế 5 tháng qua chính là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI khi vốn thực hiện đạt 5,8 tỷ USD, vốn đăng ký gần 10,2 tỷ USD.

Những tháng đầu năm cũng đã có 44.740 DN mới thành lập, vốn đăng ký là gần 350.000 tỷ đồng. Về các chỉ số tiền tệ như tổng phương tiện thanh toán, tổng tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế đều tăng cao hơn so với cùng kỳ, trong đó tín dụng tăng 4,52%. Lãi suất cho vay vừa qua đã giảm 0,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn xuống 10%/năm đối với một số lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục, hết tháng 5 tăng 1,88% so với tháng 12-2015 và còn một số yếu tố có thể tác động như giá dầu thô, giá lương thực thế giới tăng. Nếu lạm phát tăng cao thì sẽ khó giảm lãi suất cho vay để kích thích sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Thu ngân sách đạt thấp hơn cùng kỳ năm 2015, ước đạt trên 396.000 tỷ đồng, bằng hơn 39% dự toán; chi ngân sách đạt 466.000 tỷ đồng, bằng trên 36% dự toán. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn gặp khó khăn do hậu quả hạn hán, mặn xâm nhập. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đạt 4 triệu lượt, tăng so với cùng kỳ nhưng lại đang có xu hướng giảm.

Một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng là xuất khẩu, 5 tháng qua, đáng mừng là xuất siêu 1,36%. Xuất khẩu ước đạt gần 68 tỷ USD, tuy tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Tại phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, những nhiệm vụ lớn trong năm 2016 là tăng trưởng 6,7%, xuất khẩu tăng trên 10%, lạm phát không quá 5%. Chính phủ đã bàn các giải pháp về kiểm soát lạm phát và có thể tạm thời yên tâm. Tuy nhiên, xuất khẩu và tăng trưởng còn nhiều sức ép.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc thực hiện đồng thời hai mục tiêu là tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Trong thời điểm hiện nay, Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá điện, không tăng lệ phí, phí; việc điều chỉnh giá dịch vụ các lĩnh vực giáo dục, y tế phải có lộ trình, không tăng đồng loạt. Giá dầu đang ở mức 48-49 USD, mức trần CPI Quốc hội cho phép là 5%, toàn bộ các điều chỉnh liên quan đến giá dịch vụ y tế, giáo dục còn căn cứ vào giá biến động của giá dầu. Phí BOT, phí giao thông không tăng, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi giữ ổn định từ nay đến cuối năm. Thủ tướng đã kết luận rất rõ như vậy.

Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quan điểm chỉ đạo là chỉ giữ những doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm giữ liên quan đến quốc phòng, an ninh, các doanh nghiệp lớn có thể ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế đất nước, còn các doanh nghiệp khác không cần nắm giữ thì đẩy mạnh bán phần vốn nhà nước, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt và coi đây là nguồn lực để đầu tư cho phát triển.

Về lãi suất, Thủ tướng chỉ đạo NHNN xây dựng lộ trình báo cáo Thủ tướng, quyết tâm từ nay đến cuối năm đưa ra các kịch bản giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Sau hội nghị với doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, phải tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Việc ban hành 49 nghị định hướng dẫn 2 Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng nhằm tháo bỏ rào cản, tháo bỏ giấy phép con, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Trả lời câu hỏi báo chí về đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VNBA), Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, sau 4 năm Ngân hàng Nhà nước nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay thị trường vàng đang diễn biến ổn định, biến động của giá vàng không còn tác động lớn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Nhu cầu về vàng miếng đang ngày càng giảm, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo hướng tiếp tục duy trì sự ổn định thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng "vàng hoá" trong nền kinh tế, tạo tiền đề để tiếp tục chuyển hoá nguồn lực vàng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. “Tất cả các ý kiến đề xuất thành lập hay phản đối thành lập sàn vàng đều là những ý kiến để Ngân hàng Nhà nước phân tích, cân nhắc hết sức thận trọng trước khi đưa ra các biện pháp quản lý thị trường vàng theo đúng chủ trương của Chính phủ” – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết.

Đ.Minh – V.Quỳnh
.
.
.