Dư luận có cơ sở để nghi ngờ khi thanh tra tỉnh xác minh tài sản em trai Bí thư

Thứ Hai, 12/06/2017, 14:58
Trước tai tiếng về tài sản khủng của quan chức một số địa phương nhưng việc địa phương đó tự xác minh lại cho thấy không có vấn đề gì, PV đã có trao đổi bên lề với ĐBQH Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội. ĐB Đặng Thuần Phong cho rằng dư luận có cơ sở để nghi ngờ khi địa phương “tự xử” các vụ việc như trên, Trung ương nên vào cuộc để đảm bảo tính khách quan.

PV: Gần đây dư luận đặt nhiều dấu hỏi về việc người thân đứng tên tài sản cho quan chức tham nhũng, khiến việc phát hiện tham nhũng không thể xử lý được. Theo ông, nếu còn duy trì việc quản lý tài sản như hiện nay thì có khó khăn trong việc giám sát tài sản của quan chức hay không?

ĐB Đặng Thuần Phong: Đương nhiên là khó. Ai cũng có quyền đứng tên tài sản khi người ta đủ tuổi trưởng thành - 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, việc xác minh không khó, bởi lẽ ai đứng tên không phải vấn đề, mà là nguồn tiền từ việc làm ăn của họ có tạo ra được khối tài sản như thế không?

Cái đó cần vai trò quyết định của kiểm tra, thanh tra của Đảng, Nhà nước… Về nguyên tắc, không dại gì quan chức đứng tên mình trên tài sản, vừa để tránh dư luận, vừa an toàn cho mình, nên luôn để người thân, người này người nọ đứng tên.

Tất nhiên, kiểm tra cũng khó, vì mỗi người có quyền độc lập của họ. Tuy nhiên, khi họ đứng tên sở hữu, họ nói của họ làm ra, thì họ phải chứng minh được việc mình kiếm ra khối tài sản đó. Người thân cũng cần có xác minh, cần đánh giá, để nhận diện vấn đề cho rõ hơn mới  có cách xử lý hợp lý. Chứ còn, giờ ai cũng nhờ đứng tên tẩu tán tài sản là mất hết, thoát hết những tội khác hay sao?

Thiết nghĩ, ngoài kê khai tài sản của bản thân họ, cũng cần phải kê khai tài sản của người thân trong gia đình để nhìn nhận nguồn gốc tài sản từ đâu mà ra. Lúc đó sẽ khách quan, đánh giá được cán bộ có trung thực hay không. Lúc đó chúng ta mới tính toán nhũng bước tiếp theo. Chứ bây giờ mà không nói được vấn đề đó, người khác cứ đứng tên mãi thì không giải quyết được vấn đề, công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta không đáp ứng được yêu cầu như mong muốn.

Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội

PV: Hiện dư luận cũng đặt câu hỏi về tính khách quan khi Bí thư  tỉnh Yên Bái ra quyết định thanh tra tài sản của em trai mình. Ông cho rằng nghi ngờ này có cơ sở không?

ĐB Đặng Thuần Phong: Đương nhiên, thanh tra địa phương làm thì tính khách quan sẽ bị dư luận nghi ngờ. Nên để thanh tra Trung ương vào cuộc sẽ nhìn nhận vấn đề khách quan hơn. Nếu họ trong sạch thực sự, thì cũng chứng minh sự trong sạch cho người ta, còn có vấn đề sẽ xử lý theo thẩm quyền. Thanh tra tại chỗ đương nhiên sẽ không tránh khỏi sự nể nang. Trung ương nên vào cuộc mới khách quan.

PV: Trở lại vấn đề kiểm soát tài sản quan chức để phòng, chống tham nhũng. Theo ông, cơ chế kiểm soát kê khai nên thế nào để giải quyết vấn đề hiện nay.

ĐB Đặng Thuần Phong: Hiện cơ chế kiểm soát đang tắc. Nhưng cái nào tắc chúng ta cũng phải tính toán đường mở, chứ không phải cứ kê khai rồi để đó. Kê khai là cơ sở để xác minh, đánh giá người kê khai có trung thực hay không. Việc xác minh kê khai quan trọng lắm. Xác minh đó không phải chỉ cơ quan chức năng làm, mà mình cũng lắng nghe từ quần chúng, vai trò phản biện từ các tổ chức xã hội... họ cung cấp  cho mình rất nhiều thông tin.

Nói gì chứ, cư dân sống ở đó người ta biết. Chúng ta phải tận dụng phản biện xã hội ở chỗ đó. Trên cơ sở đó, khi có vấn đề, chúng ta xác minh để xử lý, làm trong sạch nội bộ là một, nếu cán bộ mình giỏi quá – làm  giàu thực sự được, thì nhân điển hình chứ. Còn cái nào không đúng, chúng ta mới có cơ chế xử lý, chứ  còn kê khai rồi bỏ đó đâu có tác dụng gì.

PV: Hiện kết quả xác minh nhièu nhiều vụ “biệt phủ” của quan chức một số địa phương cho thấy không có vấn đề gì. Theo ông, có nên đặt vấn đề cán bộ thực thi việc xác minh chưa nghiêm ngắn?

ĐB Đặng Thuần Phong: Có nhiều góc nhìn các vấn đề này. Đứng dưới góc độ dư luận xã hội, anh chưa có phân tích đầy đủ các nguyên nhân, kết luận lặng lẽ kiểu “để lâu cứt trâu hóa bùn”, thì làm sao dư luận xã hội không nghi ngại? Còn thực sự mà nói, nếu tài sản của họ làm ra một cách đàng hoàng, thì cũng công khai cho mọi người biết họ giỏi thực sự để mọi người chia sẻ. Đây chúng ta kết luận không rõ ràng, úp mở…  đôi khi không có kết luận gì, để “chìm xuồng” thì càng gây bức xúc trong dư luận xã hội và người dân không an tâm. Địa phương nào có vấn đề, địa phương đó tự xử lý thì người dân cảm thấy không tin. Chúng ta phải tìm cách gỡ. Trung ương nên vào cuộc.

PV: Xin cảm ơn ông!


Vũ Hân
.
.
.