Chống tham nhũng phải dựa vào dân và phát huy vai trò của báo chí

Thứ Bảy, 29/04/2017, 07:14
Sáng 28-4, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Báo Nhân dân đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự và chỉ đạo hội thảo. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, đại diện các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí… 


Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, đây là hội thảo quan trọng để triển khai một giải báo chí toàn quốc có ý nghĩa chính trị lớn “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, nhằm thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh, báo chí-truyền thông có vai trò to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, không chỉ là vấn đề nhận thức, vấn đề lý luận, mà thực tiễn đã và đang ngày càng chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải ở đâu và lúc nào, vấn đề này cũng được nhận thức một cách đầy đủ như nó cần được nhận thức. Và không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vẻ vang đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, luật pháp quy định là “phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Hội thảo đã nghe 12 bản tham luận cùng nhiều ý kiến đóng góp. Trung tướng, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương cho biết, về mặt pháp luật, hoạt động báo chí trong phát hiện, phản ánh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là không có chế tài nhưng về mặt xã hội lại có tác động rất lớn. 

Theo ông, báo chí hỗ trợ rất lớn cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, báo chí cũng tạo áp lực cho hoạt động tố tụng, trong đó có phán quyết của Tòa án. Việc phóng viên thông tin ở thời điểm nào, phạm vi nào là một vấn đề cần xem xét.

Còn theo luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật Báo chí có những điều cấm mà nhà báo rất dễ bị rủi ro trong quá trình tác nghiệp là không được tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư và bí mật khác theo quy định của pháp luật; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh trong khi tòa án chưa có bản án. 

PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí tuyên truyền cho rằng: Để phát huy hiệu quả báo chí trong chống tham nhũng và bảo vệ nhà báo tác nghiệp trong đấu tranh chống tham nhũng, ông kiến nghị MTTQ Việt Nam tổ chức, kết nối lực lượng, khơi dậy ý chí và thúc đẩy thái độ trách nhiệm của báo chí và luật sư; có chiến lược và giải pháp phát triển nguồn lực báo chí điều tra chống tham nhũng, tiêu cực; cung cấp kiến thức pháp luật thường xuyên, cơ bản và hệ thống cho đội ngũ nhà báo điều tra. Chống tham nhũng phải dựa vào dân và phát huy vai trò của báo chí…

Từ thực tiễn kinh nghiệm làm báo, nhà báo Vũ Văn Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận đã chia sẻ ý kiến về một thực trạng đang diễn ra hiện nay là việc các cơ quan báo chí ký kết các hợp đồng truyền thông với các tập đoàn, công ty hay bảo trợ thông tin cho các địa phương… Khi các đơn vị này có sai phạm tại các dự án hay các thông tin tiêu cực tại địa phương thì các báo đã ký hợp đồng truyền thông sẽ khó đưa tin.

Còn nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong thì cho rằng, các cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung các quy định về bảo vệ tác nghiệp, bảo vệ nhà báo khi đi làm nhiệm vụ cho phù hợp; chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định đặc biệt ở các vụ việc có dấu hiệu sai phạm; khi xảy ra các vụ hành hung báo chí, các cơ quan tổ chức như MTTQ, Hội Nhà báo Việt Nam… cần chủ động vào cuộc bảo vệ nhà báo và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm…

Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp biên soạn một cuốn sổ tay những quy định Nhà nước liên quan đến hoạt động báo chí phòng, chống tham nhũng. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang làm việc với các bộ, ngành, địa phương giám sát và công khai hóa các kết luận thanh tra. Đây là nguồn mở với báo chí.

Theo quy định, các bộ, các địa phương, thanh tra phải tổ chức họp để công bố quyết định thanh tra. Cơ quan thanh tra được quyền yêu cầu đăng trên trang điện tử của cơ quan mình. Sau khi giám sát công bố kết luận thanh tra, chúng tôi sẽ giám sát kết quả đấu thầu. Luật Đấu thầu quy định kết quả đấu thầu phải được công khai, đây cũng là nguồn để báo chí tiếp cận.

Cần giám sát thực hiện quy chế phát ngôn tại thời điểm nhất định trong năm. Nếu giám sát được thì sẽ “mở cánh cửa” thông tin minh bạch cho báo chí… “MTTQ Việt Nam chia lửa với báo chí và cùng phối hợp để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng bước sang trang mới, để gìn giữ sự tươi đẹp của đất nước” – đồng chí Nguyễn Thiện Nhân kết luận.

Nguyễn Hương
.
.
.