Cuộc phỏng vấn đầu tiên đặc biệt của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với báo chí quốc tế

Chủ Nhật, 23/09/2018, 09:09
Gần hai tháng sau khi nhậm chức Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với báo chí nước ngoài, đó là hãng thông tấn TASS của Nga.

Ngày 2-4-2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Trần Đại Quang đã được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Gần hai tháng sau khi nhậm chức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 23-5 đã có bài phỏng vấn đầu tiên với báo chí nước ngoài, hãng thông tấn TASS của Nga.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS. Video: Rossya 24

Bài phỏng vấn do nhà báo nổi tiếng, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất hãng thông tấn TASS Mikhail Gusman thực hiện. Trong cuộc chia sẻ đầu tiên với báo chí quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu rõ những nhiệm vụ mà ông đặt ra cho nhiệm kì của mình; đánh giá về vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong tương lai khu vực Châu Á- Thái Bình Dương; di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong cuộc sống của đất nước Việt Nam cũng như những sở thích giản dị của người đứng đầu Nhà nước.

CAND Online trân trọng giới thiệu một phần nội dung của cuộc phỏng vấn:

Nhà báo Gusman: Xin Chủ tịch nước cho biết nhiệm vụ chính của người đứng đầu Nhà nước là gì? Những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là gì?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang : Tôi có thể nêu tóm tắt nhiệm vụ chính của Chủ tịch nước như sau: Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong 5 năm tới là:

- Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu đưa đất nước cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

- Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

- Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

 Nhà báo Gusman: Là một trong những nước có vai trò hàng đầu trên vũ đài chính trị ở khu vực, Việt Nam nhìn thấy tương lai của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như thế nào?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: châu Á-Thái Bình Dương là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế-chính trị, chiến lược ngày càng quan trọng trên thế giới. Đây cũng là tiêu điểm của liên kết kinh tế khu vực với sự hình thành hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có quy mô và tầm ảnh hưởng rất lớn, mở ra nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ không những cho khu vực mà cả toàn cầu…

Tôi luôn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp và ảnh hưởng to lớn của khu vực này đối với các vấn đề kinh tế, chính trị và giải quyết những thách thức toàn cầu. Nhưng để niềm tin ấy trở thành hiện thực, các quốc gia, trong đó vai trò của các nước lớn là rất quan trọng, cần chung sức, chung lòng, ra sức bảo đảm an ninh, giữ gìn hòa bình, ổn định, làm cho châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phồn vinh, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng trên toàn thế giới.

Nhà báo Gusman: Xin Chủ tịch nước đánh giá vai trò của di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong cuộc sống của đất nước Việt Nam ngày nay?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Cuộc đời, sự nghiệp và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa đối với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ở thời đại hiện nay. Đối với người dân Việt Nam, di sản lớn nhất của Người là tư tưởng, đạo đức và uy tín quốc tế.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại. Tư tưởng của Người là kim chỉ nam, là cẩm nang cho chúng tôi trên con đường đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây và đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Đạo đức, nhân cách của Người cũng là một tấm gương mà cá nhân tôi hay bất cứ người dân Việt Nam nào đều cố gắng noi theo. Đó là tấm gương mẫu mực về đời tư trong sáng, đức sống giản dị, khiêm tốn, đồng thời nghiêm khắc với tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực,… Vượt lên trên tất cả, ở Hồ Chí Minh là hiện thân của sự phấn đấu quên mình vì dân, vì nước, là công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân. Người là kết tinh những giá trị cao quý nhất của văn hóa-đạo đức Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người rất mực trung thành, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; Người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; Nhà văn hóa lớn của dân tộc. Người không chỉ được nhân dân Việt Nam, những người yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới tin yêu, ngưỡng mộ, mà cả những người ở bên kia chiến tuyến cũng luôn tôn kính, khâm phục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 47 năm rồi, nhưng di sản to lớn của Người vẫn có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam hiện nay. Di sản lớn nhất của Người để lại cho chúng tôi là: Tư tưởng, đạo đức, phong cách và uy tín quốc tế...

Nhà báo Gusman: Chúng tôi được biết Ngài dậy rất sớm để làm việc và kết thúc công việc rất muộn. Nếu có chút thời gian rỗi, Ngài muốn dành để làm gì?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Sở thích của tôi là đọc, và nếu có thời gian rảnh rỗi, tôi thường đọc sách.

 Nhà báo Gusman: Vậy tác giả nào được Ngài Chủ tịch yêu thích?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Tôi đọc tác phẩm của nhiều tác giả - cả tác giả Việt Nam và nước ngoài. Tôi thực sự thích những cuốn sách về lịch sử và văn hóa. Sách là người bạn tốt của con người.

Đồng chí Trần Đại Quang, sinh năm 1956, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do mắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện, nhưng đã không qua khỏi. Đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã mất lúc 10 giờ 5 phút ngày 21-9-2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

T.M.
.
.
.