Chánh TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Nhiều nước không quy định cứng lứa tuổi 14-16
- Thêm tội kinh doanh đa cấp vào Bộ luật Hình sự liệu có thành nơi "trốn tội"?
- Một số vấn đề đóng góp ý kiến trong quá trình sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự 2015
- Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015
- Hội thảo góp ý kiến Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi
“Từ sáng đến giờ tôi đã nghe nhiều tranh luận của các đại biểu, ý kiến nào cũng xác đáng, như: Cần bảo đảm quyền trẻ em, tạo điều kiện cho các cháu phát triển về sau, vì tương lai còn rất dài hay lo ngại về tội phạm trẻ dần, hành vi phạm tội ngày càng nghiêm trọng cũng đúng. Ở đây, tôi muốn tiếp cận ở góc độ khác, không phải 2 phương án chúng ta dự kiến sẽ bỏ phiếu để Quốc hội tham khảo trước khi bỏ phiếu chính thức” – Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
“Vừa rồi chúng tôi có dịp tham khảo ý kiến của của Pháp, Ý, cách tiếp cận của họ rất khác. Chính sách hình sự với trẻ vị thành niên (trẻ em dưới 18 tuổi) 2 cách tiếp cận: Một là đưa ra những nguyên tắc để xử lý, hai là quy định về độ tuổi. Trên thế giới, quy định về độ tuổi là không nhiều, chủ yếu nằm ở nguyên tắc xử lý. Chúng ta lại bàn quá nhiều về độ tuổi và coi đó là chính sách thì chưa hợp lý lắm. Nhiều nước chỉ loại trừ trách nhiệm hình sự với tội vô ý thôi, còn cố ý thì phải chịu. Chính sách của họ nằm ở nguyên tắc xử lý chứ không ở độ tuổi” – Chánh án cho biết.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trong phiên họp Quốc hội sáng 24-5. |
“Ví dụ Pháp, người ta có nguyên tắc: Đối với trẻ em thì phải tăng các biện pháp giáo dục và hạn chế các biện pháp hình phạt, cưỡng chế như tù giam. Vừa rồi có đại biểu phát biểu trẻ em vào tù xong tái phạm nhiều là đúng. Thứ hai là tất cả các vụ án liên quan đến trẻ em là phải xử kín, tránh bị công khai đưa lên mạng, ảnh hưởng đến việc sửa sai của các em về sau. Các nước cũng không quy định cứng lứa tuổi 14 – 16, 16 – 18 như chúng ta, mà độ tuổi do Hội đồng xét xử quyết định trên nhận thức chủ quan của cá nhân phạm tội và áp dụng cá biệt trong từng trường hợp. Có trường hợp trẻ em 14- 15 nhận thức về tội phạm già dặn hơn 16 – 17. Đơn cử phạm tội có tổ chức, tái phạm nhiều lần, cố tình thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, “có số có má” thì dù ít tuổi tội cũng nặng hơn anh 17 uống rượu, bị kích thích, phạm tội lần đầu. Thứ tư là trong trường hợp phải xử lý bằng hình phạt tù thì áp dụng hình phạt bằng 1 nửa so với khung hình phạt tương ứng. Nếu chúng ta mạnh dạn, có thể áp dụng bằng 1/3 hay 1/4. Quy định như vậy để tránh sự tùy tiện của hội đồng xét xử, khi bớt 1 năm, khi bớt 2 năm” – Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
“Có khi chỉ là hành vi đánh nhau, không gây thương tích gì nhiều, nhưng lột quần, lột áo đưa lên mạng, dẫn đến các cháu vì xấu hổ mà tự sát thì hậu quả rất nghiêm trọng. Cho nên không loại trừ một loại tội phạm nào cả. Việc đưa ra tòa để cảnh báo, giáo dục, hòa giải cũng là cần thiết, không nhất thiết phải đưa vào tù – như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã nêu. Chính sách hình sự nằm ở Chương 12 (Những quy định với người chưa thành niên phạm tội) Điều 91 chứ không phải nằm ở Điều 12 này. Đây mới là nơi cần đầu tư thảo luận thêm” – ông Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm.
“Quy định như Điều 12 thì liệt kê ra bao nhiêu tội cũng không đủ, như tội xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố, lợi dụng trẻ em rất nhiều. Đề nghị chỉ loại trừ lỗi vô ý thôi”. Sau ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đề nghị đại biểu quan tâm và bổ sung ý kiến vào chương “Những quy định với ng chưa thành niên phạm tội”, quy định về nguyên tắc áp dụng hình sự với người chưa thành niên.
Lấy ý kiến đại biểu Quốc hội lần 2 về Điều 12 Do quá nhiều ý kiến đại biểu tập trung vào chủ đề phạm vi chịu trách nhiệm hình sự với trẻ em 14 – 16 tuổi (Điều 12), với quan điểm hết sức khác nhau, đến 11h10’, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đề nghị ĐBQH dừng việc tham luận về điều này và tập trung vào các nội dung khác cũng rất quan trọng của Bộ luật. “Đoàn Chủ tịch sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu và sẽ lựa chọn theo đa số” – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết. |