Hội thảo góp ý kiến Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi

Thứ Tư, 29/03/2017, 00:51
Sáng 28-3, tại Hà Nội, TAND Tối cao tổ chức “Hội thảo góp ý kiến của Toà án đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13”.

Đồng chí Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao chủ trì hội thảo. Tham dự có đại diện Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Viện KSND Tối cao, đại diện Bộ Công an và đại diện các Bộ, ngành hữu quan.

BLHS sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27-11-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành BLHS, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý trong Bộ luật này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và các cơ quan hữu quan khác tiến hành rà soát tổng thể toàn bộ các quy định trong BLHS số 100/2015/QH13 để phát hiện những sai sót và đề xuất phương án khắc phục nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất BLHS trong thực tiễn. Kết quả rà soát đã được báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 29-6-2016, Quốc hội khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành BLHS số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp phối hợp cùng cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Sơn đề nghị đại diện lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội, TAQS Trung ương và TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thảo luận, góp ý kiến đối với các nội dung của dự thảo Luật, đặc biệt là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau như: trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác (Điều 134); tội hiếp dâm (Điều 141), tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169);   về đồng phạm (Điều 17); về hoà giải tại cộng đồng (Điều 94); về cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể trong BLHS; về quy định xác định hàm lượng chất ma tuý để quy ra khối lượng hoặc thể tích; về việc bổ sung quy định “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả hoặc bộ phận khác của cây có chứa chất ma tuý do Chính phủ quy định” vào các Điều 249, 250, 251 và 252 của BLHS; tội quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 206); tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (Điều 229); tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317); tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản (Điều 344)…

Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận sâu, kỹ liên quan đến tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật (Điều 377, BLHS năm 2015).

Các đại biểu cho rằng, để đảm bảo các quyền cơ bản của con người mà Hiến pháp năm 2013 quy định, nhất là quyền tự do và tránh việc lạm dụng, tuỳ tiện và nâng cao trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng thì việc xử lý hình sự đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi “không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, huỷ bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam quá hạn” (điểm đ, khoản 1, Điều 377) là cần thiết.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, Điều 377 dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng “trường hợp người tiến hành tố tụng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này nhưng lại vi phạm thì mới xử lý hình sự”.            

Nguyễn Hưng
.
.
.