Thêm tội kinh doanh đa cấp vào Bộ luật Hình sự liệu có góp phần phòng ngừa tội phạm

Thứ Tư, 24/05/2017, 08:44
“Đa số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung 1 điều luật mới về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua” – Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo trước Quốc hội trong phiên làm việc về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100 sáng 24-5.


Trước ý kiến này của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung loại tội phạm này vào Bộ Luật Hình sự. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. 

Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn. Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn.

Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tuy nhiên, mở màn buổi thảo luận, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đã đề nghị cân nhắc chưa nên bổ sung tội danh này, vì đây là tội mới, chưa được báo cáo đánh giá đầy đủ lý do, sự cần thiết và tác động khi bổ sung. 

“Báo cáo giải trình cũng nêu ý kiến ĐBQH là một số vụ việc gây thiệt hại lớn, gây bức xúc trong nhân dân, còn nguyên nhân do đâu và xử lý thế nào chưa được giải trình rõ ràng. Bộ Luật Hình sự số 100 đã bỏ tội danh về kinh doanh trái phép vì không phù hợp với tình hình thực tế (người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm), nay bổ sung hành vi kinh doanh đa cấp trái phép là không phù hợp” – đại biểu Xuyền nêu ý kiến.

Cho đến thời điểm này, việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau do tính chất quan trọng của bộ luật này

Đặc biệt, đại biểu cho rằng với thiết kế Điều 217 thì “chưa chắc đã xử lý được các doanh nghiệp, vì họ được cấp phép đầy đủ. Mặt khác, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và dùng mạng máy tính, mạng viễn thông và phương điện tử để chiếm đoạt tài sản (khung cao nhất là 20 năm tù và chung thân), không chừng, việc bổ sung tội mới lại là nơi để lợi dụng trốn tội”.

Trước đó, Bộ Công thương đã tổng kết hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua, sau khi nhiều vụ bán hàng đa cấp sai phạm với hàng chục nghìn nạn nhân vỡ lở. Theo đó, bán hàng đa cấp không đem lại siêu lợi nhuận như những lời quảng cáo, mồi chài của một số đối tượng; thu nhập bình quân của người tham gia mạng lưới chỉ là 3,8 triệu đồng/năm.

Sau một thời gian Bộ này mạnh tay trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, số lượng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này đã giảm đến 45% (còn 37 doanh nghiệp), số lượng người tham gia mạng lưới cũng giảm đến 25% (còn 637.637 người, giảm 212.363 người), nhưng doanh thu toàn ngành chỉ giảm khoảng 2,5% (khoảng 200 tỷ đồng). “Điều này cho thấy, phản ứng của xã hội đối với các hành vi đa cấp bất chính hầu như không ảnh hưởng tới doanh thu toàn ngành” – Bộ Công thương nhận định

Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016 đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2015 (giảm 2,5%). Tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 31% tổng doanh thu toàn ngành. Tổng số hoa hồng tuy lớn về giá trị tuyệt đối, nhưng nếu chia đều cho gần 640 ngàn người tham gia hệ thống thì thu nhập bình quân của người tham gia bán hàng đa cấp là rất không đáng kể, chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/người/năm.

Trong tổng số 37 doanh nghiệp thực hiện báo cáo, chỉ có 11 doanh nghiệp đạt lợi nhuận dương. Một số doanh nghiệp có doanh thu rất cao nhưng tỷ lệ lợi nhuận trước thuế rất thấp (chỉ đạt từ 0,5% đến 3,8%). Tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong năm 2016 ước đạt 881 tỷ đồng.

Các con số cũng cho thấy bán hàng đa cấp không phải hoạt động siêu lợi nhuận, một bước lên tiên như quảng cáo của nhiều người. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp là rất thấp, có trên 50% doanh nghiệp báo cáo lỗ.

Cục Quản lý Cạnh tranh cảnh báo: “Hoạt động bán hàng đa cấp dựa chủ yếu vào thực phẩm chức năng và mỹ phẩm (chiếm 83% doanh thu, trong đó thực phẩm chức năng chiếm tới 59%) - là những mặt hàng rất khó xác định giá trị thật, vì vậy, rất dễ xảy ra tình trạng giá bán hoàn toàn thoát ly giá trị cũng như giá trị sử dụng.

Tuy nhiên, các giao dịch đều được thực hiện trên nguyên tắc "thuận mua, vừa bán", Nhà nước không thể can thiệp. Vì vậy, người tiêu dùng cần lưu ý, chủ động tìm hiểu giá trị thật của sản phẩm trước khi mua hàng”.

Vũ Hân
.
.
.