Đàm phán liên Triều chưa có hồi kết
- Nguy cơ chiến tranh Triều Tiên-Hàn Quốc đã được tháo 'ngòi nổ'
- Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên nhóm họp khẩn
- Gia tăng căng thẳng giữa Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên
Mây đen đã phủ kín các cuộc đàm phán ngay sau khi Hàn Quốc tuyên bố rằng CHDCND Triều Tiên đang tìm cách tác động đến tiến trình đàm phán bằng các hoạt động quân sự “khiêu khích”, bao gồm việc điều thêm các đơn vị pháo binh tới vùng biên giới và triển khai hàng chục tàu ngầm.
Hàn Quốc đồng thời khẳng định sẽ không ngừng các phương tiện truyền thanh tuyên truyền trừ phi Bình Nhưỡng chịu đưa ra một “lời xin lỗi rõ ràng” tại cuộc họp liên Triều do miền Bắc đã có “những hành động khiêu khích” vũ trang, trong đó có vụ cài mìn ở khu vực biên giới làm hai binh sĩ nước này bị thương.
Binh sĩ Hàn Quốc gần khu vực giao tranh.Ảnh: AP. |
Các quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết, các chương trình truyền thanh tuyên truyền vẫn được phát theo lịch trình vào sáng sớm ngày 24/8 tại Khu vực phi quân sự (MDZ) giữa hai miền Triều Tiên. Về phần mình, Bình Nhưỡng tái khẳng định không có liên quan tới vụ đặt mìn và cáo buộc chính Seoul đã đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên lên mức độ nguy hiểm trong một kế hoạch chung với Mỹ nhằm xâm lược miền Bắc.
Tờ “Rodong Sinmun” - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên – ngày 24/8 đăng tải bải bình luận trong đó có đoạn: “Căn bệnh tâm thần về đối đầu của bọn bù nhìn đã phát triển hoàn toàn đến giai đoạn cuối”.
Tờ báo này cũng cho rằng Hàn Quốc đã bịa đặt ra vụ nổ mìn và đấu pháo nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với miền Bắc. CHDCND Triều Tiên cùng ngày cũng đã xác nhận các tàu đổ bộ chiến lược – một trong ba lực lượng trọng tâm của quân đội nước này – đã rời căn cứ ra tiền tuyến sau khi tuyên bố tình trạng chiến tranh hôm 20/8.
Theo đó, Bình Nhưỡng đã triển khai hơn 20 tàu đổ bộ chạy bằng đệm khí tới bờ biển Nampo thuộc khu vực biển phía Tây của bán đảo, kể từ sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố tình trạng chiến tranh. Những tàu này, thuộc căn cứ quân sự Cheolsan ở tỉnh Pyeongan Bắc, đã được lệnh di chuyển hơn 60km theo hướng Bắc ra đường ranh giới phương Bắc (NLL) giữa hai miền Triều Tiên.
Trước thông tin này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố nước này và Mỹ đang thảo luận việc điều “pháo đài bay” B52 và tàu ngầm hạt nhân của Mỹ từ căn cứ hải quân Yokosuka (Nhật Bản) đến khu vực bán đảo Triều Tiên, nhằm đề phòng trường hợp Bình Nhưỡng có thêm các hành động khiêu khích quân sự.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min Sok phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày cho biết: “Liên quân Mỹ-Hàn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên và Mỹ đang cân nhắc thời điểm triển khai các phương tiện chiến lược”.
Ông Kim còn nhấn mạnh: “Hàn Quốc sẽ có các biện pháp đáp trả mạnh mẽ không để Triều Tiên có thêm hành động khiêu khích. Mỹ - Hàn đang hợp tác chặt chẽ trên lập trường như vậy”.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Washington đã tăng cường tập trận chống tàu ngầm và diễn tập tác chiến trên biển với Hàn Quốc nhằm bảo vệ đồng minh châu Á này hữu hiệu hơn trước các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đã sử dụng chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” để buộc Seoul quay lại bàn đàm phán, điều mà các biện pháp ngoại giao không thực hiện được.
Theo nhà phân tích Ken Gause, ưu tiên của Bình Nhưỡng là phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ liên Triều hiện tại. Tuy nhiên, ông Evans Revere, Giám đốc Tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge (do cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright làm Chủ tịch) không tin rằng Bình Nhưỡng sẽ thực sự xin lỗi: “Họ sẽ thể hiện bằng nhiều hình thức để tỏ ý không tiếp tục gây hấn. CHDCND Triều Tiên cũng nhận thức rằng họ sẽ gánh thiệt hại nếu xung đột quân sự xảy ra”.
Bên cạnh đó, với chiến lược “bên miệng hố chiến tranh”, Bình Nhưỡng đã buộc Seoul phải quan tâm tới họ. Tuy mục đích của CHDCND Triều Tiên đã rất rõ ràng, nhưng các động thái đó vẫn khiến Hàn Quốc phải động binh. Nó cũng giúp củng cố vai trò của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại trong nước. Trong quan hệ quốc tế, Bình Nhưỡng giành thế cân bằng với Seoul.
Giới phân tích tiếp tục khẳng định, tình hình tiếp tục căng thẳng trong những ngày tới, tuy nhiên khả năng chiến tranh xảy ra là rất thấp.
Nhật Bản kêu gọi CHDCND Triều Tiên kiềm chế Phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản ngày 24-8, Ngoại trưởng Kishida Fumio kêu gọi CHDCND Triều Tiên “cần phải suy nghĩ lại và kiềm chế các hành vi khiêu khích” đồng thời bày tỏ Tokyo “hy vọng cuộc tiếp xúc cấp cao hai miền Triều Tiên sẽ làm giảm căng thẳng”. Ngoại trưởng Fumio cũng nhấn mạnh: “Nhật Bản vẫn tiếp tục thu thập và phân tích tình hình, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc đối phó với mọi tình huống xảy ra trên bán đảo Triều Tiên”. |