Xung quanh quyết định truy thu thuế Uber hơn 66 tỷ đồng
- Hết xe ngựa, Uber lại triển khai dịch vụ "Taxi Bay"
- Đằng sau sự khủng hoảng của Uber
- Bộ Giao thông Vận tải phủ nhận việc dừng cấp phép mới Uber và Grab
- Vẫn loay hoay tìm giải pháp quản lý Uber, Grab
Tuy nhiên, hiện công ty này viện dẫn hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Uber chưa nộp số tiền này và đang khiếu nại lên Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. Việc xử phạt và truy thu số tiền thuế khá lớn như kể trên khiến dư luận đặc biệt quan tâm…
Uber B.V không chấp hành đóng thuế sẽ bị cưỡng chế
Ngày 23-9, trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, Cục Thuế đã ra quyết định xử phạt hành chính và truy thu số tiền hơn 66,68 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan).
Quyết định này được đưa ra sau khi Cục Thuế TP Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan). Thời kỳ thanh tra được xác định kể từ lúc Uber B.V bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam đến tháng 6-2017.
Sau đó, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả với Uber B.V; cụ thể phạt tiền về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gần 10,3 tỷ đồng, đồng thời truy thu thuế với số tiền gần 51,48 tỷ đồng. Trong số thuế bị truy thu, có hơn 26,3 tỷ đồng là thuế VAT khấu trừ nộp thay, hơn 14,6 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay và gần 10,5 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài.
Ngoài ra, theo quyết định của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, Uber phải nộp thêm số tiền chậm nộp tính đến ngày 31-8-2017 là hơn 4,9 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng số tiền truy thu, phạt và tiền chậm nộp Uber B.V phải đóng là hơn 66,68 tỷ đồng. Lý do là vì công ty này đã vi phạm hành chính kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.
Uber vẫn hoạt động bình thường tại Việt Nam. |
Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng nêu rõ, Uber B.V phải có trách nhiệm tự tính bổ sung tiền chậm nộp từ ngày 1-9 đến thời điểm thực nộp số tiền thuế truy thu và phạt vào ngân sách Nhà nước.
Theo bà Lê Thị Thu Hương, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này, Uber B.V phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định và có trách nhiệm nộp số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo quy định vào tài khoản của Cục Thuế mở tại Kho bạc Nhà nước TP Hồ Chí Minh.
Nếu quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này mà Uber B.V không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế. Các biện pháp cưỡng chế có thể được áp dụng như phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn hết giá trị sử dụng; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ; thu hồi giấy phép hoạt động…
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, Uber B.V hiện vẫn chưa đồng ý với quyết định này vì họ muốn cơ quan thuế bỏ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài. Bởi theo Uber B.V, khi áp dụng hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì họ đề nghị không nộp ở Việt Nam. Hiện Uber B.V đang làm kiến nghị gửi lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính để được xem xét. Dù vậy, riêng với các khoản thuế còn lại như VAT, thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay... thì Uber B.V đã chấp thuận.
Trước đó, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu Cục Thuế TP Hồ Chí Minh thu thập dữ liệu để thực hiện thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế từ khi thành lập đối với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan và Công ty TNHH Grab Việt Nam. Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Cục Thuế TP Hồ Chí Minh thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ đối với hai doanh nghiệp taxi truyền thống trên địa bàn quản lý.
Các yêu cầu thanh tra này của Tổng cục Thuế được đưa ra một ngày sau cuộc đối thoại về vận tải hành khách bằng xe taxi và các nội dung thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hôm 28-6 vừa qua.
Đặc biệt, các yêu cầu thanh tra này cũng xuất phát từ việc Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và tham nhũng Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế cung cấp tài liệu, văn bản liên quan đến việc thu thuế của hai doanh nghiệp vận tải Uber và Grab…
Điều đáng nói là tại cuộc đối thoại, đại diện Tổng cục Thuế thừa nhận chưa thu được thuế của Uber trong các năm 2014 - 2015, mặc dù Bộ Tài chính liên tục đôn đốc nhưng Uber vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết sau cuộc đối thoại này khoảng hai tháng, vào cuối tháng 8 vừa qua, Uber Việt Nam đã nộp thuế cho năm 2014 và đến nay, công ty này đã hoàn tất nghĩa vụ thuế của năm 2015 và 9 tháng năm 2016 theo yêu cầu của cơ quan thuế. Riêng khoản thuế nộp cho nghĩa vụ thuế của 6 tháng năm 2014, công ty này đã nộp vào ngân sách Việt Nam chỉ là 240 triệu đồng.
Quay lại cuộc đối thoại, đại diện Tổng cục Thuế đã đề nghị Bộ GTVT xem xét lại mô hình kinh doanh của Uber tại Việt Nam, đề nghị Uber nên thành lập pháp nhân tại Việt Nam, kinh doanh như một doanh nghiệp Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thuế như các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi hiện tại, Uber đang có hàng nghìn xe kinh doanh tại Việt Nam, nhưng công ty mẹ không ở Việt Nam, không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, không có sổ sách hạch toán tại Việt Nam nên không trực tiếp kê khai thuế.
Do đó, cơ quan thuế phải áp dụng thu thuế của Uber theo doanh thu, trong đó 3%/doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và 2%/doanh thu là thuế giá trị doanh nghiệp, riêng cá nhân tham gia kinh doanh vận tải chỉ phải nộp 1,5%/doanh thu.
Với cách tính thuế này cho Uber, Grab, các hãng taxi truyền thống cho rằng họ phải chịu nhiều loại thuế, phí. Trong khi, Uber, Grab chỉ chịu mức thuế chiếm từ 4 đến 5% doanh thu. Theo đó, với khoảng 30.000 xe tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các hãng taxi truyền thống phải nộp thuế trung bình 2.000 tỷ đồng hằng năm. Trong khi, ngành thuế chỉ thu được khoảng 20 tỷ mỗi năm từ 31.000 xe hợp đồng đang hoạt động như taxi, phần lớn tham gia loại hình ứng dụng Uber, Grab.
Hiện Uber, Grab chỉ chịu mức thuế từ 4 đến 5% doanh thu. |
Có thể có những công ty đang lợi dụng kẽ hở trong chính sách để né thuế
Theo một thống kê của Hiệp hội Taxi Hà Nội thì doanh thu năm 2016 của Grab đạt 192 tỷ đồng, nhưng báo lỗ lên tới 443 tỷ đồng và vì kinh doanh thua lỗ, do đó Grab Việt Nam không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn lại tổng số thuế của Grab năm 2016 (bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài) nộp cho ngân sách Nhà nước chỉ là 5,8 tỷ đồng. Trong khi đó, số thuế của Uber được công bố hồi tháng 3 vừa qua nộp ngân sách Nhà nước khoảng 40 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thuế, không chỉ Uber, Grab mà quá nửa doanh nghiệp taxi truyền thống đều báo lỗ trong thời gian vừa qua nên không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp taxi truyền thống có nộp thuế nhưng rất thấp.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ cung cấp thông tin cho ngành thuế để minh bạch việc đóng thuế của Uber và Grab. Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ làm việc với Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Thuế để chia sẻ các tài liệu và tính toán các phương án quản lý thuế toán chặt chẽ hơn, tránh tình trạng không bình đẳng về thuế.
Theo các chuyên gia về thuế thì ngành thuế cần phải đưa ra một chính sách thuế phù hợp để các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam thực hiện hoạt động kinh doanh nhưng không có tư cách pháp nhân, sổ sách kế toán có thể thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong trường hợp các doanh nghiệp này không có sổ sách kế toán thì phải nộp thuế bằng cách ấn định trên doanh thu, bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trước đó, lý giải về việc hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014 nhưng đến nay mới nộp thuế, ông Damian Kassabgi - Giám đốc Chính sách công, Uber châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Uber cam kết tuân thủ thuế tại từng quốc gia mà chúng tôi hoạt động. Tuy nhiên, rất nhiều cơ quan thuế vẫn chưa bắt kịp với công nghệ và mô hình kinh doanh mới như Uber. Công văn mới đây của Bộ Tài chính đã làm rõ nghĩa vụ thuế của Uber tại Việt Nam, điều chưa từng tồn tại trước đây và chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đúng".
Ông Damina Kassabgi cũng nhấn mạnh, theo phương án hướng dẫn của Bộ Tài chính, Công ty Uber Việt Nam sẽ thay mặt Uber B.V kê khai và thanh toán thuế cho nhà thầu nước ngoài.
Khác với Grab Taxi, đơn vị cũng hoạt động với mô hình kinh doanh tương tự, trường hợp xác định thuế với Uber lại gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý hơn. Do Uber B.V Hà Lan không đủ điều kiện nộp Thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ nên Bộ Tài chính cuối cùng đã áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên tổng doanh thu.
Theo đó, Công ty Uber B.V Hà Lan sẽ được tính Thuế Giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng theo tỷ lệ là 3%. Thuế Thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được tính theo tỷ lệ 2%. Với phương án thu thuế này, Uber Việt Nam sẽ nộp thuế thay cho Uber B.V (Hà Lan).
Về phần thuế phải nộp của các tài xế, họ phải nộp theo tỉ lệ 3% đối với VAT và 1,5% đối với thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng. Khoản thuế này sẽ do Uber Việt Nam kê khai nộp hộ.
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề đóng thuế của Công ty Uber, theo các chuyên gia kinh tế thì công ty này có thể đang lợi dụng kẽ hở trong chính sách để né thuế. Nếu toàn bộ hoạt động nằm ở Hà Lan, không có pháp nhân tại Việt Nam, lúc đó sẽ thu thuế những đối tượng tham gia sử dụng dịch vụ đó theo quy định. Còn ở đây, Uber Hà Lan chuyển giao công nghệ sang công ty tại Việt Nam điều hành, nhưng lợi nhuận lại chuyển về trụ sở chính ở Hà Lan, khiến Việt Nam thất thu thuế lớn.
Liên quan tới quyết định truy thu thuế với Uber B.V (Hà Lan) của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh vừa được công bố, một thông tin "đồn thổi" khá nóng, đó là Uber đã dừng hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến chiều 23-9, Uber Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ tin đồn này.
Theo ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam, hiện Uber Việt Nam đang làm việc với Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính liên quan đến khoản thuế này nhằm có giải pháp phù hợp và hợp pháp.
Theo giải thích của doanh nghiệp này, Uber Việt Nam chỉ là đơn vị làm dịch vụ mà Uber B.V thuê, không liên quan đến hoạt động vận chuyển, đặt xe Uber. Tại Việt Nam, việc điều hành hoạt động của Uber tại Việt Nam là Uber B.V (Hà Lan). Trước khi Uber Việt Nam thành lập, Uber B.V đã hoạt động tại thị trường Việt Nam. Hiện Uber B.V đã ủy quyền cho Uber Việt Nam cùng với đơn vị kiểm toán thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế cho hoạt động của Uber tại Việt Nam.
Đại diện Uber Việt Nam cũng cho hay mọi hoạt động vận hành của ứng dụng này vẫn đang diễn ra bình thường tại thị trường Việt Nam.