Gặp phi công Trung đoàn Không quân Sao Đỏ từng góp phần làm nên “Điện Biên Phủ trên không”

Thứ Ba, 26/12/2017, 09:37
Cho tôi xem bài thơ “Ký ức vùng trời” mà ông viết sau chiến tranh, được đăng trên 1 tờ báo xuân cách nay ngót 20 năm, ông nói đến giờ ông vẫn tâm đắc nhất câu “Cất cánh lệ trào, Tổ quốc khôn nguôi”. 

Lúc ghé vào Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh, ông bộc bạch với tôi ông đang rất nhớ, chính xác là “nhớ da diết” những ngày này cách đây 45 năm. Đó là thời kỳ khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại mà đế quốc Mỹ gây ra ở miền Bắc; và đó cũng chính là thời điểm quân dân ta làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu…

Hạ gục “quạ đen”

Đêm 26-12-1972, phi công trẻ Dương Bá Kháng được phân công trực chiến với đồng chí Đỗ Văn Lanh. “Khi đó, tôi và anh Lanh mới ngoài 20. Anh Lanh sau này trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, đã hy sinh sau chiến tranh trong khi làm nhiệm vụ”, ông Kháng nhớ lại.

Theo lời ông Kháng, mờ sáng 27-12, trời Hà Nội rất lạnh, mây thấp phủ đầy. Có mặt tại sân bay để kiểm tra sức khỏe, thực hiện các thủ tục để nhận máy bay chiến đấu, điều ông băn khoăn nhất lúc đó chính là tình trạng đường băng sân bay vừa bị hai dải bom B-52 cắt chéo, hố bom dày đặc sau trận oanh tạc tối hôm trước. Đường băng không thể cất - hạ cánh được nên đường lăn phải “kiêm nhiệm” chức năng này dù nó rất nhỏ.

Ông Dương Bá Kháng tại Cơ quan đại diện Báo CAND.  

“Khoảng 11h30 hôm đó, khi chúng tôi đang ăn trưa thì có lệnh báo động cấp 1. Vội vã cầm mũ bay, tôi lao vút ra, leo lên thang, vào buồng lái. Chiếc 05 của Biên đội trưởng Lanh ra đầu đường lăn, cất cánh. Bụi bay mù mịt từ những hố bom chằng chịt, nham nhở nên tôi không nhìn thấy đường lăn mà  chỉ có thể định hướng theo dải bụi kéo dài phía sau đuôi chiếc 05 khi chạy đà cất cánh. Sau khi thu càng, chúng tôi nhận được lệnh từ Sở chỉ huy - đồng chí Nguyễn Hồng Nhị, Trung đoàn trưởng: “05! Hướng bay 350, cao độ 5.000”. “Nghe tốt!”, đồng chí Lanh trả lời”, ông nhớ lại.

Khi vừa qua khỏi một tầng mây, độ cao khoảng 3.000m thì có lệnh: “05! Vòng phải 160, độ cao 2.000m, phía sau bên phải 20 độ, 20km đang có nhiều tốp quạ đen phía trên!”. Đồng chí Lanh trả lời: “Nghe rõ!” và vòng phải gấp. 

Đang ở bên cạnh phải chiếc 05, ông Kháng nhanh tay đánh cần lái sang phải để giữ đội hình. Lại có lệnh: “05! Quạ đen bên trái 25 độ, phía sau 16km!”. Ông Kháng vội đánh lái sang trái nhưng không thấy máy bay địch. Lại có lệnh: “05! Khẩn trương giảm xuống độ cao 500m, 210 độ, quạ đen đang bám sát!”. 

“Qua giọng nói của Sở chỉ huy, chúng tôi biết tình hình rất nguy cấp. Thật khó và quá căng thẳng khi phải vừa giữ đội hình, vừa phải xuyên mây xuống, lúc vòng bên phải, lượn bên trái, lúc lên lúc xuống để lách tránh mây và cơ động, quan sát phát hiện địch. Có lúc tôi bay quá gần nên đồng chí Lanh ra hiệu cho tôi giãn rộng cự ly, đề phòng tên lửa của địch”, ông Kháng nhớ lại.

Vừa vào độ cao 500m, 210 độ thì Sở chỉ huy thông báo: “05! Bên trái 30 độ, 10km, quạ đen đang đến gần!”. Đánh cần lái sang bên trái nhưng vẫn chưa thấy địch nên ông đảo cánh trở về bên phải thì phát hiện 2 chiếc F-4 của Mỹ đen trũi, mốc thếch, rất to ngay bên cạnh. 

Nghĩ rằng phi công Mỹ chưa thấy mình nên ông đẩy cần lái lên phía trước để giảm độ cao, điều khiển máy bay nằm ép mình dưới đội hình của máy bay địch; đồng thời đề nghị chiếc 05 của Biên đội trưởng cơ động theo hình dích dắc lên xuống.

“Vừa đúng cự ly cho phép, tôi bật công tắc an toàn và ấn nút. Máy bay hơi rùng mình, lắc nhẹ. Tên lửa được phóng ra, hơi rơi xuống rồi lao vút thẳng vào một con quạ đen làm nó chao đảo, lắc lư nhưng hình như nó chỉ bị thương do vẫn còn bay. Tôi nghiến răng kéo cần lái bám theo chúng đang cơ động rất gấp phía trước. Đội hình của địch nháo nhác và cơ động liên tục rất gấp vì biết là có máy bay MIG của ta đeo bám. Đồng chí Lanh động viên tôi: “06, bình tĩnh, bắn cho chính xác, tôi vẫn cơ động để nhử địch!”. 

Mắt tối sầm vì máy bay bị quá tải lớn, khi đó tôi chỉ linh cảm và phán đoán máy bay địch sẽ làm động tác gì? Sau nhiều vòng quần nhau với máy bay địch, có lúc phải làm động tác lừa địch, tôi lại đưa được một quạ đen khác vào đúng tâm của vòng ngắm. Tôi tự tin ấn nút. Tên lửa rời bệ phóng lao vút đi, thẳng tắp, rất đẹp. Rồi một quầng lửa rất to, nổ bùng như quả bom napan. 

Đồng chí Lanh cũng khen: Bắn rất tốt. Còn Sở chỉ huy reo lên: Trúng rồi. Quạ đen đã bị hạ!”, giọng ông Kháng sung sướng như vừa trong khoảnh khắc đầy tự hào 45 năm trước.

Vào Đảng ngay tại mặt trận

Ông Kháng kể, chỉ trong tích tắc ngay sau đó, ông thấy chiếc 06 mình lái đã ở rất gần mặt đất. Liếc nhanh đồng hồ độ cao, chỉ còn 220m. “06, về căn cứ, bên trái 40 độ, 8km!”, Sở chỉ huy phát lệnh. Ông nhận lệnh, thả càng, chuẩn bị thao tác hạ cánh thì lại nghe lệnh rất gấp của đài bổ trợ: “06, thu càng, bay lại, cơ động gấp, phía sau có địch rất gần”. 

Ông vội thu càng, cánh tà, tăng vòng quay, mở tăng lực động cơ và cơ động sang trái ở độ cao rất thấp, thấp đến mức tưởng chừng bụng máy bay có thể chạm vào mặt nước hồ Đại Lải (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Khu E (doanh trại Đoàn Sao Đỏ) cũng đóng ngay sát đó.

“Tôi rất buồn vì lúc này máy bay đã hết vũ khí vì khi đó MIG-21 mới chỉ được trang bị 2 quả tên lửa không đối không. Nếu còn vũ khí, tôi sẽ sẵn sàng tiếp tục chiến đấu. Một ý nghĩ thoáng qua là máy bay mình cũng có thể là quả tên lửa thứ ba và là cuối cùng”, ông nhớ lại.

Vừa lúc đó, tiếng đồng chí Thông, chỉ huy đài bổ trợ lại vang lên: “Quạ đen bay qua, 06 về hạ cánh!”. “Khi tôi liếc nhìn đồng hồ độ cao và đồng hồ nhiên liệu thì cũng vừa lúc đèn đỏ bật sáng, báo hiệu dầu còn rất ít. Tôi tắt tăng lực, giảm vòng quay và quyết định là phải hạ cánh khẩn cấp ở độ cao thấp. Một khó khăn rất lớn đến với tôi là hạ cánh ở đường lăn đầy bụi bặm và hai bên là những hố bom. Tôi tỉnh táo điều khiển máy bay chính xác, nhịp nhàng theo tính toán cá nhân và sự hỗ trợ của đài hạ cánh, tiếp đất an toàn.

Chạy theo đường lăn được một đoạn thì tôi được lệnh: “06, tắt máy, ra khỏi máy bay ngay, quạ đen đang đến!”. Rất nhanh, tôi tắt máy, thả dù hãm, cho máy bay dừng lại, ra khỏi buồng lái, nhảy xuống đất. Chiếc Com-măng-ca (dòng xe quân sự của Liên Xô trước đây – PV) cũng vừa kịp tới, đón tôi”, ông kể.

Trên đường về Sở chỉ huy, ông Kháng cũng nhận được tin là chiếc 05 của đồng chí Lanh đã hạ cánh an toàn ở sân bay Yên Bái, đang chờ lệnh trở về căn cứ. 

“Vào đến Sở chỉ huy, mọi người ùa ra, bắt tay chúc mừng tôi và đưa tôi vào phòng chỉ huy, nơi đã được chuẩn bị trang nghiêm, có treo ảnh Bác Hồ, cờ Đảng và quốc kỳ. Đồng chí Trần Ưng, Chính ủy Trung đoàn bắt tay tôi và tuyên bố kết nạp tôi vào Đảng ngay tại mặt trận và trao tặng tôi Huy hiệu Bác Hồ”, giọng ông đầy tự hào.

Là dân gốc Thừa Thiên – Huế, Dương Bá Kháng kể, ông theo ba má tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1966, khi địch leo thang phá hoại miền Bắc, ông được tuyển chọn học lớp phi công chiến đấu ở Nga. Trở về nước sau 4 năm học tập tốt, ông được chọn vào tham gia chiến đấu tại Trung đoàn Không quân Sao Đỏ - đơn vị chủ lực của Không quân nhân dân Việt Nam, nơi đã sản sinh ra nhiều thế hệ phi công anh hùng.

Trận ngày 27-12-1972 là trận đánh đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông. Sau đó, ông còn tham gia những trận khác chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, cho tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam trên các loại máy bay A-37, F-5 của Mỹ… Trước khi chuyển ngành sang Ban Kinh tế Trung ương và nghỉ hưu vào năm 2008, ông là Trung tá, trợ lý huấn luyện Quân chủng Phòng không Không quân. 

Thái Bình
.
.
.