Nơi sống mới của những chú gấu bất hạnh
- Cứu hộ gấu ngựa nuôi nhốt cuối cùng tại Gia Lai
- Quảng Ninh hoàn thành việc cứu hộ gấu
- Chuyển giao gấu nuôi tại Quảng Ninh về Tam Đảo
Ông Bạch Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Cát Tiên thường bắt đầu ngày mới bằng việc lái xe tới khu bảo tồn gấu bán hoang dã để kiểm tra sức khỏe, chế độ ăn uống và thu thập cử chỉ thái độ của 42 cá thể gấu (32 cá thể gấu ngựa, còn lại là gấu chó).
Những chú gấu này được lực lượng chức năng phát hiện, giải cứu tại nhiều cơ sở nuôi nhốt gấu khai thác mật trong cả nước đưa về VQG Cát Tiên điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe vực dậy tập tính hoang dã của chúng để sớm được tự do trở về với thiên nhiên. So với hàng trăm cá thể gấu khác đang bị nuôi nhốt để khai thác mật hoặc các loại ĐVHD đang chờ lên bàn nhậu, những con gấu này đã thực sự tìm được cuộc sống tươi mới, tốt đẹp hơn trong môi trường tự nhiên bán hoang dã.
Ông Bạch Thanh Hải bên những con gấu được hồi sinh từ “cõi chết”. |
Theo ông Bạch Thanh Hải, mỗi con gấu đang được nuôi dưỡng ở khu bảo tồn của VQG Cát Tiên có một cảnh đời riêng, đó đều là những câu chuyện buồn về loài gấu. Khi được đưa đến đây, chúng có một điểm chung là gầy gò ốm yếu, mang trong mình nhiều bệnh tật, bị con người lạm dụng việc khai thác mật nhằm mục đích thương mại. Thế nhưng, điều may mắn là tất cả cá thế gấu được giải cứu đưa về khu bảo tồn đặc biệt này sức khỏe đều nhanh chóng bình phục sau khi được các bác sĩ thú y thăm khám, điều trị và được chăm sóc theo một chế độ đặc biệt.
Các cá thể gấu sau khi được giải cứu tại những cơ sở nuôi nhốt đưa về VQG Cát Tiên đều phải trả qua những cuộc kiểm tra sức khỏe một cách thận trọng. Nhiệm vụ đầu tiên của các bác sĩ là phải tìm ra những căn bệnh mà gấu đang mắc phải.
Do bị nuôi nhốt khá lâu, khai thác mật quá mức nên tất cả các cá thể gấu được đưa về đây đều mang trong mình nhiều căn bệnh nặng và gần như mất đi hoàn toàn bản năng sinh tồn hoang dã. Tùy vào loại bệnh và thể trạng của từng cá thế gấu, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị, chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp. Mỗi khi có cá thể gấu được giải cứu, đưa về khu bảo tồn, các nhân viên chăm sóc phải túc trực 24/24h để theo dõi từng diễn biến, trạng thái hoạt động của chúng. Giữ khoảng cách đủ xa để gấu thoải mái trong môi trường mới “tiện nghi” hơn, đồng thời vẫn hoàn toàn có thể tiếp cận hỗ trợ kịp thời nếu có bất cứ thành viên trong đàn có hành vi gây hại cho bản thân hoặc bị kích động dẫn đến tấn công nhau…
Để sớm phục hồi các bản năng hoang dã của loài gấu, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Cát Tiên đã xây dựng các khu trú ngụ cho loài động vật này xen lẫn giữa rừng già tự nhiên. Cửa của khu trú ngụ thông với rừng, giúp các cá thể gấu tự do ra vào, khám phá thiên nhiên và quay trở về ngủ nghỉ, ăn uống khi chưa quen với môi trường bán hoang dã.
Khi sức khỏe các cá thể gấu tiến triển tốt, dần bình phục, có thể thích nghi với môi trường thì đó cũng là lúc các tình nguyện viên vực dậy bản năng sinh tồn hoang dã của chúng. Giai đoạn này đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ của các “bảo mẫu”, bắt đầu từ việc hạn chế dần nguồn thức ăn hằng ngày, theo đõi thái độ hành vi tìm kiếm thức ăn của từng cá thể trong môi trường rừng tự nhiên bán hoang dã.
Hàng ngày, các nhân viên của Trung tâm cứu hộ cho mật ong vào ống tre hoặc để lên những thân cây cao trong rừng để tập cho gấu cách kiếm ăn. "Trước khi thả về môi trường hoang dã, gấu phải có đầy đủ kỹ năng sinh tồn. Bài tập tìm kiếm thức ăn vô cùng quan trọng đối với những cá thể từng bị nuôi nhốt!...", một tình nguyên viên cho biết. Phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm thì những chú gấu bị nuôi nhốt quá lâu mới có thể hồi phục dần bản năng sinh tồn.
Cầm nải chuối chín, ông Bạch Thanh Hải ném từng trái vào trong lập tức cả đàn gấu chạy tới chúi mũi tìm kiếm thức ăn. Đàn gấu tỏ ra rất thích thú với trò tìm kiếm thức ăn kiểu này. Hằng ngày, ngoài được cung cấp nguồn thực phẩm là các loại trái cây, mật ong, gấu được nuôi dưỡng ở đây vẫn có thể vào rừng tự tìm kiếm thức ăn, nhiều nhất là măng rừng và các loại hoa quả. Vào mùa vải rừng chín, gấu trèo cây hái trái, ăn no nê và ngủ say luôn trong rừng.
Có khi vài ngày mới lững thững trở về khu chăn nuôi với dáng vẻ đầy khoan thai khi nhìn thấy các “vú nuôi” đang trông ngóng. Nhưng, điều hạnh phúc nhất của những cá thể gấu được giải cứu, đưa về đây là từ nay chúng không còn phải sống trong cảnh tù túng, ăn uống thiếu thốn, bệnh tật triền miên và những lần đau đớn vì bị chích lấy mật.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc VQG Cát Tiên cho biết, một trong những thành công trong công tác bảo tồn ở VQG Cát Tiên những năm qua đó chính là loài gấu. Khu bảo tồn dành riêng cho loài động vật quý hiếm, nguy cấp này rộng 12ha trong rừng tự nhiên, đã được trang bị khá đầy đủ cơ sở vật chất, bao gồm 5 hệ thống chăm nuôi bán hoang dã, bệnh viện, khu chế biến thức ăn... với một đội ngũ y bác sĩ thú y, tình nguyện viên nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, điều trị các loại bệnh và vực dậy bản năng hoang dã của loài gấu.
Những năm qua, nơi này đã trở thành địa điểm cứu rỗi, làm hồi sinh cuộc sống của loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng...