Phan Văn Anh Vũ đã thâu tóm nhà, đất công sản ở Đà Nẵng như thế nào?

Thứ Sáu, 10/01/2020, 11:54
22 nhà, đất công sản và 7 dự án đất cơ sở là những “đặc cách” được hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng các lãnh đạo cấp dưới tạo điều kiện, chuyển giao cho Phan Văn Anh Vũ toàn quyền quản lý, khai thác sử dụng.


Tuy nhiên tại phiên tòa đang xét xử Phan Văn Anh Vũ và hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến cùng các bị cáo trực tiếp “nới lỏng” chính sách ấy lại không thừa nhận sai lầm, cho rằng đó là “sự sáng tạo”.

Thao túng chủ trương

Theo bản cáo trạng buộc tội Phan Văn Anh Vũ cùng các bị cáo khác trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử, xác định Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản pháp lý do ông Trần Văn Minh (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2006-2011) ký ban hành để thâu tóm thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Cựu Chủ tịch Trần Văn Minh tại tòa.

Cụ thể vào cuối năm 2008, UBND TP Đà Nẵng có quyết định thu hồi, quản lý toàn bộ nhà, đất tại số 100 Bạch Đằng (quận Hải Châu) đang do Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng sử dụng để giao cho Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng quản lý.

Bị cáo Phan Ngọc Thạch (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng) xin chính quyền Đà Nẵng xem xét ưu tiên cho công ty mua lại nhà đất này. Tuy nhiên, Đà Nẵng có văn bản trả lời đang kiểm tra, xem xét lại quy hoạch chung tuyến đường Bạch Đằng nên chưa xem xét giải quyết.

Phan Văn Anh Vũ đã chủ động gặp ông Thạch và nói Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng không thể có cơ hội mua được nhà, đất số 100 Bạch Đằng. Nếu công ty đứng ra làm thủ tục xin mua nhà, đất trên, Vũ sẽ giúp nhưng mua xong phải chuyển nhượng lại.

Vũ sẽ trả toàn bộ số tiền mua nhà, đất theo giá phê duyệt của UBND TP Đà Nẵng và trả thêm một tỷ đồng cho Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng để hỗ trợ di dời và bồi thường sửa chữa tài sản.

Tại CQĐT, bị cáo Thạch khai, do biết Vũ có mối quan hệ với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng nên đã đồng ý, làm theo hướng dẫn. Mảnh đất này sau đó từng bước rơi vào tay của Vũ không thông qua đấu giá, mà còn được Đà Nẵng giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, giảm 10% tiền sử dụng đất.

Cơ quan tố tụng xác định, giá trị quyền sử dụng đất số 100 Bạch Đằng tại thời điểm khởi tố vụ án (ngày 17-4-2018) là 26,8 tỷ đồng. Được chuyển nhượng cho Vũ với giá chỉ gần 2 tỷ đồng.

Cách thức này sau đó cũng được Vũ áp dụng với 4 nhà, đất công sản khác qua việc thỏa thuận với các bị cáo Huỳnh Tấn Lộc (cựu Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng), Trần Phi (cựu Tổng Giám đốc Công ty XNK Đà Nẵng) và Lê Anh Tuấn (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cung ứng Tàu biển Đà Nẵng).

Phan Văn Anh Vũ tại phiên tòa.

Đây là các công ty được ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2011-2016) phê duyệt chủ trương cho mua chỉ định nhà, đất công sản đang được cho thuê làm trụ sở.

Các bị cáo nói trên đã thỏa thuận với Vũ để đứng tên xin mua chỉ định nhà, đất công sản, xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, giảm 10% tiền sử dụng đất. Trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các nhà, đất công sản, các bị can có tên trên đã ký văn bản đề nghị UBND TP Đà Nẵng thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất để giúp cho Vũ đứng tên. Từ đó, tạo điều kiện cho Vũ trục lợi gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Lợi dụng pháp nhân công ty bình phong

Tuy nhiên, số tiền trục lợi từ những nhà, đất công sản nói trên chưa thấm vào đâu so với việc Vũ “dắt mũi” hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng để kiếm lời từ các dự án đất trên thành phố.

Cụ thể vào trước năm 2008, khu đất 3.264 m2 trên đường Ngô Quyền (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) được UBND TP Đà Nẵng quy hoạch làm Khu công viên An Đồn nhưng chưa thi công, xây dựng.

Ngày 18-9-2008, Đà Nẵng ra quyết định thu hồi, giao cho Công ty Vật liệu xây dựng xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng quản lý. Thời điểm đó, khu đất được đề xuất bán đấu giá với mức khởi điểm hơn 5,5 triệu đồng/m2.

Do chỉ có một hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, Đà Nẵng đã tạm dừng việc đấu giá và giao cho Công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng quản lý. Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng sau đó xin được bàn giao đất để bán đấu giá xây dựng Bệnh viện Ung thư. Khi đó chính quyền Đà Nẵng đồng ý.

Tại thời điểm này, Vũ được đồng ý cho sử dụng tư cách pháp nhân Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 là công ty bình phong. Ngày 20-11-2009, Vũ đã lấy danh nghĩa này xin nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất trên và ủng hộ cho Bệnh viện U bướu thành phố 500 triệu đồng, với lý do để phục vụ công tác nghiệp vụ.

Các bị cáo là cựu lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng bị đưa ra xét xử.

Cũng với cách thức này, Vũ đã thâu tóm thêm 15.577 m2 đất khu du lịch ven biển Vegas Resort đến Khu du lịch Bến Thành Non Nước và Dự án Khu dân cư An Cư 2 mở rộng và An Cư 3 mở rộng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), diện tích hơn 13.000 m2. Sau khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Vũ đã bán chuyển nhượng toàn bộ 22 lô đất nói trên cho các cá nhân khác.

Cũng với chiêu trò lợi dụng công ty bình phong, Vũ đã xin Đà Nẵng cho mua cơ sở nhà đất tại số 319 Lê Duẩn (quận Thanh Khê), diện tích 200m2 để “phục vụ hoạt động nghiệp vụ”. UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt bán cho Vũ với giá 6,8 tỉ đồng, sau đó giảm tiếp 10% nên số tiền thực trả của Vũ chỉ hơn 6,2 tỉ đồng.

Ngay sau khi Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 được nhận quyền sử dụng nhà đất, Vũ đã chuyển đổi sang tên cho mình và đem cho thuê lại với giá 110 triệu đồng/tháng, sau đó tăng giá lên 121 triệu đồng/tháng. Cơ sở nhà đất này được Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương kết luận có giá trị trên 31,3 tỉ đồng.

Với những hành vi tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm nhà, đất công sản và hàng loạt dự án, nhưng tại phiên tòa, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh vẫn không thừa nhận hành vi của mình là sai lầm.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, ông Minh thừa nhận 22 nhà đất công sản bị quy kết chuyển nhượng trái quy định pháp luật là tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng các tài sản này không thuộc đối tượng nhà ở nên nằm ngoài diện điều chỉnh của Nghị định 61, các đơn vị mua 22 nhà, đất này để kinh doanh. Tài sản này không phải diện nhà đang ở nên bị cáo đồng ý chuyển nhượng là đúng quy định.

Đáng nói, vị cựu Chủ tịch này liên tục trích dẫn Nghị định 38 năm 2000, giải thích về việc giảm 10% tiền sử dụng đất. Nghị định này quy định, với người mua nộp đủ tiền trong một lần sẽ được giảm 20%, dựa vào điểm này, ông Minh cho rằng mình đã tiết kiệm 10% cho Nhà nước, đây là sự sáng tạo. 

Phản bác lại quan điểm này, đại diện VKS khẳng định Nghị định 38 được hướng dẫn bằng Luật Đất đai năm 1993. Còn sai phạm tại 22 nhà đất công sản trong vụ án này diễn ra năm 2004 nên cần áp dụng Luật Đất đai năm 2003. Như vậy, bị cáo Trần Văn Minh đã liên tục dùng một Nghị định đã hết hiệu lực để biện hộ cho hành vi của mình

Tại tòa, Giám định viên tư pháp của Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ ngày 1-11-2007, ông Minh ký quyết định có nội dung đối với nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đang được UBND thành phố cho thuê, nếu bên thuê có nhu cầu mua nhà đất mà nộp tiền một lần thì sẽ được giảm 10% tiền sử dụng đất.

“Quy định này trái với Nghị định 61 năm 1994, ông Minh đã áp dụng việc bán nhà công sản dành cho người đang đi thuê. Trong khi Phan Văn Anh Vũ không thuê các nhà đất này”, giám định viên phân tích.

Giám định viên cũng nhận định việc Đà Nẵng áp dụng Nghị định 38 năm 2000 để giảm 10% tiền sử dụng đất là trái quy định. Theo đó, vào tháng 10-2004, Nghị định 38 được thay thế bằng Nghị định 198 nên việc ông Minh áp dụng quy định cũ để bán nhà đất công sản là trái luật. Ngoài ra, việc ông Minh tiếp tục áp dụng Quyết định 140 để bán chỉ định không qua đấu giá cũng trái quy định.

Lý giải cho việc tạo điều kiện thuận lợi cho Phan Văn Anh Vũ, bị cáo Trần Văn Minh cho rằng, trong thời gian đương chức đã nhận chỉ thị hỗ trợ hoạt động của Vũ tại Đà Nẵng. Và cũng vì lớp vỏ bọc công ty bình phong của Vũ, Đà Nẵng đã tạo điều kiện cho bị cáo này mua nhiều nhà, đất công sản và dự án như vậy thông qua chỉ đạo của Trần Văn Minh.

Tuy nhiên, VKSND giải thích trong vụ án này, có tới 18 nhà đất và bất động sản khác đã được lãnh đạo Đà Nẵng tạo điều kiện cho Vũ thâu tóm. Điều đó cũng thể hiện sự tắc trách của người đứng đầu thành phố, khi đã buông lỏng chức năng quản lý nhà nước tạo điều kiện cho Vũ thâu tóm nhiều tài sản, gây thất thoát cho Nhà nước.

Tại phiên tòa, một câu hỏi cũng được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời thích đáng, nếu không phải là Phan Văn Anh Vũ thì có mua được những nhà, đất công sản nói trên hay không?

Hiền Trâm
.
.
.