Trẻ em bị tai nạn đuối nước: Nỗi ám ảnh mùa hè
- Đuối nước thương tâm khiến 2 học sinh tử vong
- Một học sinh lớp 9 tử vong vì đuối nước
- Rủ nhau tắm hồ, 2 học sinh bị đuối nước thương tâm
Có thể nói, với rất nhiều bậc cha mẹ, mùa hè khi các con được nghỉ học, tham gia vào các hoạt động tập thể ngoài trời, thì nỗi ám ảnh lớn nhất là tai nạn đuối nước. Dạy kỹ năng bơi cho trẻ là câu chuyện bắt buộc để người lớn phần nào an tâm về trẻ nhỏ. Những chương trình mang tầm quốc gia về tuyên truyền phòng tránh tai nạn đuối nước thực sự cần thiết hơn bao giờ hết.
Liên tiếp nỗi đau cha mẹ mất con vì đuối nước
Ngày 25-4, một vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra ở huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi). Hai trong số 3 em học sinh của Trường PTTH Sơn Hà là Nguyễn Văn Hậu và Huỳnh Tấn Tuấn đã tử vong vì đuối nước trong khi đi tắm cùng nhau ở thác nước Núi Nia.
Lực lượng chức năng cùng gia đình đã tích cực công tác tìm kiếm, cho đến 4 giờ chiều cùng ngày mới vớt được thi thể 2 học sinh xấu số. Cha mẹ 2 em không thể tin được con của mình đã vĩnh viễn ra đi. Nỗi đau bao trùm không khí gia đình, làng xóm nơi cha mẹ các em đang sinh sống.
Trước đó, một vụ tai nạn khác cũng muôn phần đau xót liên quan đến đuối nước xảy ra tại Gia Lai. 5 em học sinh lớp 6 Trường Chu Văn An, huyện Ia Grai do không có tiết học đã rủ nhau ra hồ nước ở làng Ó, xã Ia O, huyện Ia Grai để tắm mát. Sau khi xuống hồ, một em học sinh có biểu hiện đuối nước, các em còn lại tìm cách cứu bạn nhưng do không biết bơi nên bị chới với giữa lòng hồ.
Một em nữ nhanh trí đã chạy lên bờ tìm người giúp, nhưng khi mọi người đến nơi xảy ra vụ việc thì cả 4 em học sinh đều đã tử vong. Tất cả các học sinh bị tử vong đều là nữ. Vậy là chỉ trong một buổi chiều, 4 gia đình trong một xã đã phải nhận hung tin về sự mất mát của con em mình.
Một vụ đuối nước khác cũng mới xảy ra được truyền thông đưa tin nhiều nhất là vụ việc thương tâm ở Đà Nẵng. Khoảng 12 giờ trưa ngày 26-3, một tập thể gồm 22 em học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam rủ nhau đi xe buýt đến bãi biển Xuân Thiều, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng để tắm. Trong lúc tắm biển, có 3 học sinh là Nguyễn Văn Hưng, Lê Viết Cường, Lê Phước Nhật bị sóng cuốn trôi. Các em còn lại bất lực không thể cứu bạn. Các ngư dân đang đánh cá gần đó biết có việc chẳng lành đã chạy đến cứu các em nhỏ nhưng đã muộn. Họ vớt được các em, nhưng cả 3 đã tử vong.
Trên đây chỉ là những vụ việc tiêu biểu trong vòng một tháng qua, liên quan đến tai nạn đuối nước. Thực tế, còn nhiều vụ chết đuối thương tâm mà nạn nhân là các em nhỏ. Thậm chí có vụ học sinh biết bơi, tắm ở hồ bơi vẫn bị chết đuối do không có kỹ năng thoát hiểm. Đây mới chỉ là những ngày chớm sang hè, học sinh chưa được nghỉ hè, mà những vụ việc vô cùng đau lòng, đáng tiếc đã xảy ra.
Nỗi lo âu của người lớn, của các cơ quan chức năng còn tăng lên khi mà thời điểm học sinh cả nước được nghỉ hè thực sự đang đến gần. Khi đó các em không phải đến trường, lại được tham gia vào muôn vàn hoạt động vui chơi, dã ngoại khác nhau. Nếu không biết bơi thì việc gặp tai nạn khi tham gia các hoạt động dưới nước rất dễ xảy ra.
Biết bơi để sống sót
Ở các nước phát triển, dạy bơi cho trẻ em từ khi mới lọt lòng là việc bắt buộc với các bậc phụ huynh. Chẳng hạn như ở Úc, quốc gia có nhiều diện tích biển, gần như tất cả trẻ em đều biết bơi sớm. Dạy trẻ nhỏ biết bơi là việc đương nhiên của cha mẹ. Nước ta có đến 3.260 km đường biển, một diện tích biển quá lớn. Phần đa các tỉnh thành, địa phương đều có biển, hoặc sông hồ lớn. Cộng với đó, bão, lũ lụt là những thiên tai thường xuyên xảy ra ở khu vực miền núi, miền Trung. Có nghĩa là việc phải tiếp xúc với nước cũng như các nguy cơ liên quan đến đuối nước rất cao.
Nhìn lại một năm ở nước ta, số người thiệt mạng, mất tích vì thiên tai lũ lụt không nhỏ. Trong số người thiệt mạng đó, trẻ em chiếm phần lớn. Nguyên nhân một phần do các em không biết bơi. Rủi ro từ lũ lụt có thể đến bất thình lình. Ở miền Trung, đôi khi lũ lụt tràn về nhanh đến mức các em không kịp chạy từ trường về nhà. Nước dâng nhanh đến tận mặt đường, thì việc sống sót với các em học sinh, nhất thiết phải nhờ biết bơi.
Trẻ em cần được học bơi trong trường học. |
Nhận thức được vấn đề đuối nước nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện giúp con em mình học bơi. Xem ra hiện nay, trẻ con ở thành phố lại biết bơi nhiều hơn ở các vùng nông thôn. Đầu tiên do nhận thức của các bậc cha mẹ ở thành phố, được tiếp cận thông tin, tuyên truyền tốt hơn. Thành phố có nhiều bể bơi và vào mỗi kỳ nghỉ hè, phụ huynh chỉ cần đăng ký cho con mình một khóa học bơi với những huấn luyện viên được đào tạo chuyên nghiệp là các con có thể có kỹ năng bơi lội tốt.
Nhưng ở nông thôn mọi việc không đơn giản. Ngày trước, khi sông hồ chưa bị ô nhiễm nhiều như ngày nay, trẻ em ở làng quê thường tắm sông từ nhỏ, và như một bản năng, chúng biết bơi sớm. Ngày nay, sông hồ bị ô nhiễm nhiều nên sinh hoạt của người dân liên quan đến sông hồ không như trước. Việc dạy bơi ở các vùng nông thôn không được chú trọng.
Cha mẹ ở nhiều làng quê có khi phải ra thành phố kiếm sống, trẻ nhỏ phải ở nhà với ông bà, họ hàng. Cha mẹ không có thời gian dạy bơi cho con. Các lớp học bơi không có, mà nếu có là phải miễn phí, chứ nếu trả tiền thì rất ít gia đình có thể có tiền cho con đi học bơi. Hơn nữa, chỗ để học bơi cũng không đơn giản.
Nông thôn phần lớn không có bể bơi. Các hồ nước hay các khúc sông thường sâu, không phù hợp để dạy bơi cho trẻ nhỏ. Mấy năm trước, đoàn thanh niên ở một số tỉnh miền Trung tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh. Họ phải trang bị lưới quây ở những khúc sông có độ sâu vừa phải thì mới an toàn cho các em vừa tiếp xúc với việc học bơi.
Câu chuyện dạy bơi cho trẻ em nông thôn, nghe thì đơn giản, nhưng phải cần tới rất nhiều sự hỗ trợ, từ các cấp lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên. Các chương trình dạy bơi miễn phí phải thường xuyên liên tục và phải đồng đều ở các địa phương, nhất là những địa phương có diện tích biển, sông hồ lớn.
Học bơi phải là chương trình bắt buộc trong trường học?
Ngày 31-3 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Công văn số 1266 về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em. Đây là hành động thiết thực thực hiện Quyết định số 234 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 và Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ.
Công văn nêu rõ, các bộ, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ngành dọc và UBND các cấp, các sở, ban, ngành tại địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng chống đuối nước ở trẻ em.
Các địa phương cần vận động mọi gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là dịp nghỉ hè, mùa mưa bão, mùa nước nổi sắp đến. Phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi học bơi, học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, các địa phương cần chú trọng việc làm nắp đậy giếng hay bể nước và các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Cần có rào chắn, biển cảnh báo tại các khu vực hồ nước, ao làng, các khu vực nước sâu, nguy hiểm.
Nhiều ý kiến của chuyên gia, cũng như các bậc phụ huynh cho rằng, đưa chương trình dạy bơi cho trẻ vào chương trình học là cần thiết. Các trường học trong cả nước nên triển khai chương trình học bơi mùa hè cho các em học sinh. Đó là chương trình học ngoại khóa, nhưng đặc biệt cần thiết và vô cùng ích lợi cho các em nhỏ. Bên cạnh sự hỗ trợ của phụ huynh, thì mô hình “ngôi nhà an toàn”, “trường học an toàn” sẽ tạo ra một “cộng đồng an toàn”, để Việt Nam không còn là quốc gia có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao trong khu vực như hiện nay nữa.