Quyết liệt hơn với nạn bằng cấp giả

Thứ Hai, 07/12/2020, 08:16
Đến ngày cuối cùng của tháng 11-2020, dù vẫn chưa nhận được danh sách các trường hợp đã được Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã cho biết quan điểm của bộ này là kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng văn bằng giả của Trường Đại học Đông Đô, thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này.


Văn bằng giả thì phải thu hồi, khỏi bàn cãi

Nhưng vấn đề nữa mà dư luận vẫn muốn tìm được câu trả lời từ phía Bộ GD-ĐT là liệu còn trường, viện… nào khác trong hệ thống đào tạo của ngành này đã cấp bằng giả kiểu như Trường Đại học Đông Đô? Nhưng muốn trả lời chính xác thì Bộ GD-ĐT cần có một cuộc tổng rà soát, mà rà soát một cách nghiêm túc đối với các chương trình đào tạo chứ không thể chỉ tin vào các báo cáo của các bộ phận tham mưu.

Nói như vậy, là vì liên quan vụ án hình sự giả mạo trong công tác tại Trường Đại học Đông Đô, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã xác định có sự "tiếp tay" của một số đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GD-ĐT. Cụ thể là việc các đơn vị, cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tổng hợp và Vụ Giáo dục Đại học của Bộ GD-ĐT đã thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh, trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2 lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cho Trường Đại học Đông Đô trong khi trường này chưa được cấp phép là có dấu hiệu vi phạm quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ 2 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Vấn đề học giả, bằng thật đang gây nhức nhối trong xã hội hiện nay. (Ảnh minh họa trên Báo Vietnamnet.vn)

Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp, nhưng nay thì chỉ 216 trường hợp có thông tin để xác minh. Trong đó, có 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp; 23 người có tham gia học tập nhưng do trường chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nên bằng đã cấp là không có giá trị. Đối với 193 người được cấp bằng giả, có 60 người đã sử dụng. Đáng chú ý là có 55 người sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...

Còn nhớ dạo cuối năm 2019, cơ quan chức năng cũng đã làm rõ vụ 7 cán bộ tại Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) mua chứng chỉ giả để đủ điều kiện tham gia kì thi tuyển viên chức năm 2017-2018. Trước đó, các cán bộ này có đăng ký tham gia lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình nhưng chỉ đi học vài buổi rồi nghỉ, sau đó mua chứng chỉ với giá mỗi chứng chỉ từ 12-15 triệu đồng.

Cùng thời gian này, cơ quan chức năng cũng phát hiện tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) có đến 14 cán bộ sử dụng bằng giả, trong đó có 4 cán bộ thuộc UBND huyện quản lý, 2 cán bộ thuộc Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý và 8 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Đảng ủy xã và các cơ quan ngành dọc quản lý.

Người ta mua lén lút bằng cấp giả, chứng chỉ giả cũng có, mua công khai trên mạng xã hội cũng có, mua cả ở trong nước lẫn ra ở nước ngoài, mà công khai cấp đến con số hàng trăm chứng chỉ như Trường Đại học Đông Đô thì cũng không lạ.

Người sử dụng là ai? Đâu thì không biết, chứ ở nước ta thì phải nói thẳng luôn là không khó để biết. Có người sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả để chỉ đơn giản là hành nghề kiếm việc làm nuôi bản thân, nhưng cũng có người dùng để thăng quan tiến chức. Thậm chí, ở một tổ chức nhân danh chống hàng giả như Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) mà cũng từng bổ nhiệm một Phó chủ tịch hội sử dụng bằng giả tốt nghiệp đại học ngành dược.

Nhân sự sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả một khi đã chui sâu, leo cao vào trong bộ máy nhà nước thì chỉ là thứ phá hoại chứ cống hiến gì. Đây cũng đang là một lỗ hổng lớn của công tác nhân sự trong bộ máy công quyền ở nước ta.

Cho nên, nếu đã phát hiện đối tượng nào sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả, dù mua hay được cấp, thì các cơ quan, đơn vị, cấp ngành không còn cách nào khác là phải loại ngay ra khỏi bộ máy. Ngoài qui định trong các bộ luật, thì riêng việc xử lý đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức khi bị phát hiện sử dụng bằng cấp  giả còn được qui định rõ trong Nghị định 34/2011NĐ-CP và Nghị định 27/2012NĐ-CP; Quy định 181-QĐ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng có những chế tài để áp dụng xử lý đối với đảng viên vi phạm.

Nhưng tất cả những qui định ấy xem ra vẫn chưa đủ để ngăn chặn tình trạng mua bán, cấp hay sử dụng chứng chỉ giả, văn bằng giả.

Thực trạng của việc mua bán và sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả hiện đã không còn ở sự nhỏ lẻ, lén lút, mà công khai dưới nhiều hình thức, gây nhiều hệ lụy trong đời sống xã hội, cản trở nghiêm trọng đến mọi nỗ lực của việc nâng cao chất lượng cán bộ trong bộ máy nhà nước. Vậy thì đã đến lúc cần tính đến các biện pháp và hình thức nghiêm khắc hơn.

Trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp Quốc hội vào ngày 9-11-2020 về tình trạng mua, bán giấy tờ, chứng chỉ giả, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã thẳng thắn đề xuất: “Trước đây, những người sử dụng giấy tờ giả hầu như chỉ bị xử phạt hành chính ít xử lý hình sự. Đã đến lúc chúng ta phải tính toán việc xử lý hình sự hành vi này. Ví dụ, sử dụng GPLX giả lái xe gây tai nạn, bị xử về tội gây tai nạn giao thông nhưng vẫn phải xử lý hành vi sử dụng GPLX giả. Kể cả chưa gây tai nạn cũng bị xử lý. Trong cán bộ, công chức, trước đây, chỉ xử lý hành chính, thu hồi giấy tờ giả đó nhưng phải nghiên cứu đề xuất xử lý hành vi này”. – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, thời gian tới, lực lượng Công an sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, tiếp tục tập trung đấu tranh, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm sản xuất, mua bán giấy tờ giả để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Lương Duy Cường
.
.
.