Nghệ sĩ với hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân

Thứ Ba, 25/07/2017, 08:00
Những nghệ sĩ chia sẻ cảm nhận của họ về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân trong các tác phẩm nghệ thuật.


1. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân: Tôi khai thác phần "nhân bản" của chiến sĩ cảnh sát

Giai đoạn năm 1976 -1979, tôi công tác ở Sở Công an TP Hồ Chí Minh. Do vậy, những vốn liếng, hiểu biết về người Cảnh sát thường xuyên được tôi đem vào hàng chục kịch bản phim sau này. Tất nhiên, làm phim về Cảnh sát phải có pha hành động, truy bắt, phá án, đấu trí căng thẳng… vì đó là công việc của các anh. Nhưng nếu mình khai thác chuyện tác chiến hoài thì phim lại nhàm, cương. 

Cảnh sát cũng là con người. Họ cũng có yêu thương, hờn ghét… với bao chuyện đời thường chứ không phải là siêu anh hùng. Nếu chúng ta làm khéo thì hình tượng người Cảnh sát sẽ giản dị, gần gũi với quần chúng hơn.

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân.

Thú thật, làm phim về Cảnh sát thì dễ khiến khán giả chú ý vì nó xảy ra nhiều tình huống kịch tính lôi cuốn. Những tình huống đó đòi hỏi người Cảnh sát phải có cách xử lý rất can đảm, khôn khéo. Chính trong hoàn cảnh đặc thù cận kề cái sống và cái chết đó, phần "nhân bản" của các anh nổi bật lên. Kịch bản phim về Cảnh sát của tôi đều cố gắng đi tìm và khai thác phần "nhân bản" đó.

Bộ phim đầu tay của tôi mang tên "Con mèo nhung" kể về các chiến sĩ Công an cùng nhau nuôi nấng, chăm sóc một cháu bé bị lạc cha mẹ trong chuyến di tản sang Mỹ. Vai anh Công an do diễn viên Nguyễn Chánh Tín đóng. Phim "Đôi mắt ân tình" thì kể về anh Cảnh sát hy sinh khi truy đuổi đối tượng. Trước đó, anh từng bày tỏ nguyện vọng hiến tạng cứu người. Giác mạc anh được ghép cho một luật sư trẻ. Từ đó, cuộc sống của anh luật sư mang bóng dáng anh Cảnh sát nọ…  Chuyện phim nói về lòng nhân đạo, đến khi nằm xuống vẫn muốn phụng hiến cho đời của anh Cảnh sát.

Cũng có người viết kịch bản về Cảnh sát mà chỉ quanh đi quẩn lại chuyện anh ta lái xe đưa con đến trường rồi chiều đón con về nhà hoặc xoay quanh vấn đề vặt vãnh đời thường khác. Nếu vậy, nó cũng không khắc họa trọn vẹn hình ảnh Cảnh sát vì thiếu mất công việc và những cống hiến của anh ta.

Tác phẩm của Tuấn Anh đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh “ Vì bình yên cuộc sống” năm 2016 do Báo Điện tử CAND phát động.

2. Ca sĩ Thùy Dung: Bài hát có cát xê 200 ngàn đồng

Lẽ thường, nhạc phim, nhất là phim truyền hình rất ít được khán giả nhớ. Thế nhưng, có một bài hát gắn với tên tuổi của một ca sĩ lại trở thành nằm lòng trong ký ức của nhiều người. "Những bước chân lặng lẽ" do ca sĩ Thùy Dung hát trong series "Cảnh sát hình sự" đầu tiên từ những năm 1997 đã bước ra khỏi khuôn khổ của một bài hát trong phim, có đời sống độc lập. Bài hát sau 20 năm đã trở thành một trong những bài truyền thống của Công an nhân dân.

Bây giờ, dù đã nhiều năm lùi xa ánh đèn sân khấu, làm công tác giảng dạy, nhưng nhắc đến "Những bước chân lặng lẽ", Thùy Dung vẫn xúc động. Chị kể: "Tôi được nhạc sĩ Vũ Thảo mời đến thu âm ca khúc "Những bước chân lặng lẽ" rất lâu rồi, từ những tập đầu tiên của phim "Cảnh sát hình sự".

Ca sĩ Thùy Dung.

Thời đó, chú Vũ Thảo hay mời tôi hát những ca khúc nhạc phim của chú. Vậy là tôi đến thu âm. Tôi còn nhớ rất rõ, cát xê thu âm bài hát có 200 ngàn đồng. Nhưng bài hát rất xúc động, vẽ lên những góc khuất, những hy sinh âm thầm của các chiến sĩ Công an". Không ngờ, bài hát thành công quá sức tưởng tượng của nhạc sĩ và ca sĩ. Thùy Dung đùa: "Nếu trả theo bản quyền nước ngoài, thì tôi đã giàu to rồi".

Thùy Dung kể, nhiều kỷ niệm vui khi ngày đó ra đường, mọi người không gọi tên chị mà gọi tên bài hát "Cô những bước chân lặng lẽ". 

Ngay cả người viết, khi gõ những dòng này vẫn văng vẳng trong đầu tiếng hát dịu dàng, sâu thẳm của ca sĩ Thùy Dung. "Có bàn chân lặng lẽ, giữa dòng đời như nước cuốn/ Chập chờn trắng đen không thể nhìn thấy đáy/ Từ trong bão giông vẫn nghe tiếng gọi, năm tháng xa mờ như mây bay/ Ai khóc, ai cười ngang qua đây; cuộc đời như giấc mộng trả vay/ Ai giữ ngọn lửa qua đêm đen, ai đếm những bàn chân vô danh/ Gửi làn hương thầm theo về trong gió, suốt chặng đường gian nan...".

Bài hát còn được bình chọn là ca khúc được yêu thích nhất trong phim. Khán giả yêu bài hát đến mức mà sau hàng trăm tập "Cảnh sát hình sự", đạo diễn sợ chỉ hát một bài sẽ nhàm chán, đặt hàng nhạc sĩ Vũ Thảo tiếp tục sáng tác bài cho loạt phim này. "Khi cất bước ra đi biết đời mình đã thuộc về mọi người", bài hát rất xúc động nhưng khi phát sóng, nhiều khán giả đã gọi điện đến Đài truyền hình đòi thay lại ca khúc "Những bước chân lặng lẽ". Đó là một kỷ niệm đẹp khó quên trong cuộc đời tôi.

3. Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai: Những người chiến sĩ - nghệ sĩ

Tôi xem vở diễn đầu tiên của chị là "Nguồn sáng phía chân trời" - vở Cải lương tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ III - 2015. Một vở diễn xúc động, thể hiện một cái nhìn sâu về hình tượng người chiến sĩ Công an, vốn bị khô cứng và nhiều thiên kiến. Nhiều khán giả hôm đó đã lén lau nước mắt. Chị đã chạm tới trái tim người xem, khi lần đầu tiên đưa hình tượng người chiến sĩ Công an lên sân khấu cải lương.

Hoàng Quỳnh Mai không đi vào vụ án, không đi vào những cuộc truy bắt tội phạm vốn hấp dẫn sân khấu. Chị đi sâu vào thế giới tâm hồn người chiến sĩ- nghệ sĩ. Trước khi họ là những chiến sĩ Công an, thì họ là những nghệ sĩ của tâm hồn, yêu cái đẹp. Đó là Văn - một quản giáo mê tạc tượng. Văn mang nghề tạc tượng vào trại giam, hướng dẫn các phạm nhân làm việc. Đó là cách anh cảm hóa phạm nhân, biết yêu và rung động trước cái đẹp. Đó là thứ ánh sáng đẹp đẽ của thiện lương, có thể cứu rỗi tâm hồn con người khỏi sự đen tối, giả dối.

Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai.

Hoàng Quỳnh Mai nói, chị nhớ một câu chuyện về một nữ quản giáo đã hy sinh để cứu một tội phạm đang mang thai. Sau này, trên ngôi mộ của người chiến sĩ ấy mọc lên một bông hoa trắng. Đó là vẻ đẹp rất đời, rất người của người chiến sĩ.

"Tôi nhìn họ từ những góc đời thường, từ những vẻ đẹp ẩn sâu trong nội tâm, sức cảm hóa của tâm hồn có ảnh hưởng lớn hơn nhiều những chiến công hay những lời thuyết giáo". Với chị, hình tượng người chiến sĩ Công an luôn có sức hấp dẫn riêng. Chị đã góp thêm một cách nhìn nhân văn về hình tượng người chiến sĩ Công an. Và sự thành công của chị đã khẳng định, không có giới hạn nào của đề tài, điều quan trọng là tác phẩm có chạm tới trái tim khán giả hay không?

4. Nhà báo Phùng Nguyên: Viết từ những ám ảnh về tội phạm

Phùng Nguyên từng là một cây phóng sự của Báo Tiền Phong. Mới đây, anh cho ra mắt "Thành phố không có cầu vồng" cũng là tiểu thuyết đầu tay anh viết về đề tài an ninh trật tự. Nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao anh lại đặt tên cuốn sách có vẻ "sến" như thế.

Hơn 15 năm viết phóng sự, lăn lộn khắp các vùng miền của đất nước, gặp đủ hỉ nộ ái ố của cuộc đời đã cho anh một vốn sống đầy đặn. Đây là tác phẩm lấy cảm hứng từ phóng sự hai kì mang tên "Tam giác quỷ giữa thành Vinh" được đăng trên Báo Tiền Phong, viết về những đứa trẻ đánh giày nghiện hút với vô vàn mối nguy hiểm bủa vây khi lỡ dại dính vào "cái chết trắng".

Nhà báo Phùng Nguyên.

Cuốn sách tái hiện một cuộc chuyển dịch đầy hi vọng nhưng rồi lại chìm trong bi kịch của những người trẻ tuổi từ nông thôn ra thành thị. Thất vọng về đời sống thực, không đủ bản lĩnh để vượt qua, những người trẻ tuổi đã đắm mình trong ma túy và Internet với những ảo giác mê hoặc. Chính ở đó, họ bị bọn tội phạm dẫn dụ vào thứ "tôn giáo" suy đồi của chúng. Lần đầu tiên, một kiểu tội phạm mới: trí thức, với tham vọng biến ma túy thành một thứ "tôn giáo" đã được tác giả thể hiện khá hấp dẫn.

Nguyên nói, lí do thôi thúc khiến anh viết tiểu thuyết này là sự ám ảnh về cái chết của một cậu bé ở giữa "Tam giác quỷ". Dù chưa tìm ra nguyên nhân của cái chết, nhưng nhà báo Phùng Nguyên đã dấn thân và phát hiện rằng: sự ra đi của cậu bé có liên quan đến một tổ chức tội phạm từng sử dụng ma túy để lôi kéo và biến những cậu bé đánh giày tội nghiệp thành tay sai.

Tôi hỏi Phùng Nguyên, vì sao anh dấn thân vào địa hạt này, một địa hạt gai góc khó nhằn và không dành cho đại chúng. Nguyên cho biết, anh viết từ những ám ảnh về đời sống, từ những năm tháng lăn lộn làm báo, anh đã chứng kiến rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, vì sai lầm mà sa vào tội ác, vào ma túy. Nhưng phía sâu trong tâm hồn họ vẫn là những góc khuất rất đời, rất người.

Với vốn sống dày dạn của những năm tháng lang thang khắp các tỉnh thành, tôi tin Nguyên sẽ đi xa hơn trong hành trình của mình, với văn chương. Và chắc hẳn, đề tài an ninh trật tự vẫn là một địa hạt rộng lớn mà anh muốn khai phá.

5. Diễn viên Phi Ngọc Ánh: Thế vai hành động, mạo hiểm càng thêm khâm phục Cảnh sát

Anh em cascadeur vẫn hay nói đùa với nhau: xấu trai, xí gái toàn thế vai giang hồ. "Mặt tiền" dễ coi mới được chọn thế vai hảo hán, đặc biệt "ngon ăn nhất" là vai Cảnh sát. Cũng may "mặt tiền" của tôi sáng sủa nên nhiều lần vinh dự thế vai Cảnh sát khi vai diễn cần thực hiện pha mạo hiểm, hành động. Thấy tôi cũng có khả năng diễn xuất nên một vài phim, đạo diễn mời tôi trực tiếp thủ vai Cảnh sát mưu trí, quyết liệt và giỏi võ để tự mình đánh đấm luôn. 

Nếu đóng vai giang hồ, võ có thể đánh tá lả thì vai Cảnh sát thế võ phải bài bản. Để thuyết phục, chúng tôi phải thể hiện cho ra tác phong người Cảnh sát nhân dân dù chỉ là đóng thế. Chỉ cần ngỏ lời là anh em Cảnh sát giúp đỡ chúng tôi rất nhiệt tình, tạo điều kiện cho chúng tôi quan sát, học tập rút kinh nghiệm. Riêng tôi từng cộng tác với lực lượng Cảnh sát như làm MC hiện trường trong chương trình An toàn giao thông của Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, thú vị nhất là vài lần tôi nổi máu "hiệp sĩ" bắt cướp giao cho Cảnh sát.

Diễn viên Phi Ngọc Ánh.

Đóng vai Cảnh sát, nhất là thực hiện vô vàn pha hành động, khống chế tội phạm, tôi mới thấy công việc của Cảnh sát hiểm nguy, cam go như thế nào trên trận tuyến phòng chống tội phạm. Những tình huống nguy hiểm trên phim đều có kịch bản, được dàn dựng và tính toán chi tiết. Ngoài ra, cascadeur còn có thiết bị bảo hộ để lường trước rủi ro, vậy mà chúng tôi vẫn không tránh khỏi chấn thương, thậm chí suýt chết. Đóng phim "Gai hồng", "Vật chứng mong manh", "Hồ sơ lửa"… , chuyện chảy máu, trật khớp tay chân như cơm bữa. Nghiêm trọng nhất là phân cảnh tôi đóng vai nữ cảnh sát cứu hung thủ nhảy tự tử từ lầu 3 trong phim "Gai hồng" (đạo diễn -  cascadeur Quốc Thịnh). Nhảy thật nên tôi bị bong gân đốt sống cổ, phải nẹp hết nửa tháng liền. Lần khác, pha đu dây từ độ cao 15 mét khiến tay bị cứa sâu, mất một mảng da lớn đến nỗi phải vào viện ghép da.

Càng diễn những phân cảnh khó khăn, nguy hiểm, tôi càng thêm trân trọng và cảm phục người Cảnh sát nhân dân. Phải là những con người thực sự tinh nhạy, dũng cảm và sẵn sàng quên mình vì sự bình yên của nhân dân thì mới có thể đảm đương công việc nguy hiểm mà cao quý này.

6. Phóng viên Nguyễn Tiến Anh Tuấn, Báo điện tử Zing: Bị khoảnh khắc "đen sạm" đó ám ảnh

Gặp lại Nguyễn Tiến Tuấn Anh, tác giả bức ảnh "Những trái tim dũng cảm" từng đốn tim cộng đồng mạng trong cuộc thi ảnh "Vì bình yên cuộc sống năm 2016" do Báo điện tử CAND phát động, Tuấn cho biết, mặc dù bức ảnh chụp đã lâu nhưng khi nhớ về vẫn chưa hết ám ảnh.

Là phóng viên ảnh của một tờ báo điện tử, không ít lần tác nghiệp ghi lại rất nhiều vụ cháy lớn nhưng khoảnh khắc cứu người của các chiến sỹ PCCC tối đó khiến Tuấn ấn tượng mãi. "Các anh lăn xả vào đám cháy để di chuyển những người dân đến nơi an toàn. Em bé nằm bình an trong tay 2 chiến sĩ Cảnh sát PCCC, khuôn mặt 2 chiến sĩ đen sạm vì khói lửa nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm tin, sự cương nghị, quyết tâm, hy sinh vì bình yên cuộc sống của nhân dân... đó là những gì súc tích nhất, cô đọng nhất ở một người chiến sĩ CAND mà không lời văn, câu chữ nào diễn tả được", Tuấn chia sẻ.

Khi được hỏi, điều gì khiến anh quyết định bấm máy để ghi lại khoảnh khắc "vàng" đó, tác giả "Những trái tim dũng cảm" nói rằng, ai là phóng viên ảnh cũng đều biết rằng, cái gì thật sự ấn tượng mới chụp. Và khoảnh khắc "đen sạm" đó khiến anh bị ám ảnh.

Tuấn nói, cảnh dập lửa, phun nước quá phổ biến rồi. Anh ưu tiên và thích chụp những cử chỉ, hành động mang tính nhân văn hơn, dễ lay động lòng người hơn. Giữa muôn vàn đống đổ nát mà thần Hỏa mang đến, anh "zoom" ống kính vào cảnh những chiến sỹ PCCC bế một đứa trẻ, cứu một cụ già hoặc đỡ một người phụ nữ đang mang bầu. Và bức ảnh "Những trái tim dũng cảm" chỉ là một trong những bức ảnh mà anh đã chụp các chiến sỹ Cảnh sát đang làm nhiệm vụ thường nhật của mình.

Bố Tuấn cũng là một cán bộ Công an. Trong suy nghĩ của anh, bố rất nghiêm khắc, tận tụy với công việc. Vì thế, khi nhìn vào một số tiêu cực của ngành này, Tuấn cho rằng đó chỉ là một phần nhỏ mà thôi. "Mình nhìn bố mình không giống họ thì mình tin, nhiều người cũng sẽ giống bố mình. Với lại, chính bản thân mình cũng nhận thấy gia đình mình rất khó khăn từ chính công việc của bố nên mình càng thêm yêu quý ngành này". 

V. Hà - Đậu Dung - Quỳnh Nga (thực hiện)
.
.
.