Lo âu mùa lễ hội
- Một lễ hội đậm chất văn hóa
- Nhiều nét mới tại lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016
- Có một lễ hội mang đậm tính hào sảng của người dân Nam Bộ
- Vì một mùa lễ hội chùa Hương an toàn
Rất nhiều vấn đề liên quan đến lễ hội được cho là bất cập, cần nhìn nhận và chấn chỉnh để đẹp hơn trong lòng du khách, như chuyện mê tín dị đoan nơi cửa đền cửa chùa, nạn trộm cắp trong lễ hội, nạn chặt chém du khách thông qua các dịch vụ kém về chất lượng và đắt đỏ về giá cả. Thậm chí cả vấn đề ô nhiễm môi trường cũng rất đang báo động, bởi ý thức của người tham gia lễ hội còn kém...
Tất cả những vấn đề đó thực sự đang trở thành một nỗi lo, không chỉ với các nhà quản lý văn hóa, mà còn đối với mỗi người tham gia lễ hội. Văn hóa lễ hội chỉ có thể được xây dựng khi có đồng bộ các giải pháp từ thiết chế văn hóa đến thái độ ứng xử, ý thức của người dân và cả các chế tài phù hợp. Để mỗi dịp xuân về, người người nô nức trẩy hội mà không còn phải đối mặt với những âu lo thường trực nữa.
Môi trường kêu cứu
Mùa lễ hội là niềm vui của người dân nhưng là mùa lo lắng của những người quan tâm đến các di sản văn hóa. Bên cạnh nhiều vấn nạn như trộm cắp, mê tín dị đoan, cờ bạc, chặt chém, thì việc tàn phá môi trường do ý thức kém của người đi hội cũng là một vấn đề nhức nhối. Nếu ai quan tâm vấn đề môi trường, chỉ cần để dành thời gian đi hội vào khoảng đầu tháng Tư, khi mùa lễ hội đã tàn, sẽ cảm nhận sự phá hủy môi trường nghiêm trọng xung quanh các thắng cảnh chùa đền miếu mạo, các di tích lịch sử quốc gia đã được xếp hạng ở mức độ nào.
Theo thống kê của BQL chùa Hương, lễ hội thường kéo dài trong 3 tháng với khoảng 1,5 triệu lượt khách/năm, thải ra khoảng 135 - 150 tấn rác thải/năm. Trung bình lượng rác thải của khách du lịch là 3 - 4 tấn/ngày đêm, vào những ngày cao điểm có thể lên tới 7,5 tấn/ngày. Lượng rác thải khổng lồ này phần lớn chưa được xử lý mà để tồn đọng tập kết chủ yếu tại các tuyến chính như Bến Yến, Thiên Trù và Hương Tích. Lượng chất thải rắn gồm các chất hữu cơ (đồ ăn của khách du lịch, hoa, giấy gói...) và chủ yếu là các chất vô cơ khó phân hủy (nilon, cao su, thủy tinh).
Khu di tích đền Hùng lượng khách du lịch thường chỉ tập trung đông vào các ngày lễ hội, chiếm tới 90% lượng khách đến tham quan của cả năm. Số liệu từ Ban Quản lý di tích cho hay, vào những tháng lễ hội đầu năm có khoảng 45 vạn du khách, lượng rác thải ước tính 90.000kg/tháng. Ngày cao điểm lên tới 60m3 rác/ngày, chưa kể đến lượng lá cây rụng. Khu trung tâm lễ hội vào những tháng bình thường có khoảng 5.000-6.000 du khách thải ra khoảng 900-1.200kg rác/ tháng..
Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng xảy ra ở Yên Tử. Cho dù những năm gần đây, Quảng Ninh đã nỗ lực rất nhiều để nâng cao ý thức của người đi lễ hội, đầu tư hệ thống thu gom và xử lý rác thải tốt hơn, nhưng theo thống kê, mỗi năm Yên Tử đón khoảng 1,5 triệu lượt khách. Số lượng rác thải ra mỗi ngày hơn 50m3. Ước tính chỉ trong mùa lễ hội, Yên Tử đã phải hứng chịu một lượng rác thải khổng lồ. Đây là chưa kể đến chất thải do con người thải ra cần xử lý hợp vệ sinh. Ban Quản lý di tích cho biết, trung bình lượng khách tiếp đón vào ngày thường (trong mùa lễ hội) đã vượt quá ngưỡng cho phép gấp nhiều lần (sức chứa cho phép) của khu di tích.
Ngoài những điểm di tích lớn diễn ra lễ hội, thì những điểm di tích nhỏ hơn khắp trong Nam ngoài Bắc cũng phải gồng mình gánh chịu những lượng rác thải cực kỳ lớn. Vấn đề là việc thu gom, xử lý rác thải ở nhiều điểm chưa tốt, chưa đạt chuẩn, dẫn đến những hệ lụy cực kỳ xấu đối với môi trường xung quanh. Hiện tượng sông suối ô nhiễm vì rác thải xung quanh các di tích không còn là hiếm hoi.
Ngoài rác thải, những hệ lụy khác liên quan đến môi trường xung quanh mùa lễ hội còn có thể kể đến như việc ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí do bụi và khí thải cũng rất đáng báo động. Những điểm lễ hội như Đền Trần, Chùa Hương, Yên Tử, Đền Hùng đón hàng ngàn, chục ngàn phương tiện giao thông đi lại mỗi ngày, thải ra một lượng khí thải rất lớn, không tốt cho môi trường xung quanh. Việc đốt hương, vàng mã tràn lan dễ gây cháy nổ và ô nhiễm không khí cũng rất đáng báo động.
Một vấn đề nữa liên quan chặt chẽ đến ý thức người đi lễ hội, là sự tàn phá của chính họ, như việc bẻ cây, chặt cây, lùng mua các sản vật thiên nhiên hoang dã như thú rừng, chim rừng dẫn dến cạn kiệt, tuyệt chủng nhiều loại thú hoang dã. Các nhà hàng bán thịt thú rừng mọc lên như nấm sau mưa tại các điểm lễ hội đầu năm. Người ta đi hội và sẵn sàng viết vẽ, khắc lên đá, lên cây, xả rác lung tung, phóng uế bừa bãi, giẫm đạp lên hoa cỏ... đã là chuyện thường ngày.
Thiết nghĩ nếu không có những chế tài đủ mạnh, cùng với các biện pháp đồng bộ hợp lý của các cơ quan chức năng, của chính quyền từng địa phương, thì môi trường thiên nhiên sẽ ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng hơn, sau mỗi mùa lễ hội. Thực sự là rất nhiều di tích lịch sử đang kêu cứu vì nạn ô nhiễm môi trường, do ý thức kém cỏi của con người gây ra.
Lễ hội chùa Hương. |
Ám ảnh nạn "chặt chém" du khách
"Chặt chém" du khách không cần phải bàn, từ lâu đã là quốc nạn của ta, một vấn đề đau đầu nhức óc với những người làm du lịch. Mùa lễ hội đã đến, "chặt chém" vẫn luôn là nối lo ngay ngáy với bất kỳ ai có mong muốn tham gia du xuân, tham gia vào các lễ hội văn hóa cổ truyền. Gì chứ chuyện đến các di tích thắng cảnh mà phải gửi xe ôtô với giá "cắt cổ" một vài trăm ngàn cho một chiếc xe cũng chẳng phải chuyện hiếm. Xe máy thì cũng tròm trèm mười ngàn đến 20 ngàn thậm chí 50 ngàn một chiếc là chuyện "thường tình ở huyện".
Ăn uống dịch vụ tại các điểm lễ hội thì giá còn ngất ngưởng trên trời nữa. Bát phở trăm ngàn, tô bún hay đĩa rau vài trăm ngàn chẳng có gì lạ. Người đi lễ hội có kinh nghiệm bây giờ thường rỉ tai nhau, chịu khó mang đồ ăn thức uống theo, cơm nắm muối vừng lúc đói bụng là chén, chứ cả đoàn đi mà nhỡ đói lòng ghé vào quán mỗi người làm tô phở tiết kiệm cả bánh lẫn nước, lúc ra cũng vài triệu đi toi, chả khác nào bị móc túi.
Chị Lương Thu Hương, một nhân viên ngân hàng kể cho chúng tôi nghe, năm ngoái chị đi chùa Hương. Xe ôtô gửi người ta bảo ba chục ngàn một xe, thấy yên tâm quá, mang vào gửi. Lúc chiều ra lấy xe, tính tiền, người ta bảo 30 ngàn cho một giờ gửi. Chị gửi 6 tiếng vị chi là 180 ngàn đồng. Cay đắng nhưng vẫn phải móc hầu bao chi trả. Lúc lên chùa khát nước, hỏi đến nước uống loại gì cũng giá cả như trên cung trăng. Ngay cả chuyện đi vệ sinh, giá cũng "chát" gấp mấy lần ở các điểm công cộng thành phố.
Lễ hội Yên Tử. |
Chặt chém du khách đã trở thành một nỗi ám ảnh thật sự với người đi chơi, đi du lịch, đi lễ hội. Ở nhiều nơi, chính quyền cho phép các cá nhân thầu bãi gửi xe. Và người ta tùy tiện nâng giá gửi xe lên cao chót vót. Du khách đã đến điểm lễ hội rồi, không lẽ lại không gửi xe. Các quán ăn, nhà hàng tại các điểm du lịch thì thường không mấy chịu khó nâng cao chất lượng phục vụ, mà chỉ tích cực nâng giá, bớt xén của khách. Mỗi chai nước, bát phở, bát mì tôm thường có giá gấp đôi, gấp năm, thậm chí gấp chục lần giá bình thường.
Bà Lê Thị Hoa ở quận Hà Đông chia sẻ: "Tôi rất sợ cái cách những người kinh doanh bắt chẹt du khách ở các điểm lễ hội. Thành ra vào đâu là tôi phải hỏi giá ngay, chứ dùng xong đứng lên thanh toán tiền người ta nói vống lên, mình không trả được thì lại có bảo kê ra đòi sợ lắm".
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi các địa phương nơi tổ chức lễ hội phải giải quyết dứt điểm nạn "chặt chém" du khách. Một số địa phương cũng rốt ráo vào cuộc, nhưng hiệu quả chưa cao vì thiếu chế tài xử phạt nghiêm minh. Đội ngũ những người giám sát lại mỏng, nên khi có cơ hội là người kinh doanh vẫn tìm cách "chặt chém" như thường. Một vài địa phương đã công khai số điện thoại đường dây nóng, để du khách có thể gọi tới bất cứ lúc nào, thông báo về địa điểm mà họ bị "chặt chém" bất công. Các giải pháp đều chưa phát huy hiệu quả cao, vì thiếu tính đồng bộ thống nhất từ trên xuống dưới. Thành ra nỗi lo sợ bị chặt chém mùa lễ hội vẫn luôn ngay ngáy trong lòng du khách mỗi dịp tết đến xuân về.
Lễ hội đền Hùng. |
Việt Nam là đất nước hấp dẫn về du lịch, vì có nhiều kỳ quan thế giới, nhiều thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lễ hội đa dạng màu sắc văn hóa. Số lượng khách du lịch đến nước ta hàng năm luôn tăng cao, nhưng số lượng khách quay trở lại lần thứ 2, thứ 3 thì ít, vì người ta chưa cảm tình nhiều với chất lượng dịch vụ của mình, nhất là nạn "chặt chém". Giá vé cao ngất ngưởng, các dịch vụ kém về chất lượng lại đắt đỏ là những điểm trừ trong lòng du khách.
Muốn thay đổi hình ảnh xấu này, thì phải trông đợi vào ý thức của mỗi người dân, của các cấp chính quyền địa phương, của cả ngành văn hóa. Phải xem nạn "chặt chém" du khách là hiện tượng cần phải loại trừ ra khỏi văn hóa du lịch, văn hóa lễ hội. Loại trừ không thể bằng cách nói suông, mà phải bằng chế tài đủ sức răn đe. Làm sao để mỗi khi mùa lễ hội đến, "chặt chém" không còn là câu chuyện đến hẹn lại lên, trở thành một thứ văn hóa đáng xấu hổ của người Việt trong lòng người Việt và trong lòng du khách quốc tế.
GS Nguyễn Hùng Vĩ "Đến lễ hội là đối diện với quá khứ"
GS Nguyễn Hùng Vĩ. |
- Thưa Giáo sư (GS), lễ hội là một phần của đời sống cộng đồng trong những ngày đầu xuân năm mới. Rất nhiều người tham gia vào các lễ hội nhưng chưa hẳn đã hiểu hết ý nghĩa của lễ hội. Vậy đầu tiên xin ông có thể nói rõ cùng độc giả một vài ý nghĩa quan trọng nhất của các lễ hội đầu năm?
+ Tôi nghĩ rằng, không phải ai tham gia vào một lễ hội cũng bắt buộc phải hiểu hết ý nghĩa của lễ hội đó. Trên khắp thế giới này đều như vậy. Ai mà có thể hiểu hết kinh sách cũng như các lễ hội tôn giáo được. Lễ hội là gì vậy? Và điều gì là quan trọng nhất trong một lễ hội vậy? Theo tôi, chúng ta nên hiểu rằng, lễ hội là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng mà ở đó, tuỳ tâm từng người, người ta tham gia vào một sinh hoạt chung để: Đối diện với lòng mình, đối diện với quá khứ, đối diện với đối tác, đối diện với kỳ vọng... Và rồi, con người ta, trong các đối diện đó, sống nghĩa tình với nhau hơn, sống tử tế hơn, sống nhân văn hơn. Còn hiểu biết về một lễ hội cụ thể như ý nghĩa nó ra sao, thờ ông thần nào, tổ chức như thế nào thì thực ra cũng chỉ quan trong với các nhà nghiên cứu văn hóa thôi, chứ với người dân quan trọng nhất lại là việc qua lễ hội mà giao lưu, ứng xử, sống với nhau tốt như thế nào. Hiểu ý nghĩa lễ hội là tốt, nhưng một nụ cười chào nhau, một lời mời về nhà nhau chung vui ngày hội... còn tốt hơn nhiều.
- Những năm gần đây người ta nói nhiều về những bất cập trong tổ chức lễ hội, những biến tướng của nó do tác động của đời sống kinh tế thị trường. Xin hỏi, theo GS, những biến tướng nào là đáng lo ngại nhất trong các lễ hội hiện nay?
+ Tôi cho rằng, biến tướng đáng lo ngại nhất trong lễ hội hiện nay, là người ta không còn niềm tin thực tế nào, niềm tin khoa học cũng mất, nên mê tín vào việc cầu cúng trong lễ hội. Nói khác đi, mê tín và lợi dụng mê tín là điều đáng lo ngại nhất trong các kiểu lễ hội hiện nay ở Việt Nam. Buôn thần bán thánh là tệ nạn cần loại bỏ khỏi đời sống lễ hội. Tính nhân văn, tính khoa học, tính nghệ thuật... là những điều mà theo tôi rất cần khuyến khích trong lễ hội.
- Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, thì tâm thế của người đi lễ hội cũng đã có nhiều thay đổi. GS có thể so sánh tâm thế tham gia lễ hội của người Việt hôm nay với người Việt trong quá khứ?
+Chắc chắn một điều rằng, sự thay đổi của xã hội qua mỗi thời kỳ lịch sử sẽ kéo theo những thay đổi trong văn hóa, trong suy nghĩ, trong tư duy, và tâm thế con người. Lễ hội là những giá trị thuôc về văn hóa từ bao đời cha ông để lại. Nhưng sự thay đổi của nó là tất yếu, để phù hợp với nhu cầu đời sống của nhân dân hôm nay. Có nhiều người tư duy nệ cổ thường hay phàn nàn rằng chúng ta đang làm méo mó nhiều giá trị cũ, làm hỏng nhiều lễ hội trong quá khứ. Tôi nghĩ cần phải bàn lại về câu chuyện này. Theo tôi, quá khứ là tốt đẹp, nhưng cũng có những cái từ quá khứ ngăn cản sự phát triển và thực sự không còn cần thiết trong đời sống hiện đại. Lễ hội trong quá khứ cũng vậy, cũng ẩn chứa những điều mê tín dị đoan, tích luỹ không ít sự lạc hậu, bảo thủ. Việc phải khác đi là đương nhiên, chứ đừng khăng khăng nghĩ rằng quá khứ là màu hồng. Tâm thế của người đi lễ hội thế nào nó sẽ thể hiện chính trong các hoạt động của lễ hội. Theo tôi nghĩ, trong quá trình phát triển của lễ hội, có cái được và chưa được, nhưng cùng với thời gian, cái tốt sẽ được giữ lại và cái chưa phù hợp sẽ mất đi. Phần lớn người Việt đang phấn đấu cho một nhân phẩm Việt ngang tầm những xã hội văn minh nhất. Thời nào cũng vậy thôi, người ta đến với lễ hội, cơ bản vẫn là để gặp gỡ, giao tiếp, chiêm bái các giá trị văn hóa tâm linhh. Và những kẻ buôn thần bán thánh thì thời nào cũng có.
- Cho dù lễ hội được truyền thông kêu ca là nhiều, là lãng phí, nhưng số lượng người đến với các lễ hội hàng năm vẫn không ngừng tăng lên. Cảnh chen chúc xô đẩy, chen lấn diễn ra ngay từ những lễ hội đầu tiên của ngày đầu năm mới. Theo ông, người ta đi lễ hội hôm nay là "theo phong trào", a dua, hay họ đang thiếu niềm tin và phải cần đến thánh thần nhiều hơn, như một số người nhận định?
+ Tôi cho rằng, số lượng người tăng lên trong các lễ hội là con số định lượng chứ chưa chắc đã định tính. Tôi sẽ mừng nếu số lượng người tăng lên khi đến Nhà hát Lớn, chiếm lĩnh thơ ca, âm nhạc, hội họa, khoa học... Đông người đến lễ hội thì cũng vui, nhưng có lẽ đấy chỉ là nhu cầu du xuân khi người ta no đủ về vật chất hơn, có phương tiện cá nhân nhiều hơn. Còn tăng số lượng những người mê tín dị đoan đến lễ hội thì tôi nghĩ đó là "đại họa" cho một dân tộc. Đó là dấu hiệu của một văn hoá thiếu niềm tin.
- Để các lễ hội trở nên văn minh, văn hóa hơn, thực sự là chốn tâm linh thiêng liêng trong lòng du khách, thì theo GS, ngành văn hóa, chính quyền địa phương và mỗi người dân khi tham gia vào lễ hội cần phải làm gì?
+Trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa, trách nhiệm của chúng ta, những trí thức của cộng đồng, của dân tộc là vô cùng lớn. Đến với mỗi một lễ hội, cảm nhận những giá trị văn hóa cổ truyền của cha ông để lại từ xa xưa, mỗi người phải tự thấy rằng, mình còn nợ bố mẹ mình, nợ dân tộc mình, nợ nhân dân mình... nhiều điều lắm. Phải có ý thức "trả nợ" cho cộng đồng bằng những đóng góp thiết thực nhất. Các lễ hội phải được tổ chức với một ý thức chung, đồng lòng từ các cấp chính quyền đến từng người dân. Làm sao để nó phải trở thành một ngày hội tôn vinh văn hóa, con người đến đó và trở về để thêm yêu người, yêu đời, chứ không phải để tham gia những trò chơi đỏ đen, hay mê tín, mua thần bán thánh, chặt chém bằng các dịch vụ mang nặng tính thị trường.
- Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!