Lịch sử thị trường chứng khoán:

Từ quán cà phê đến sàn giao dịch

Thứ Hai, 19/12/2016, 13:31
Bỉ tự hào là nước có sàn chứng khoán đầu tiên, từ năm 1531 ở Antwerp. Các nhà môi giới và người cho vay gặp nhau ở đó để trao đổi nợ doanh nghiệp, chính phủ và thậm chí nợ cá nhân.

Có thể nói, thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay chính là tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu. Thời bùng nổ cũng như suy thoái, TTCK luôn là tâm điểm chú ý. Báo chí nói chung cũng như các ấn bản về tài chính nói riêng tràn ngập tiêu đề về Dow Jones, S&P 500, NASDAQ, chứng khoán đi lên, chứng khoán đảo chiều, bán, mua... Nhưng dĩ nhiên, TTCK không phải từ trên trời rơi xuống, mà cũng có quá trình sinh ra, lớn lên và trưởng thành hẳn hoi.

Khi nói về TTCK, người ta thường nghĩ ngay đến Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Đó là nơi tập trung các đại công ty và những cuộc đấu lớn. Từ góc độ doanh nghiệp, bất cứ công ty nào liệt kê ở đó đều là những tên tuổi,  và thật khó tưởng tượng đến lúc nào đó NYSE lại không đồng nghĩa với đầu tư. Tuy nhiên, sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên không phải là NYSE, thậm chí nó chẳng phải ở châu Mỹ.

Những thương gia Venice

Những người cho vay ở châu Âu lấp vào những khoảng trống quan trọng các ngân hàng bỏ sót. Họ giao dịch nợ với nhau; một người cho vay muốn từ bỏ một món nợ lãi suất cao nhưng rủi ro lớn có thể trao đổi nó lấy một khoản vay khác nhau với người cho vay khác. Những người cho vay này cũng mua các món nợ của chính phủ.

Cùng với sự phát triển của hoạt động này, dần dần những người cho vay bắt đầu bán các phát hành nợ cho khách hàng - các nhà đầu tư cá nhân đầu tiên.

Vào những năm 1300, các thương nhân Venice là những người dẫn đầu trong lĩnh vực này và là những người đầu tiên kinh doanh chứng khoán của các chính phủ khác. Họ mang những tấm biển chứa thông tin về các vấn đề khác nhau để bán và gặp gỡ với khách hàng, giống như một nhà môi giới hiện nay.

Sàn giao dịch đầu tiên

Bỉ tự hào là nước có sàn chứng khoán đầu tiên, từ năm 1531 ở Antwerp. Các nhà môi giới và người cho vay gặp nhau ở đó để trao đổi nợ doanh nghiệp, chính phủ và thậm chí nợ cá nhân. Sẽ khá kỳ cục khi nghĩ về một sàn chứng khoán nơi các giao dịch chỉ là những lời hứa, nhưng thực tế là khi đó chưa có cổ phiếu thực sự. Có nhiều hình thức quan hệ đối tác kinh doanh tài chính tạo ra thu nhập như chứng khoán hiện nay, nhưng không có cổ phiếu chính thức được chuyển nhượng.

Trong những năm 1600, các chính phủ như Hà Lan, Anh và Pháp đã trao đặc quyền cho tất cả các công ty có cụm từ “Đông Ấn” trong tên công ty. Vào thời đỉnh điểm của chủ nghĩa đế quốc, có vẻ như tất cả mọi người đều có cổ phần trong lợi nhuận từ Đông Ấn và châu Á, ngoại trừ những người sống ở đó. Những chuyến đi biển để mang hàng hóa về từ phương Đông là cực kỳ nguy hiểm - đặc biệt do bọn cướp biển Barbary, và những rủi ro phổ biến về thời tiết và hoa tiêu yếu kém.

Để giảm nguy cơ một con tàu bị đắm và tài sản tiêu tan, các chủ tàu đã tiến hành tìm kiếm các nhà đầu tư, những người này sẽ được chia lợi nhuận đoàn tương ứng với phần vốn góp nếu các chuyến đi thành công.

Theo báo Imperial Gazetteer của Ấn Độ, các chuyến hải hành đầu tiên của Anh đến Ấn Độ Dương không thành công, tàu đắm còn tài sản cá nhân của những người đi huy động vốn bị chủ nợ tịch thu.

Công ty trách nhiệm hữu hạn

Điều đó khiến một nhóm thương nhân London lập nên một công ty vào tháng 9-1599, giới hạn trách nhiệm của mỗi thành viên theo số tiền họ đầu tư. Nếu chuyến hải hành thất bại, luật pháp chỉ có thể tịch biên số tiền trên.

Những công ty trách nhiệm hữu hạn lúc đầu thường kéo dài chỉ một chuyến đi. Sau đó, họ đã giải thể, và một công ty mới được tạo ra cho hành trình tiếp theo. Các nhà đầu tư phân tán rủi ro bằng cách đầu tư vào các dự án khác nhau cùng một lúc, do đó giảm được rủi ro kết thúc trong thảm họa.

Hình thức trách nhiệm hữu hạn đã phát huy tác dụng tốt, cho đến năm 1609, Vua James I đã cho phép nhiều công ty thương nghiệp nữa hoạt động và thúc đẩy giao thương tại các quốc gia châu Âu có bờ biển khác.

Công ty Đông Ấn Hà Lan là công ty đầu tiên cho phép người ngoài mua cổ phiếu ghi danh theo một tỷ lệ nhất định. Họ cũng là công ty đầu tiên phát hành cổ phiếu và trái phiếu ra công chúng qua Sở Giao dịch chứng khoán Amsterdam năm 1602.

Khi các công ty Đông Ấn thành lập, họ đã thay đổi cách thức kinh doanh trước đó. Những công ty này có cổ phiếu và trả cổ tức trên tất cả số tiền thu được từ tất cả các chuyến đi đã thực hiện của các công ty, thay vì chỉ tính từng chuyến từng chuyến.

Đây là những công ty cổ phần hiện đại đầu tiên. Điều này cho phép các công ty đưa ra giá cao hơn cho cổ phiếu của họ và xây dựng đội tàu lớn hơn. Tầm mức của công ty, kết hợp với điều lệ cấm cạnh tranh của hoàng gia, đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu tư.

Cà phê cổ phiếu

Bởi vì các cổ phiếu trong các công ty Đông Ấn khác nhau đã được phát hành trên giấy, các nhà đầu tư có thể bán các giấy tờ đó cho nhà đầu tư khác.

Thật không may, thời đó không hề có một sàn giao dịch chứng khoán nào, vì vậy các nhà đầu tư sẽ phải tìm đến một nhà môi giới để thực hiện một giao dịch.

Đầu tiên, cổ phiếu không được giao dịch tại một tòa nhà nào cả. Thay vào đó, cả bên môi giới lẫn nhà đầu tư gặp nhau ở các quán cà phê khắp London.

Khi ấy, nếu một công ty muốn bán cổ phiếu hay phát hành nợ, họ dán thông báo trên cửa các quán cà phê hay gửi thư tới nhà tài trợ. Đặc biệt, quán cà phê của Jonathan tại Change Alley nổi lên như một tụ điểm giao dịch chứng khoán chính tại London.

Giao dịch phi tập trung tiếp tục phát triển tại các quán cà phê London cho đến khi một đám cháy quét qua Change Alley năm 1748. Một nhóm giao dịch viên giàu có đã hiến một tòa nhà làm sở giao dịch năm 1773.

Từ đây mở ra một thời gian dài nước Anh trở thành thủ đô tài chính của thế giới. Kể cả khi đã bị Mỹ vượt qua, London vẫn là một trong những trung tâm tài chính trọng yếu.

Người ta cho rằng Sở Giao dịch chứng khoán Amsterdam mới là nơi đầu tiên cho phép giao dịch liên tục, bán khống, giao dịch quyền chọn, hoán đổi nợ-cổ phiếu, ngân hàng bán buôn, quỹ tín thác… như chúng ta biết đến hiện nay. Nhưng Sở Giao dịch chứng khoán Amsterdam không bao giờ có được ảnh hưởng trên thế giới tài chính như London hay New York.

Vụ sụp đổ thị trường đầu tiên

Công ty Đông Ấn của Anh có một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất lịch sử tài chính: sự độc quyền được chính phủ hậu thuẫn. Khi các nhà đầu tư bắt đầu nhận được những món cổ tức khổng lồ và bán cổ phần để thu tài sản, các nhà đầu tư khác cũng mong muốn nhảy vào. Sự bùng nổ tài chính vừa chớm nở ở Anh diễn ra quá nhanh đến nỗi các quy định, luật về phát hành cổ phiếu chưa kịp ra đời.

Công ty South Seas (SSC) nổi lên với sự ưu đãi của hoàng gia và nhờ cổ phiếu bán chạy như tôm tươi, cứ phát hành cổ phiếu là bán sạch ngay. Trước khi con tàu đầu tiên rời bến cảng, SSC đã sử dụng tài sản nhà đầu tư mới để mở những văn phòng sang trọng tại những địa điểm danh giá nhất London.

Được cổ vũ bởi thành công của SSC và nhận ra rằng công ty này không làm điều gì khác ngoại trừ phát hành cổ phiếu, các "doanh nhân" khác cũng đua nhau phát hành cổ phiếu mới cho các công ty của họ, không căn cứ vào tiềm lực và khả năng sinh lợi thật sự của công ty, gọi nôm na là phát hành cổ phiếu khống. Và đáng nói là tất cả đều được bán hết.

Và điều gì phải đến đã đến, bong bóng vỡ khi SSC không trả được bất kỳ cổ tức nào do lợi nhuận ít ỏi của họ, làm nổi bật sự khác biệt giữa việc phát hành những cổ phiếu mới này và Công ty Đông Ấn của Anh. Những vụ sụp đổ sau đó buộc chính phủ phải cấm phát hành cổ phiếu - lệnh cấm có hiệu lực mãi đến năm 1825.

(Còn tiếp)

Vĩnh Ðông

.
.
.