Những cái bẫy trên sàn chứng khoán

Thứ Bảy, 22/03/2008, 16:09

Một số nhân viên chứng khoán thường lợi dụng tài khoản của những NĐT tư a-ma-tơ để làm lợi cho cá nhân họ. Khi cần tiền đầu tư cho một thương vụ của họ mà họ tin là có lãi nhưng lại không đủ vốn để giao dịch, họ sẽ mượn tạm tiền trong tài khoản của NĐT để thanh toán. Kết thúc thương vụ, sau khi đút túi tiền lãi xong, họ lại “cá hồi” vốn cho NĐT bằng cách trả tiền vào tài khoản cho NĐT...

Trong một cuộc trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, Đại tá Phạm Hỗ - Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam - nhận định rằng, hễ trên thế giới có loại tội phạm gì thì chỉ một thời gian sau, ở Việt Nam cũng xuất hiện loại tội phạm đó.

Tội phạm chứng khoán cũng không nằm ngoài quy luật này.

Chỉ ít lâu sau khi thị trường chứng khoán ở Việt Nam bắt đầu hình thành thì những hành vi vi phạm có liên quan đến chứng khoán cũng bắt đầu xuất hiện. Nếu trước kia xem ra còn có vẻ xa lạ, ở mãi phố Wall bên Mỹ hay ở tận xứ sở sương mù London, thì bây giờ nó đã, đang hiển hiện ngay ở bên chúng ta.

Bài viết này sẽ cung cấp tới bạn đọc một số cái bẫy trên sàn chứng khoán, một thị trường đem lại nhiều lợi nhuận nhưng cũng đầy rẫy rủi ro, xem như một bài học cảnh giác cho các nhà đầu tư.

Khi nhân viên chứng khoán trở thành "ảo thuật gia"

Nhà đầu tư (NĐT) này là một nhân viên kinh doanh. Anh chơi chứng khoán theo kiểu a-ma-tơ nên ít khi giao dịch. Anh thường xuyên phải đi công tác xa nên mọi giao dịch trên sàn chứng khoán anh trông tất vào một nhân viên của công ty. Nói một cách nôm na là NĐT chỉ hạ lệnh mua hoặc bán và OK về giá, còn tất cả các khâu còn lại như đặt lệnh, thanh toán... đều do nhân viên công ty chứng khoán làm hộ.

Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng ban Pháp luật Hiệp hội Ngân hàng - gọi đây là việc đưa túi tiền của mình cho người khác giữ, tức là NĐT đã đưa tài khoản của mình cho nhân viên công ty chứng khoán trông coi, quản lý hộ. Và, vì thế, theo LS Triển thì đã và sẽ còn xảy ra những rủi ro mà người phải gánh chịu thiệt thòi không ai khác chính là các NĐT.

Trở lại câu chuyện của NĐT nói trên. Một hôm anh tình cờ check lại tài khoản của mình và tá hỏa khi thấy đã bị mất đi một số tiền rất lớn. Hốt hoảng anh gọi điện cho nhân viên công ty chứng khoán - người bấy lâu vẫn giữ hộ túi tiền cho anh - thì nhân viên này cười hềnh hệch: "Bác yên tâm, lát nữa bác check lại sẽ thấy túi tiền lại đầy như cũ cho mà xem".

NĐT này kể, chừng 20 phút sau, anh check lại tài khoản thì quả thực là như vậy... Sau cú sợ mất mật ấy, bỏ công tìm hiểu anh mới biết đó là trò ảo thuật của một số nhân viên chứng khoán. Họ thường lợi dụng tài khoản của những nhà đầu tư a-ma-tơ như anh để làm lợi cho cá nhân họ.

Khi cần tiền đầu tư cho một thương vụ của họ mà họ tin là có lãi nhưng lại không đủ vốn để giao dịch, họ sẽ mượn tạm tiền trong tài khoản của NĐT để thanh toán. Kết thúc thương vụ, sau khi đút túi tiền lãi xong, họ lại “cá hồi” vốn cho NĐT bằng cách trả tiền vào tài khoản cho NĐT, như câu chuyện kể trên.

Nhưng, theo LS Trần Đình Triển thì đó vẫn là một kết thúc có hậu cho một câu chuyện đầy hoảng hốt. Bởi, không ai dám chắc rằng sẽ không xảy ra một kết cục xấu hơn là tài sản của NĐT không được hồi lại mà bị mất trắng.

Trả lời phỏng vấn báo chí, đại diện của một công ty chứng khoán từng khẳng định, trong những trường hợp như vậy, việc NĐT bị mất tiền, thậm chí mất tài khoản là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy rằng, muốn chiếm dụng được tài khoản của NĐT, phải có sự liên kết của một số bộ phận trong công ty chứng khoán nhưng điều đó không có nghia là không thể thực hiện được. Nhất là hiện nay mới chỉ có một số công ty chứng khoán tiến hành gửi bản sao kê giao dịch cho khách hàng, trong khi không phải tất cả các NĐT đều có điều kiện và có ý thức thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình.

Vì thế, khi nhân viên chứng khoán không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, làm các trò ảo thuật như trường hợp đã nêu ở phần đầu bài viết này thì NĐT sẽ còn bị lạm dụng tài khoản, thậm chí còn có thể bị mất trắng tiền trong tài khoản mà không hề hay biết hoặc chỉ biết khi mọi sự đã rồi.

Mất an toàn mạng: NĐT có thể mất tiền

Vào thời điểm cuối năm 2006 đầu năm 2007 khi thị trường chứng khoán bắt đầu nóng ở Việt Nam, Trung tâm An ninh mạng thuộc Trường đại học Bách khoa Hà Nội (BKIS) đã tiến hành một cuộc khảo sát về sự an toàn mạng máy tính của các công ty chứng khoán Việt Nam. Kết quả, có tới quá nửa trong số đó hệ thống mạng chưa an toàn.

Từ trái qua: Lâm Thu Hương, Lý Thị Trúc Quỳnh, Nguyễn Hoàng Tuấn.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc BKIS cho biết: “Đó là chúng tôi mới khảo sát từ bên ngoài chứ nếu khảo sát chính bên trong hệ thống thì độ mất an toàn chắc còn nhiều hơn".

Trả lời câu hỏi của PV ANTG về hậu quả sẽ ra sao nếu mạng của các công ty chứng khoán chưa an toàn, ông Nguyễn Tử Quảng khẳng định, hậu quả dễ thấy nhất là qua các lỗ hổng hacker rất có thể đột nhập vào, làm thay đổi thông tin mà thực tế đã chứng minh rằng chỉ cần thay đổi một số liệu thì thiệt hại có thể lên tới cả tỉ đồng.

Thiệt hại này, có thể thuộc về các công ty chứng khoán nhưng cũng có thể thuộc về NĐT nhất là trong điều kiện môi trường pháp lý cho các giao dịch về điện tử còn chưa hoàn thiện thì khi có rủi ro xảy ra phần thiệt hại sẽ nghiêng về phía NĐT nhiều hơn.

Nhưng điều đáng lo ngại hơn, theo ông Nguyễn Tử Quảng, đó là sự thờ ơ của không ít công ty chứng khoán trước những cảnh báo về an toàn mạng. Cuộc khảo sát của BKIS tiến hành vào tháng 3/2007 và ngay sau đó BKIS đã gửi thư cảnh báo đối với các công ty chứng khoán có hệ thống mạng chưa đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tử Quảng cho biết, cũng chỉ có một số công ty chứng khoán lớn, có uy tín là quan tâm khắc phục. Còn lại thì không quan tâm mà bằng chứng là sau khi gửi thư cảnh báo, kiểm tra lại BKIS thấy những lỗ hổng vẫn còn.

Cũng theo ông Quảng, kể từ tháng 3/2007 đến nay, BKIS chưa tiến hành khảo sát tiếp trong khi đó thì hàng loạt các công ty chứng khoán mới lại tiếp tục ra đời và không ai dám chắc rằng, không có những lỗ hổng tương tự trong hệ thống mạng của họ...

Mua bán "vịt giời" trên thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán không chỉ gồm những giao dịch trên sàn mà còn có một thứ giao dịch khác theo lối... rỉ tai. Và, đây chính là đất sống của những "chú cuội" rao bán cổ phiếu "vịt giời". Cho đến nay, chỉ riêng tại Hà Nội đã có ít nhất 3 vụ lừa đảo với số lượng lớn bằng hình thức mua bán cổ phiếu bị phát hiện và bắt giữ. Đó là chưa kể hàng loạt vụ khác mà vì nhiều lý do người bị hại không trình báo.

Theo PC15 Công an Hà Nội thì thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo đều giống nhau, đó là rao bán cổ phiếu của các tổng công ty, tập đoàn có uy tín trên thị trường chứng khoán với giá hời. Thủ đoạn này không quá tinh vi nhưng vì hám lợi mà các NĐT đã tự cho chân vào bẫy.

Điển hình nhất là vụ Lý Thị Trúc Quỳnh, nguyên Trưởng phòng của Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, Hà Nội. Quỳnh được nhiều NĐT biết đến như một đại gia cổ phiếu trên trị trường chứng khoán khi tự quảng cáo rằng, trong tay sở hữu hàng loạt cổ phiếu có giá.

Cuối năm 2005, lợi dụng việc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (viết tắt là VCB) chuẩn bị phát hành trái phiếu tăng vốn điều lệ, Lý Thị Trúc Quỳnh rỉ tai một số người quen rằng, Quỳnh có nguồn mua 4 tỉ đồng tiền trái phiếu VCB với giá ưu đãi, chỉ bằng 80% mệnh giá.

Ham lời, chị Q. và anh D., nhân viên của một công ty tại Hà Nội sau khi tham khảo ý kiến nhiều người đã thu gom được hơn 9 tỉ đồng để chuyển cho Quỳnh mua lô trái phiếu này.

Thấy bắt được con mồi béo, Quỳnh lại tiếp tục thông báo với chị Q. và anh D. rằng, trong tay còn có lô cổ phiếu trị giá 11 tỉ đồng của Ngân hàng Phương Nam (PNB), bán với giá gốc. Chị Q. và anh D. lại tiếp tục gom 12,7 tỉ đồng nữa giao cho Quỳnh.

Chưa đầy một tháng sau, Quỳnh vẫn tiếp tục giở chiêu bài cũ, lại rỉ tai với chị Q. và anh D. mời chào mua một lô cổ phiếu mệnh giá 5 tỉ đồng của Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội (HBB) với giá rẻ, và cũng giống như hai lần trước "con mồi" lại sập bẫy.

Sau này, khi bị bắt tạm giam về hành vi lừa đảo, Lý Thị Trúc Quỳnh mới thú nhận rằng, thực ra, Quỳnh không phải là đại gia cổ phiếu như mọi người lầm tưởng. Quỳnh cũng chả đào đâu ra cổ phiếu của VCB, của HBB... mà rao bán. Việc bán cổ phiếu của Quỳnh chỉ giống như bán đàn vịt trên trời như trong truyện cười dân gian ngày xưa mà thôi!

Một "chú cuội" khác trên thị trường chứng khoán cũng đã bị Công an Hà Nội bắt giữ cách đây ít lâu là Nguyễn Hoàng Tuấn ở Đại La, Đồng Tâm, Hà Nội. Tuấn là kiến trúc sư tự do, nhưng khi làm quen với chị Hà, một người làm nghề môi giới chứng khoán thì Tuấn lại khoe khoang rằng là cán bộ của Vinaconex, một công ty có cổ phiếu nóng trên thị trường.

Tuấn nói với chị Hà rằng, vị trưởng phòng của anh ta đang cần bán 2 lô cổ phiếu tổng cộng là 65.000 cổ phiếu của Vinaconex với mức giá hời. Chị Hà đồng ý mua và đặt cọc cho Tuấn 250 triệu đồng.

Thấy dễ ăn, Tuấn lại hẹn chị Hà ra quán cà phê Mai ở phố Nguyễn Du và bảo chị Thu, kế toán ở công ty đang muốn bán một lô gồm 12.000 cổ phiếu. Lần này, cũng giống như lần trước, mức giá Tuấn rao là khá dễ chịu. Thế nên, chị Hà lại đồng ý mua và đặt cọc tiếp cho Tuấn 100 triệu đồng nữa.

Tuấn hẹn chị Hà đến ngày 17/10 sẽ giúp chị hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng cả 3 lô cổ phiếu này. Nhưng sau khi nhận tiền, anh ta thay đổi điện thoại và bặt tăm luôn...

Sau khi Tuấn bị công an bắt giữ, chị Hà mới tá hỏa khi biết rằng, thật ra Tuấn không phải là cán bộ của Vinaconex và Tuấn cũng chả có một tờ cổ phiếu nào. Thiếu tiền tiêu xài thì Tuấn bịa ra như vậy để lừa chị Hà lấy tiền mà thôi!

Vừa rồi, Phòng PC14 Công an Hà Nội bắt giam Tường Duy Lập, lái xe cho Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nhân lực và thương mại thuộc Vinaconex. Khác với Tuấn, Lập là nhân viên của Vinaconex thật, nhưng không hề có 18.000 cổ phiếu như Lập rao bán.

Do ham mê cờ bạc dẫn đến nợ nần chồng chất, không có tiền thanh toán, lại thấy cổ phiếu của Vinaconex được nhiều người quan tâm nên Lập đã tung tin này để lừa đảo kiếm tiền trang trải nợ nần. Và, thế là rất nhiều người đã mắc bẫy lừa đảo của Lập. Thông tin ban đầu từ Cơ quan điều tra cho biết Lập đã chiếm đoạt khoảng gần 700 triệu đồng của những người đặt mua cổ phiếu.

Trên thị trường chứng khoán ngoài các thủ đoạn lừa bán “vịt giời” như đã nêu ở trên còn có một thủ đoạn nữa khá tinh vi là mở chợ phiên cổ phiếu để bán cổ phiếu giả. Một nhóm tội phạm từ TP HCM trong đó có một đối tượng là Việt kiều Mỹ đã bị Công an TP Hải Phòng bắt giữ vì hành vi này.

Rất may là Công an Hải Phòng đã kịp thời phát hiện và bắt giữ nhóm tội phạm này một ngày trước khi chúng mở chợ chứng khoán chứ nếu không thì sẽ có vô số các NĐT bị mắc bẫy lừa đảo của chúng. Theo đánh giá của Công an Hải Phòng thì thủ đoạn của chúng là khá tinh vi.

Mặc dù không phải là cổ đông của Công ty Việt Toàn Cầu ở Nam Định nhưng sau một lần giao dịch với Công ty này, Lý Hữu Hoàng, Việt kiều Mỹ đã copy được mẫu dấu của Công ty Việt Toàn Cầu. Sau đó, Hoàng cùng với Lâm Thu Hương, giám đốc một công ty tư nhân tại TP HCM đã ra Hải Phòng thuê hẳn một biệt thự sang trọng tại khu 3 Đồ Sơn để chuẩn bị mở chợ phiên chứng khoán với mục đích bán cổ phiếu giả.

Hoàng và Hương đã thực hiện kế hoạch thuê in 300 thiệp mời, 300 quyển chứng khoán vốn V5G, 95 quyển cổ phiếu phổ thông có mệnh giá từ 100-1.000 cổ phần, mỗi quyển 100 tờ, mỗi cổ phần trị giá 10 nghìn đồng và ký các văn bản gửi cơ quan chức năng để liên hệ phục vụ cho kế hoạch tổ chức chợ phiên chứng khoán vào ngày 1/9/2006. Toàn bộ các giấy tờ đều mang tên và đóng dấu giả của Công ty Cổ phần Việt Toàn Cầu Nam Định.

Để NĐT tin là thật, Hoàng còn in ấn các công văn gửi UBND thị xã Đồ Sơn, Thủ tướng Chính phủ, hợp đồng với Trung tâm Truyền thông hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ để tổ chức chợ phiên này. Rất may là vụ lừa đảo không thành do Công an Hải Phòng sớm phát hiện và tổ chức bắt giữ bọn lừa đảo.

Những cái bẫy trên thị trường chứng khoán mà chúng tôi nêu ở trên vẫn chưa phải là hết khi mà thị trường này còn quá mới mẻ ở Việt nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại đề tài này để hy vọng sẽ giúp ích được phần nào cho các NĐT hạn chế tới mức thấp nhất các rủi ro trong hiện tại và tương lai

Đặng Huyền
.
.
.