Vòng xoáy tâm lý đè nặng sàn chứng khoán

Thứ Ba, 11/03/2008, 10:02
Phần lớn nguồn vốn của nhà đầu tư là từ vay nợ nên khi thị trường tuột dốc vài tháng liền là họ “choáng”. Việc các nhà đầu tư "ầm ầm" bán tháo là điều không tránh khỏi.

Thực tế đã chứng minh, sự trồi sụt của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý và tin đồn chứ không phải do ảnh hưởng kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Yếu tố này càng bị chi phối khi một tỷ trọng rất lớn nguồn vốn của những người tham gia vào thị trường là từ vay nợ. Nếu không vay từ các tổ chức tài chính cũng là vay từ người thân, bạn bè.

Yếu tố tâm lý đã từng làm “sốt” sàn chứng khoán vào đầu năm 2007. Nhưng cũng vì tác động tâm lý thời gian qua, sàn chứng khoán đã xuống dốc không phanh. Ảnh: Pháp luật TP HCM.

Ảnh hưởng nợ vay

Mọi chuyện sẽ ổn thỏa khi giá chứng khoán đi lên. Với khoản vay một vài tỷ đồng, áp lực trả lãi vài chục triệu đồng mỗi tháng là không đáng kể. Tuy nhiên, khi thị trường xuống dốc vài ba tháng liền thì áp lực sẽ rất lớn. Lúc này, nhà đầu tư phải tính đến chuyện bán cổ phiếu để cắt lỗ, trong khi cổ tức mà họ nhận được không thấm vào đâu so với số tiền lãi phải trả chứ chưa nói gì đến tiền gốc.

Trên thực tế, hoạt động cho vay chứng khoán sôi động nhất khi chỉ số VN-Index ở ngưỡng 1.000 điểm. Do vậy đến thời điểm hiện nay, VN-Index đã ở mức 600, các tổ chức tài chính buộc phải bán số cổ phiếu cầm cố của khách hàng vì giữ lại sẽ rất rủi ro.

Hơn thế, theo quy định, các tổ chức tín dụng không được sở hữu 11% cổ phần của một doanh nghiệp và tổng số vốn cổ phần nắm giữ không được quá 40% vốn điều lệ và các quỹ. Những khối lượng lớn cổ phiếu được chào bán trong mấy phiên giao dịch đầu tuần trước cho thấy điều này dường như đang xảy ra.

Thị trường đang bị tác động bởi yếu tố tâm lý và sụt giảm do dòng xoáy nợ vay. Vì vậy trong lúc này, đối với các nhà đầu tư, nếu tiền đầu tư là vốn tự có hay nguồn vốn dài hạn thì nên bình tĩnh cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình sao cho có lợi nhất.

Không nên vội đa dạng hóa hoạt động kinh doanh

Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động dựa vào các thế mạnh cũng như sản phẩm nòng cốt. Ví dụ khi tình hình lương thực thực phẩm đang khan hiếm trong cả nước và trên thế giới thì tiềm năng làm ra lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là rất lớn. Thêm vào đó đối với những doanh nghiệp không đa dạng sang qua nhiều lĩnh vực mà có P/E hay M/B (giá trị thị trường so với giá trị sổ sách) thấp cũng là một tiêu chí để xem xét.

Ngay cả khi các doanh nghiệp đã đa dạng các hoạt động kinh doanh nhưng các lĩnh vực được đa dạng là những ngành nghề có tiềm năng lợi nhuận, rủi ro thấp thì cũng nên xem xét.

Các cơ quan quản lý cần tác động cho thị trường trở nên minh bạch hơn, những bên liên quan có nhiều thông tin hơn để giá cổ phiếu có thể phản ánh đúng sức khỏe và tiềm năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp. Làm như vậy các nhà đầu tư mới có thể để đưa ra các quyết định dựa vào các yếu tố cơ bản thay vì dựa vào tin đồn như hiện nay.

Đối với các doanh nghiệp, việc mua lại cổ phiếu hay trả cổ tức bằng tiền mặt có thể sẽ làm các nhà đầu tư vững tâm hơn. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng giải pháp này trong lúc nguồn vốn khan hiếm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động dài hạn của doanh nghiệp.

Có lẽ bây giờ là lúc các doanh nghiệp nên xem xét lại chiến lược kinh doanh của mình để tập trung vào các hoạt động nòng cốt mà mình có lợi thế. Bằng chứng đã chỉ ra rằng sở dĩ đến nay, các nước Đông Nam Á hầu như không có những doanh nghiệp tầm cỡ như Samsung, LG một phần là do các doanh nghiệp ở các nước này đã quá vội vã trong việc đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh mà không tập trung vào các lợi thế của mình.

Tóm lại, với tình hình thị trường hiện nay, các bên tham gia sẽ có những phản ứng khác nhau nhưng điều cần nhất đối với những nhà đầu tư lúc này là cần bình tĩnh phân tích các yếu tố cơ bản nhằm đưa ra các quyết định hợp lý, tránh vòng xoáy tâm lý gây thiệt hại cho mình

Theo Huỳnh Thế Du -GV chương trình Kinh tế Fulbright (Pháp luật TP HCM)
.
.
.