Quốc hội thảo luận ở tổ dự án Luật Phòng, chống rửa tiền:

Tội phạm rửa tiền qua bất động sản, chứng khoán

Thứ Năm, 10/11/2011, 10:10
“Tội phạm buôn bán ma túy, tội phạm tham nhũng có thể vác cả bao tải tiền “ném” vào bất động sản, chứng khoán, ta có kiểm soát được không? Cho nên, cần hành lang pháp lý nhưng nếu chỉ những giải pháp qua kênh ngân hàng e rằng khó kiểm soát” ” - đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cảnh báo trong phiên thảo luận tại tổ dự án Luật Phòng, chống rửa tiền chiều 9/11.

Tham nhũng rửa tiền vào bất động sản, chứng khoán, vàng…

Nói về hiện tượng rửa tiền ở Việt Nam, đại biểu Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) cảnh báo: Nhiều giao dịch tài chính “bẩn” từ buôn bán ma túy xuyên quốc gia, chuyển tiền bất hợp pháp được rửa tiền vào Việt Nam bằng cách đầu tư, kinh doanh.

Trong nước, tình trạng trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng, sản xuất và buôn bán hàng giả, các dịch vụ đầu cơ trên thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng ngày càng gia tăng, các đối tượng được hưởng lợi cũng đã thông qua hoạt động hợp pháp gửi tiền vào kênh này.

Đại biểu Nga viện dẫn, một số phương thức chuyển tiền gửi sang các ngân hàng nước ngoài, ảnh hưởng không tốt tới nền kinh tế và môi trường đầu tư. Nếu không có biện pháp nhanh và có hiệu quả đối phó với nạn rửa tiền thì tội phạm tham nhũng gia tăng, sự vận hành trong lĩnh vực tài chính bị ảnh hưởng…

Đại biểu Quốc hội cho rằng, tội phạm rửa tiền “trú ẩn” trong bất động sản, chứng khoán, vàng… Ảnh: minh họa.

Đại biểu Châu Thị Thu Nga cũng thừa nhận, pháp luật quy định về phòng, chống rửa tiền chưa đủ mạnh. Chúng ta mới có Nghị định 74 nên chống rửa tiền là văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, nước ta còn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên đối với các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền như nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền và các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền. Do đó, nhất thiết phải hoàn thiện hệ thống về phòng, chống rửa tiền.

Thói quen sử dụng tiền mặt gây khó khăn cho việc phát hiện hành vi rửa tiền

Việc sử dụng tiền mặt lớn ở các nước đang phát triển như Việt Nam được xác định là nguyên nhân chính gây khó khăn trong phát hiện, xử lý tội phạm rửa tiền. Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Tây Ninh) lý giải, dạng tội phạm này tập trung ở những quốc gia đang phát triển, sử dụng nhiều tiền mặt như Việt Nam.

“Sử dụng nhiều tiền mặt khiến nhà nước khó quản lý lượng tiền lưu thông, trong khi tội phạm lại liên kết sử dụng tiền mặt, chuyển từ đồng tiền bất hợp pháp sang hợp pháp một cách tinh vi, phức tạp” - đại biểu Tuấn lo ngại. Theo ông, sở dĩ ở các nước kiểm soát và xử lý hành vi rửa tiền có hiệu quả do nguồn tiền đều được kiểm soát qua ngân hàng. Bất kỳ hành vi nào chuyển tiền qua ngân hàng có nghi ngờ đều được cảnh báo và cơ quan pháp luật nhanh chóng xác minh, làm rõ gốc gác và đường đi của đồng tiền nghi vấn. 

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cảnh báo: Khi ngân hàng thấy có dấu hiệu rửa tiền, nghi ngờ thì báo cơ quan chức năng, song thực ra lâu nay ta chưa phát hiện được. Rửa tiền có nhiều kênh, qua ngân hàng chỉ là một kênh.

“Các nước không sử dụng tiền mặt thì kiểu gì cũng phải qua ngân hàng, còn ở ta sử dụng lượng tiền mặt lớn, nếu chỉ áp dụng các biện pháp kiểm soát qua ngân hàng là không hiệu quả. Tội phạm buôn bán ma túy, tội phạm tham nhũng có thể vác cả bao tải tiền “ném” vào bất động sản, chứng khoán, ta có kiểm soát được không? Cho nên, cần hành lang pháp lý nhưng nếu chỉ những giải pháp qua kênh ngân hàng e rằng khó kiểm soát” - ông Đinh Xuân Thảo đề nghị. 

Cơ quan phòng, chống rửa tiền có nên đặt ở Ngân hàng Nhà nước?

Trong phát biểu tại tổ, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến cũng đề nghị làm rõ cơ quan chống rửa tiền là cơ quan nào? Các quốc gia đang tham gia chống rửa tiền, họ có hẳn lực lượng điều tra chống tội phạm tài chính rửa tiền, chẳng hạn như Mỹ, họ có cảnh sát điều tra về tài chính, rửa tiền.

Thiếu tướng cho rằng, quy định các điểm cấm trong dự thảo là chưa đủ. Giao dịch hiện nay chủ yếu kiểm soát các hành vi nghi ngờ, còn lại rất khó kiểm soát. Chúng ta quản lý tài chính như hiện nay rất khó phát hiện được rửa tiền và thực tế cũng chưa làm được. 

Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế lưu ý, Ngân hàng Nhà nước chỉ là cơ quan đầu mối, việc phòng, chống rửa tiền trong các ngành, lĩnh vực phải do các cơ quan chuyên ngành trực tiếp thực hiện.

Quy định về cơ cấu, tổ chức như trong dự thảo còn đơn giản, chưa khẳng định rõ địa vị pháp lý của cơ quan phòng, chống rửa tiền. Ủy ban Kinh tế đề nghị, dự thảo luật cần có quy định về cơ chế, biện pháp phòng chống rửa tiền áp dụng với các tổ chức tài chính, cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề tài chính liên quan.

Đại biểu Châu Thị Thu Nga đề nghị, phòng chống rửa tiền là đơn vị có địa vị pháp lý cụ thể tương đương cấp cục thuộc Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, luật không cần quy định quá chi tiết về xử lý thông tin, thu thập thông tin của cơ quan này cũng như cơ cấu tổ chức mà để Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp từng thời kỳ, nhưng phải rất cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này.

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ hơn quan điểm xây dựng luật, nhất là quan điểm về bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia, không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thảo luận ở tổ chiều qua, nhiều ý kiến không tán thành cách gộp hành vi chống rửa tiền với chống tài trợ khủng bố.

Trong phiên họp buổi sáng 9/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; Nghị quyết về chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ năm 2011-2015; chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015. Theo đó, Quốc hội đặt chỉ tiêu GDP năm 2012 tăng khoảng 6%-6,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%, nhập siêu khoảng 11%-12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Đ.Trường – K.Quý
.
.
.