Hành hung giáo viên Báo động an ninh trường học

Thứ Tư, 11/04/2018, 09:28
Chuyện “đòn roi” của thầy dành cho trò dĩ nhiên trong giáo dục hiện đại không còn phù hợp, được xem là phản khoa học. Nhưng ngay cả trong xã hội xưa, chuyện “đòn roi” của phụ huynh đối với thầy giáo luôn là chuyện lạ, là điều khó có thể xảy ra. Vì đạo lý của người Việt là “tôn sư trọng đạo”.


Cha mẹ học sinh luôn giữ một thái độ kính thầy, trọng thầy, vì thầy là người có ảnh hưởng lớn đến nhân cách của con mình trong suốt thời đi học. Nhưng nay thì mọi sự đã khác. Hàng loạt vụ cha mẹ học sinh hành hung giáo viên gần đây cho thấy đạo lý trọng thầy đang bị xem nhẹ, và an ninh trường học đang ở mức báo động.

Khi cha mẹ chọn đối đầu mà không đối thoại

Dư luận chưa hết bức xúc câu chuyện một vị phụ huynh ở Long An bắt cô giáo của con quỳ gối hơn 40 phút vì cho rằng cô đã làm việc đó tương tự với con mình, thì tiếp sau đó lại nóng chuyện phụ huynh học sinh đánh cô giáo đến sẩy thai ở Trường mầm non Việt - Lào, thành phố Vinh, Nghệ An. 

Rồi mới nhất, một giáo viên Trường mầm non Độc Lập, thành phố Thái Nguyên cũng bị bố một học sinh hành hung đến ngất xỉu phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương. Đó là những câu chuyện không chỉ làm buồn lòng những người có liên quan, mà gây một nỗi xót xa, hoang mang trong toàn xã hội. 

Những gia đình có con em đang tuổi đến trường chắc chắn sẽ gặp nhiều lo âu khi chứng kiến cách hành xử như vậy của một số phụ huynh. Bằng cách hành hung giáo viên, sử dụng bạo lực với giáo viên, một số phụ huynh đã biến trường học thành một nơi thiếu tôn nghiêm, gieo một hình ảnh xấu xí, phản cảm trong chính con em mình. 

Với những người làm giáo dục, những người thầy giáo, cô giáo, những câu chuyện vừa rồi là một sự tổn thương sâu sắc. Người ta tự hỏi, nhà trường vốn là nơi an toàn nhất, nơi chỉ có tri thức và sự đúng mực của ứng xử, từ khi nào đã trở thành nơi mất an toàn, thậm chí thành “võ đường” như vậy? Nghề giáo phải chăng đã trở thành một nghề nguy hiểm?

Vì sao các bậc cha mẹ ngày càng trở nên nóng tính, không chọn đối thoại với thầy cô, mà lại chọn đối đầu? Nhiều người đổ lỗi cho áp lực cuộc sống, cho bận rộn, cho gánh mặng mưu sinh khiến họ đã không thể kiềm chế khi gặp một vấn đề nào đó của con cái trong trường học. Nhưng bình tĩnh nhìn lại, cái áp lực cuộc sống đó chỉ là một phần. 

Ở đây, phải gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội, rằng vị thế của người thầy đang bị xem nhẹ. Xã hội chạy theo vật chất đã lái con người theo những chuẩn ứng xử khác, nảy sinh tâm lý xem nhẹ những điều vốn là thiêng liêng trong cảm thức dân tộc, trong truyền thống dân tộc.

Nữ giáo viên trường mầm non Việt- Lào ở Nghệ An bị phụ huynh đánh sảy thai phải nhập viện.

Cha của học trò bắt cô giáo quỳ để trả đũa việc cô đã phạt con mình. Mẹ của học sinh đã không tiếc lời tàn tệ mắng cô giáo, thậm chí đánh đập không tiếc tay một cô giáo trẻ đang mang thai, chỉ vì cho rằng cô đã đánh con mình, dù điều này chưa được làm rõ.

Rồi cha của học sinh bất ngờ xông vào lớp đánh cô giáo mầm mon ngất xỉu, trong sự sợ hãi, hoảng loạn của mấy chục em bé mầm non đang giờ học, cũng bởi cho rằng cô đã đánh con mình, dù việc đó chưa được làm rõ, là những biểu hiện mang tính manh động, côn đồ, khó có thể chấp nhận. 

Dư luận mong rằng những hành vi lệch lạc như vậy cần được ngăn chặn kịp thời và phải chịu một mức độ xử lý thỏa đáng, để nó không thể trở thành virus lây lan trong xã hội, dẫn đến hệ lụy là mọi ngôi trường trở thành nơi bất an, mất an toàn, nơi con trẻ phải thường xuyên chứng kiến bạo lực, không tốt cho phát triển tâm sinh lý các em. 

Cha mẹ học sinh không coi người thầy ra gì, sẵn sàng sử dụng bạo lực, hành hung thầy cô giáo, thì học sinh sẽ trưởng thành ra sao nếu chính các em cũng mang theo tâm lý giống như cha mẹ mình?

Tai hại suy nghĩ “giáo dục là dịch vụ”

Những phụ huynh chọn cách đối đầu với thầy cô giáo của con, sẵn sàng dùng bạo lực với thầy cô giáo của con, có thể nói ngay, là họ không được sống trong một sự giáo dục chu đáo từ nhỏ, đặc biệt là giáo dục gia đình. Họ đã không thấm nhuần đạo lý “tôn sư trọng đạo”, “kính thầy yêu trẻ”, “kính trên nhường dưới”. Họ hành động để thỏa mãn cảm xúc cá nhân mà không cần suy xét đúng sai, lợi hại ra sao. 

Những vị phụ huynh cá biệt đó, chính họ sẽ phải nếm quả đắng cho những hành vi ứng xử của mình. Yêu con theo cách đó, thực sự không phải là yêu con, mà là hại con. Hậu quả sẽ rơi vào những đứa trẻ, khi chúng phải chứng kiến hành vi bạo lực của cha mẹ với thầy cô giáo đã dạy dỗ mình. 

Dám chắc rằng, những phụ huynh lựa chọn bạo lực với thầy cô giáo của con, họ là những người không coi trọng các nguyên tắc đạo đức ứng xử trong xã hội. Ở nhà, những đứa trẻ của họ sẽ không được dạy về việc phải trân trọng những hành động đẹp. Họ có thể cũng chẳng cần con yêu chữ, yêu thầy. Có thể với tư duy thực dụng của mình, họ nghĩ họ có thể mua được mọi thứ bằng tiền. Và con họ không học thầy này thì có thể học thầy khác. 

Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương cắt nghĩa: “Vài năm trở lại đây, tư tưởng coi giáo dục là dịch vụ đã len lỏi vào suy nghĩ của nhiều phụ huynh. Có vị phụ huynh đã nói, rằng họ trả tiền cho các trường, đặc biệt là các trường tư thục để con họ được hưởng dịch vụ tốt nhất. Khi họ đã trả tiền, họ không chịu nổi khi thấy con bị phạt. Họ bức xúc về chuyện con bị phạt. Khi có chuyện, họ dễ dàng nổi nóng, xúc phạm danh dự và thân thể các nhà giáo”.

Ý kiến này cực kỳ đáng suy ngẫm. Liệu giáo dục có thực sự chỉ đơn thuần là dịch vụ hay không? Không, nếu giáo dục chỉ đơn thuần là dịch vụ, chúng ta sẽ còn chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau lòng nữa, bởi ý nghĩa tốt đẹp, thiêng liêng của giáo dục đã mất đi nhiều. 

Nếu giáo dục chỉ là dịch vụ, thì người thầy không còn vị thế, đồng nghĩa với trách nhiệm của họ cũng khác đi nhiều. Lúc đó, nạn nhân sẽ là học trò, là con em của chúng ta. Các thầy cô sẽ không dùng đến kỷ luật để giáo dục các em, sẽ buông lơi, buông lỏng, thoái thác mọi phương pháp khó khăn để rèn người, chỉ để mua sự hài lòng của phụ huynh. Thầy không còn uy, việc dạy trò sẽ phần nhiều thất bại.

“Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, câu nói của người xưa vẫn luôn còn đúng đến hôm nay và mai sau. Vua chúa ngày xưa cũng luôn giữ một sự tôn trọng đặc biệt với thầy giáo của con. Việc phụ huynh hành hung giáo viên, dù chỉ là số ít nhưng cũng phần nào cho thấy đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng. 

Ngành giáo dục và toàn xã hội cần phải có những biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn những câu chuyện tương tự, đảm bảo vấn đề an ninh an toàn trong trường học. Theo đó, cần chấn chỉnh đội ngũ giáo viên để mỗi người làm thầy khi đứng lớp luôn giữ được các chuẩn mực ứng xử với học sinh của mình. 

Với các bậc phụ huynh, cần tuyên truyền mạnh mẽ sâu rộng trên các phương tiện truyền thông để họ hiểu rằng, xúc phạm danh dự cũng như thân thể của giáo viên là vi phạm pháp luật, là không có lợi cho chính con em họ. Đánh người đã tệ, đánh người đã và đang giáo dục, dạy dỗ con em mình còn tệ hơn. 

Thầy cô giáo chính là những người đã hỗ trợ các bậc phụ huynh trong quá trình giáo dục con trẻ. Bất luận trong hoàn cảnh nào, hãy bình tĩnh, hợp tác với thầy cô giáo, đồng hành cùng họ để tìm ra phương cách giáo dục con trẻ phù hợp. Bởi vì việc nuôi dạy một đứa trẻ không chỉ là việc của nhà trường mà còn là trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ.

Duy Thành
.
.
.