Công an Kiên Giang với nhiều giải pháp kéo giảm tội phạm
- Công an Kiên Giang tổ chức hội thi điều lệnh, quân sự, võ thuật
- Công an Kiên Giang triển khai mô hình phòng chống xâm hại tình dục trẻ em
- Công an Kiên Giang đã xử lý tình huống đúng quy trình
Đặc biệt trong vài năm gần đây, huyện đảo Phú Quốc đã nổi lên như một điểm nóng thu hút đầu tư, di dân và du lịch. Những ngày cao điểm, ước tính có tới hàng chục chuyến bay từ các tỉnh, thành trong đất liền ra Phú Quốc. Chính điều này đã kéo theo các hoạt động tội phạm phức tạp, đặc biệt là các đối tượng từ Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tuy nhiên, nhờ sự kiên quyết và tinh thần làm việc hết mình của Công an tỉnh Kiên Giang nói chung, và Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) nói riêng, tình hình tội phạm đã được kéo giảm trong 6 tháng đầu năm nay.
Vượt nhiều chỉ tiêu cả năm
Theo số liệu thống kê của Phòng CSHS Công an tỉnh Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm 2019, số vụ phạm pháp về trật tự xã hội (TTXH) xảy ra 441 vụ, giảm 44 vụ so với cùng kỳ năm trước, tương đương 9,07%. Trong đó, án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 27 vụ, giảm 9 vụ, tương đương giảm 25% so với cùng kỳ 2018.
Tính theo từng địa phương, TP Rạch Giá vẫn là nơi có tình hình phức tạp nhất trên toàn tỉnh, kế đó là huyện đảo Phú Quốc và huyện Châu Thành. Tại TP Rạch Giá, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 151 vụ. Tính đến nay, Phòng CSHS đã nỗ lực điều tra phá án được 129 vụ, bắt xử lý 129 đối tượng, đạt 85,43%. Tại Phú Quốc xảy ra 62 vụ, đã điều tra phá án được 55 vụ, bắt 76 đối tượng, đạt 88,7%. Tại Châu Thành diễn ra 42 vụ, điều tra khám phá 40 vụ, bắt 27 đối tượng, đạt 95,23%.
Như vậy, nhìn chung 6 tháng đầu năm, Phòng CSHS Công an tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành vượt kế hoạch, chỉ tiêu do Ban Giám đốc đề ra trên nhiều mặt.
Cụ thể, tội phạm về TTXH đã kéo giảm 9,07% (chỉ tiêu giảm 3%); tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 89,79% (chỉ tiêu 75%); án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng tỷ lệ điều tra khám phá đạt 96,29% (chỉ tiêu 90%). Một số tội phạm giảm đáng kể như trộm cắp tài sản giảm 32,65%, cướp giảm 50%, cướp giật giảm 51,72%, hiếp dâm người dưới 16 tuổi giảm 66,66%... Một số tội phạm được kiềm chế như giết người, dâm ô người dưới 16 tuổi…
Riêng PC02 truy nã đạt 20% (chỉ tiêu cả năm 30%), điều tra cơ bản đạt 2 vụ (chỉ tiêu cả năm 3 vụ), đưa diện quản lý 13 vụ (chỉ tiêu cả năm 10 vụ), cơ sở nghiệp vụ xây dựng mới 12 (chỉ tiêu cả năm 10 vụ), chuyên án xác lập mới 2 vụ (chỉ tiêu cả năm 2 vụ)…
Linh động trong nghiệp vụ
Để đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình phức tạp hiện nay nhưng vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ như trên, Phòng CSHS tỉnh đã điều động một tổ ra túc trực ở huyện đảo, hỗ trợ Công an huyện trong công tác phòng chống và điều tra tội phạm. Đặc biệt, cùng với sự phát triển của làn sóng đầu tư và nghỉ dưỡng, du lịch, Phú Quốc đang có nguy cơ hình thành các loại băng nhóm, tội phạm có tổ chức.
Để ngăn chặn nguy cơ phát triển loại tội phạm nguy hiểm này, Phòng CSHS đã chỉ đạo Công an huyện và tổ túc trực phải nắm kỹ địa bàn, xuất hiện đối tượng lạ là phải điều tra về nhân thân, kết hợp với Công an địa phương để có biện pháp phòng ngừa và cảnh báo đối tượng.
“Để có được thành công đó, quan trọng nhất là phải có sự đoàn kết, đồng lòng, từ CBCS đến lãnh đạo đều như một. May mắn là Phòng CSHS Công an tỉnh Kiên Giang từ xưa đến nay có truyền thống rất đoàn kết. Để làm được điều đó, lãnh đạo phải gương mẫu đi đầu, việc khó việc khổ phải đi trước để làm tấm gương cho anh em”, Đại tá Mai Hòa Bình, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Kiên Giang chia sẻ. |
Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm đấu tranh giảm tội phạm trong thời gian qua, Đại tá Bình cho biết: “Muốn trở thành một lính hình sự, cần có sự kết hợp của một số yếu tố. Thứ nhất, phải yêu ngành yêu nghề. Có như vậy mới có thể giữ được ngọn lửa nhiệt huyết của người lính hình sự. Thứ hai, một người lính hình sự nhất định phải có khả năng chịu đựng được gian khó, khổ cực, vì đây là một nghề nhiều hiểm nguy, có thể phải đi làm nhiệm vụ bất kể giờ giấc và trong bất kỳ điều kiện nào. Thứ ba, phải có sự cảm thông, chia sẻ và ủng hộ của gia đình, đặc biệt là vợ con. Có như vậy người lính hình sự mới có thể yên tâm công tác. Nếu vợ con không thông cảm, thì với đặc thù đi đêm đi hôm của lính hình sự sẽ dễ dẫn đến lục đục trong gia đình”.
Nhưng quan trọng nhất, theo Đại tá Bình, là người lính hình sự phải có bản lĩnh và quyết đoán. “Không bản lĩnh là không thể làm hình sự được”, Đại tá Bình khẳng định. “Phải bản lĩnh, dám nói dám làm và quyết đoán trong công việc. Chẳng hạn anh đi trinh sát mà không bản lĩnh, không quyết đoán được thì cơ hội truy bắt tội phạm sẽ qua ngay, không đạt được kết quả như mong đợi”.
Không nương tay với tội phạm
Chia sẻ về hướng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn trong những tháng còn lại của năm, Đại tá Mai Hòa Bình cho biết sẽ phân công trinh sát xuống các tuyến, địa bàn thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, hỗ trợ công an các địa phương điều tra các vụ án xảy ra, điều tra các đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội, nghi vấn…
Phòng CSHS cũng sẽ tiếp tục điều tra, điều tra mở rộng các chuyên án đã xác lập, tập trung đấu tranh có hiệu quả tội phạm có tổ chức, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen"… Phòng cũng sẽ tập trung điều tra các vụ án hiện còn đang thụ lý và tiếp nhận điều tra các vụ án theo thẩm quyền; tiếp nhận xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố; đơn thư khiếu nại tố cáo theo đúng quy trình…
Đại tá Mai Hòa Bình khẳng định Phòng CSHS Công an tỉnh Kiên Giang luôn kiên quyết với tội phạm. Nhờ sự quan tâm của Ban Giám đốc; sự phối hợp của các ban, ngành; sự nhất trí, đồng lòng của cán bộ chiến sĩ, Phòng CSHS Công an tỉnh Kiên Giang nhiều năm qua đã đạt nhiều thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm về hình sự. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Phòng CSHS tỉnh không "nợ" bất kỳ một vụ trọng án nào.