Có một làng "tỷ phú" giữa đại ngàn

Thứ Năm, 09/02/2017, 14:57
Ít ai biết, nơi đầu nguồn thủy điện Sông Bung 2 này, người ta sẽ được nghe câu chuyện đầu xuân thú vị ở 2 ngôi làng "tỉ phú" thật đặc biệt…


Ngày đầu năm, khi nắng ấm dần thay thế cơn mưa xuân trải khắp núi rừng và kéo theo những chồi non nảy lộc; chúng tôi những người cầm bút lại tiếp tục vượt qua nhiều triền dốc cao để đến thăm đồng bào các xã vùng cao của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Cũng chính nơi này, 4 tháng sau sự cố vỡ đường cống dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2 gây thiệt hại nặng nề. Tết năm nay, bà con dân tộc thiểu số đã được đầm ấm, no đủ hơn nhờ sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương và chủ đầu tư.

Ít ai biết, nơi đầu nguồn thủy điện Sông Bung 2 này, chúng tôi còn được "xông đất" và nghe câu chuyện đầu xuân thú vị ở 2 ngôi làng "tỉ phú" thật đặc biệt…  

Tết sẻ chia ở nơi xảy ra sự cố thủy điện Sông Bung 2

Tết nay, chưa khi nào ngôi nhà của chị Trần Thị Phương ở thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, Quảng Nam) lại được nhiều người viếng thăm đến vậy. Tất cả những người viếng thăm chị Phương đều cùng mang một tâm nguyện thắp một nén hương cho anh Đặng Văn Tuyền - một trong 2 nạn nhân xấu số do sự cố vỡ đường ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 xảy ra hồi giữa tháng 9-2016 và sẻ chia, an ủi với mẹ con chị nỗi đau vĩnh viễn thiếu vắng "trụ cột" duy nhất khi xuân về.

Chị Phương nghẹn ngào trải lòng với chúng tôi: Anh Tuyền mất lúc các con còn quá nhỏ. Cháu lớn chưa tới 13 tuổi, nhỏ thì mới lên 3. Ngày 30, mùng 1 Tết, các con nhớ cha cứ đòi mẹ sao cha không thấy về. Tôi chỉ biết ôm chặt các con vào lòng và nói dối các con: "Ba vẫn phải trực làm việc trên thủy điện. Để Tết ni, không còn xảy ra bất cứ sự cố nào, bà con sống quanh hồ được đón Tết an toàn"… Và  rồi cả ba mẹ còn cùng òa khóc!…

Đại diện chủ đầu tư thủy điện Sông Bung 2 trao sổ tiết kiệm cho chị Phượng, vợ nạn nhân xấu số do sự cố vỡ đường ống.

Không phụ sự mong mỏi của chị Phương và bà con ở 4 xã vùng cao của huyện Nam Giang, mấy tháng qua, dù nhiều trận mưa rừng lớn, liên tục và rét buốt nhưng chính quyền địa phương và đơn vị chủ đầu tư đã  rất nỗ lực khắc phục phần nào thiệt hại do sự cố thủy điện Sông Bung 2 gây ra.

Sau nhiều lần băng rừng, lội suối thống kê thiệt hại của bà con, đến nay, chủ đầu tư đã tiến hành 2 đợt chi trả tiền đền bù cho hơn 160 hộ dân ở 7 thôn của 4 xã vùng cao huyện Nam Giang với tổng số tiền hơn 6,2 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch huyện Nam Giang - cho biết, địa phương cũng đã tuyên truyền để bà con hiểu đây là sự cố ngoài ý muốn, chủ đầu tư cũng đã thể hiện trách nhiệm đối với những hộ dân bị thiệt hại, đồng bào sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Cũng theo bà Như, động viên bà con là sự cố đã xảy ra nhưng cũng phải lường trước cho giai đoạn tiếp theo. Đối với 3 hộ bị trôi nhà, chính quyền địa phương vận động bà con sau khi nhận tiền đền bù cần tính toán dựng lại nhà ở, xã sẽ bố trí đất trên cao chứ không làm nhà ở triền sông nguy hiểm.

Nhất là những hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở, từ nguồn vốn định canh, định cư, di dân khỏi vùng sạt lở, huyện hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu, vận động bà con di dời đến nơi ở cao hơn chứ không làm nhà lại vị trí cũ.

Tết này, cùng với khoản tiền đền bù do chủ đầu tư chi trả trước Tết, tỉnh Quảng Nam còn hỗ trợ mỗi thôn, bản vùng cao 15 triệu đồng, huyện hỗ trợ 4 triệu đồng và xã hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Như vậy, mỗi thôn có khoảng 20 triệu đồng để tổ chức cho đồng bào ăn Tết.

Còn ông Ngô Việt Hải (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 2, chủ đầu tư thủy điện Sông Bung 2) cho biết: Ngay sau khi sự cố xảy ra, đơn vị đã kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ an toàn, nâng cao trách nhiệm về chất lượng quản lý dự án cũng như nghiệm thu, giám sát tất cả các nhà thầu liên quan.

Những ngày Tết cận kề, đơn vị còn huy động các công ty thành viên cùng các nhà thầu tham gia trên công trường đến động viên, thăm hỏi gia đình nạn nhân sự cố thủy điện Sông Bung 2.

Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng 2 ngôi nhà của 2 gia đình nạn nhân tử vong quê ở tỉnh Phú Thọ và Hải Dương; trao sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng hỗ trợ gia đình chị Trần Thị Phương, vợ của nạn nhân Đặng Văn Tuyền để chị Phương nuôi 2 cháu ăn học.

Nhiều ngôi nhà khang trang, trị giá hàng tỉ đồng ở 2 làng Pà Rum B và Pà Rum A.

Làng "tỉ phú" giữa  đại ngàn

Đầu năm ở huyện miền núi Nam Giang, chúng tôi không chỉ duy nhất sẻ chia cùng bà con thiệt hại sau sự cố thủy điện Sông Bung 2, mà còn được mục sở thị một câu chuyện thú vị và rất "thời sự" khác.

Chuyện là, trong khi người dân nhiều ngôi làng vùng cao ở Quảng Nam được nhận tiền đền bù từ các dự án thủy điện thì chỉ vài ba năm đã tiêu hết, sau đó nghèo lại hoàn nghèo; nhưng có một vài khu tái định cư ở xã Zuôih không lặp lại "vết xe đổ" đó.

Họ, những đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao đã khoe rằng: "Mình đã biết cách giữ tiền bền vững. Biết xây những căn nhà giá trị hàng tỉ đồng. Và bây giờ, làng chúng tôi là làng "tỉ phú"!…

Đó chính là hai ngôi làng tái định cư (TĐC) Pà Rum A và Pà Rum B. Hai ngôi làng nói là cách nhau hàng kilômét đường núi, nhưng đều có điểm chung là cùng nằm  ở thượng nguồn thủy điện Sông Bung 4, hạ nguồn thủy điện Sông Bung 2.

Hai khu TĐC này có gần 200 hộ dân từ các khu làng nằm rải trác dưới lòng hồ thủy điện được giải tỏa về đây để ổn định cuộc sống. Điểm bất ngờ đầu tiên khi chúng tôi đến "xông đất" làng Pà Rum A và Pà Rum B đó chính là sự giàu có của người dân. Các ngôi nhà đều rất khang trang, quy mô, hoành tráng. Có nhiều căn nhà gỗ rộng hơn 100m² hai gác, xây theo kiểu nhà Gươl truyền thống của người Cơ Tu trị giá lên đến cả tỉ đồng…

Chính quyền các cấp và đơn vị BQLDA Thủy điện Sông Bung thăm hỏi, tặng quà bà con làng "tỉ phú".

Một "chủ hộ" trong làng Pà Rum B, là anh BNươch A Vót (43 tuổi) đã vui vẻ khoe với chúng tôi: Mình làm căn nhà ni đã được hơn 2 năm, từ khi về khu TĐC mới này. Toàn bộ ngôi nhà được làm bằng gỗ với kiến trúc nhà sàn của người vùng cao, chỉ có nền nhà lót bằng gạch men trắng.

Dẫn PV đi thăm qua căn nhà đẹp, vườn cây trái và khu nuôi gia cầm, anh BNươch A Vót còn chia sẻ thêm: "Xưa ở chỗ cũ không có điện nước, cuộc sống khó khăn lắm, giờ điện nước xài thoải mái, không lo gì hết.

Gia đình giờ ổn định rồi, không phải sợ đói nữa. Năm 2013, sau khi được Nhà nước quan tâm và chủ đầu tư thủy điện đền bù đất canh tác rừng được trên 2 tỉ đồng, mình về khu TĐC này dựng nhà mới. Tiền công và các vật liệu khác để làm ngôi nhà này hết gần 1 tỉ đồng, cộng với những khoản mua sắm khác, mình chi hết hơn 1,1 tỉ đồng.

Khi PV hỏi về số tiền còn lại anh còn được bao nhiêu, anh A Vót còn "khai" thật: Ngoài thu nhập trồng rừng, tăng gia ao cá, nuôi gia cầm… thì số tiền còn lại khoảng 800 triệu đồng mình không như người ta đem hết đi uống rượu đâu mà mình nghe lời cán bộ đem gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Sau này, có số tiền đó, mình yên tâm lo cho đứa con mình ăn học để được cái bằng đại học. Để có trình độ, về bản, về xã làm cán bộ, xây dựng và chăm lo cho phát triển kinh tế...

Không chỉ gia đình anh Vót, chúng tôi còn gặp nhiều gia đình khác tại khu TĐC Pà Rum B này. Nóc nhà nào cũng rất "hoành tráng", được làm từ gỗ, có gác, rộng rãi, thoáng mát. Đi vào nơi đây, không ai nghĩ đây là khu TĐC bởi sự ngăn nắp và trù phú. Các hộ dân là những hộ bị thu hồi nhà và đất rẫy để làm thủy điện Sông Bung 4.

Nhà ít thì được chừng vài trăm triệu, nhà nhiều lên đến hàng tỷ đồng. Đối với đồng bào, đây là số tiền "khổng lồ" bởi lâu nay ít có gia đình nào dư được vài chục triệu để gửi ngân hàng phòng những lúc cần; nhưng nay, ở đây có rất nhiều gia đình là "triệu phú".

Tiếp tục vượt 5km nữa, chúng tôi đến làng Pà Rum A. Đón chúng tôi đầu tiên là chị Alăng A Eo (42 tuổi) cựu Trưởng thôn Pà Rum A. Nhà của chị Eo, kể cả khu chăn nuôi gia súc rộng có đến 500m² đất. Riêng căn nhà gỗ, 3 gian còn thơm nồng mùi gỗ mới, chị Eo "bật mí" giá trị lên đến 1,3 tỉ đồng. Chị Eo còn khoe, hiện chị có hai sổ tiết kiệm gửi ngân hàng mỗi sổ 300 triệu đồng. Xe máy, tivi, tủ lạnh đều có đủ cả…

Eo có 4 người con, cô con gái lớn đang học ĐH Ngoại ngữ năm 2 ở TP Đà Nẵng. Còn 3 đứa nhỏ, cũng đều được đi học nội trú ngoài trung tâm xã, huyện. Sáng nay, mùng 5 Tết, cơn mưa xuân vừa ngớt, nhường chỗ cho nắng rộm vàng trải khắp núi đồi, chị Eo lại cùng cô con gái lớn vẫn còn kỳ nghỉ Tết vội gánh mấy tạ lúa ra sạp tre để phơi khô.

Chị Eo cứ cười tươi: "Cuộc sống của gia đình mình và bà con dân tộc Catu ở làng Pà Rum A giờ đã no đủ rồi nhà báo à"… Quả vậy, cuộc sống của người dân ở hai làng Pà Rum 2 và Pà Rum B nay đã khác xa những ngôi "làng triệu phú" khác mà chúng tôi có dịp ghé qua...

Trao đổi với chúng tôi về những ngôi làng "tỉ phú" vùng cao của xã, ông Pơ Long Diệu - Chủ tịch xã Zuôih đã cho biết, trên địa bàn xã có 3 khu TĐC là Pà Rum A, B và Padhi là điển hình trong các khu TĐC.

Như câu nói tuy đùa nhưng rất thật thà của đồng bào thiểu số hai làng thì: Đây là "làng tỷ phú giữa đại ngàn". Có tiền, họ dựng những ngôi nhà gỗ hàng tỷ đồng, to như biệt phủ. Từ khi về khu TĐC này, cuộc sống người dân so với trước cơ bản được đảm bảo. Nếu không có dự án thủy điện thì địa phương sẽ không có đường, nhà cửa không được khang trang như bây giờ.

Tuy nhiên, ông Diệu cũng trăn trở, tuy có nhiều ngôi làng "tỉ phú" điển hình, nhưng vẫn còn không ít làng đứng trước nguy cơ tái nghèo. Nhận được số tiền đền bù rất lớn, do ý thức chưa được cao nên không ít gia đình, đồng bào chỉ biết có việc uống rượu, mua sắm vật dụng, đua đòi xe cộ. Thậm chí, ăn nhậu thâu đêm suốt sáng, theo đối tượng xấu đánh bạc, cưỡi xe máy xịn chạy lượn lách khắp đường làng và còn gây TNGT. Để rồi, chỉ sau vài năm số tiền đền bù hàng tỉ đồng, họ trở lại với nghèo lại hoàn nghèo.

Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động người dân chăm lo làm ăn, không ỷ lại vào số tiền từ đền bù, tiêu xài đồng tiền đúng mục đích. Xã cũng tổ chức dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt cho người dân để họ cải thiện cuộc sống, tạo dựng kinh tế gia đình bền vững...

Hoài Thu
.
.
.