Chiến lược mới của Huawei trong cơn bĩ cực
- Verizon bị Huawei đòi tiền bản quyền sáng chế
- Aurora, phương án C cho Huawei khi không còn Android
- Huawei mất thêm đối tác sản xuất chip Nhật Bản
Ngay cả ARM, đối tác sản xuất chip Kirin cũng tuyên bố ngừng quan hệ kinh doanh với công ty. Huawei đang có những chiếc lược phát triển mới để giảm thiệt hại vì lệnh cấm bởi vẫn còn khách hàng tín nhiệm sản phẩm của Huawei, nhưng tập đoàn khổng lồ này đang đối mặt với nhiều khó khăn…
Thêm nhiều đối tác ngừng hợp tác
Ngày 7- 6, Facebook chính thức ra thông báo về việc sẽ không cho các thiết bị của Huawei được cài sẵn những ứng dụng của hãng, cụ thể là mạng xã hội Facebook, ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram hay ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Để sử dụng các dịch vụ của mạng xã hội lớn nhất thế giới, người dùng smartphone Huawei buộc phải lên Google Play Store để tải ứng dụng về. Những ứng dụng đã cài vẫn nhận được các bản cập nhật mới.
Tòa nhà chính của Huawei tại khu sản xuất gần thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. |
Tuy nhiên động thái mới nhất của Facebook sẽ tác động không nhỏ tới các khách hàng nước ngoài đang sử dụng những thiết bị của Huawei, bởi khi kết hợp với lệnh cấm Android của Google, sau ngày 19-8-2019, người dùng smartphone của Huawei sẽ không thể lên Play Store để tải ứng dụng Facebook, Messenger, WhatsApp và Instagram. Họ phải tìm đến những nguồn không chính thống.
Theo The Verge, các nhà sản xuất smartphone lớn thường ký thỏa thuận để cài sẵn những ứng dụng phổ biến như Facebook, Twitter, Booking.com... để thu hút người dùng. Việc Facebook có động thái dừng hỗ trợ sẽ khiến doanh số smartphone Huawei ở thị trường quốc tế thêm ảm đạm.
Trong một báo cáo vừa công bố cuối tháng 5, Công ty nghiên cứu Gartner cho biết quý I- 2019, Huawei duy trì được vị trí số 2 về doanh số trên thị trường smartphone khi chỉ trong 3 tháng đầu năm, Huawei bán được 58,4 triệu chiếc smartphone trên toàn cầu.
Huawei đạt kết quả rất tốt tại hai thị trường là châu Âu (tăng 69%) và Trung Quốc bao gồm Đài Loan và Hồng Kông (tăng trưởng 33%). Huawei nhiều lần tuyên bố sẽ vượt Samsung để đứng đầu thị trường điện thoại thông minh. Tuy nhiên, việc các hãng cung ứng dịch vụ, thiết bị của Mỹ quyết định dừng hợp tác với Huawei bao gồm chuyển giao phần cứng, phần mềm và các dịch vụ kỹ thuật chủ chốt đặt ra vấn đề lớn cho Huawei trên thị trường quốc tế, đồng thời giáng một đòn nặng nề vào tham vọng này.
Tại triển lãm công nghệ CES châu Á diễn ra ở Thượng Hải (Trung Quốc), Shao Yang, Giám đốc chiến lược mảng tiêu dùng của Huawei, cho biết việc trở thành công ty điện thoại hàng đầu thế giới “có thể mất nhiều thời gian hơn so với mục tiêu ban đầu là trong quý IV- 2019".
Ngoài smartphone, máy tính xách tay cũng là sản phẩm được Huawei đầu tư nhiều những năm gần đây. Ngay đầu năm nay tại MWC 2019, hãng đã ra mắt máy tính Matebook X Pro chạy Windows thuộc nhóm cao cấp, cạnh tranh với MacBook Pro của Apple. Huawei cũng sử dụng nhiều linh kiện và công nghệ của các công ty Mỹ trong mảng máy tính cá nhân, như hệ điều hành Windows của Microsoft hay chip xử lý của Intel.
Tuy nhiên, giờ đây cả hai đều nằm trong giới hạn lệnh cấm vận của Mỹ. Vì vậy lệnh cấm của Mỹ cũng khiến Huawei gặp khó khăn với các nhà máy sản xuất máy tính xách tay. Theo nguồn tin từ các nhà cung ứng linh kiện điện tử, Huawei đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất và ngừng phát triển máy tính cá nhân thế hệ mới. Và hoãn vô thời hạn kế hoạch ra mắt sản phẩm mới trong dòng máy tính xách tay Matebook.
Theo các chuyên gia về viễn thông, việc Google ngừng cộng tác sẽ khiến Huawei rất khó khăn. Mặc dù Huawei đã có nỗ lực phát triển hệ điều hành cho riêng mình nhưng không thể một lúc làm được hết các ứng dụng.
Về lâu dài kể cả Huawei có tự phát triển được hệ điều hành riêng thì người dùng cũng sẽ không thể dùng được những ứng dụng rất phổ biến của Google mà chỉ có thể dùng được những ứng dụng riêng ở Trung Quốc như Baidu, WeChat hay Weibo. Mặc dù Huawei có thể giảm sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ đối với một số linh kiện nhưng vẫn chưa đủ bởi vì họ vẫn cần các linh kiện khác từ các công ty Mỹ.
Trong một động thái mới, ngày 11- 6, hãng tin RT của Nga cho biết Huawei đang thảo luận để thay thế hệ điều hành Android bằng Aurora.
Hệ điều hành Aurora được phát triển bởi hãng công nghệ điện thoại Russian Mobile Platform. Aurora được thiết kế trên nền tảng Sailfish OS của Phần Lan. Sailfish OS ban đầu được chế tạo bởi Công ty Jolla, công ty tách ra từ Nokia, nhằm thay thế cho iOS và Android. Hệ điều hành này hiện đang được phát triển bởi Công ty Rostelecom của Nga.
Ngoài ra, Huawei đang bắt đầu thử nghiệm hệ điều hành HongMeng OS của mình trên 1 triệu smartphone mới. Huawei đã đăng ký bản quyền cho HongMeng OS tại Canada, Mexico, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Australia...
HongMeng OS là hệ điều hành riêng được Huawei tự phát triển nhằm thay thế cho Android trên các sản phẩm sắp tới. Từ tháng 8 năm ngoái, hãng đã được Trung Quốc cấp bản quyền sở hữu trí tuệ với thương hiệu hệ điều hành này. HongMeng OS còn được gọi tên là Ark OS khi xuất hiện tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Ngoài smartphone, hệ điều hành của Huawei còn được cho tương thích với cả tablet, smartwatch và laptop.
Trong khi Huawei đang gặp khó khăn thì hôm 9- 6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Huawei hoàn toàn là “vì an ninh quốc gia”. Theo ông Mnuchin, các biện pháp đối phó với Huawei chỉ có thể được dỡ bỏ nếu Tổng thống Donald Trump nhận được sự đảm bảo nhất định từ Trung Quốc.
Thiết bị 5G của Huawei bắt đầu bị từ chối
Không chỉ bị nhiều nhà cung cấp thiết bị, công nghệ ngừng hợp tác, Huawei cũng bị nhiều khách hàng “nghỉ chơi”. Mới đây, cơ quan quản lý viễn thông Đài Loan đã cấm các nhà cung cấp truyền hình cáp của vùng lãnh thổ này mua linh kiện từ các công ty Trung Quốc, trong đó có công ty con chế tạo chip của Tập đoàn Huawei là HiSilicon.
Trong khi đó, tại một số quốc gia, Huawei đã bị cấm tham gia vào việc triển khai mạng 5G. Nhà mạng BT của Anh đã công bố kế hoạch rút thiết bị Huawei khỏi phần cốt lõi của mạng di động. Tháng 3-2019, nhà mạng TDC của Đan Mạch, tuyên bố chọn Ericsson thay vì Huawei để triển khai mạng 5G, cho dù Huawei là nhà cung cấp hiện tại của TDC.
Mới đây, Công ty viễn thông thuộc tập đoàn Nhật Bản SoftBank đã chọn Nokia và Ericsson làm nhà cung cấp thiết bị mạng 5G, dù trước đó Huawei đã tham gia vào quá trình thử nghiệm mạng 5G của tập đoàn Nhật Bản. Đến nay, đã có Australia và New Zealand cấm thiết bị mạng của Huawei,
Huawei được cho là đã thử nghiệm đại trà hệ điều hành riêng HongMeng OS. |
Hôm 5-6, Đại sứ Mỹ tại Hà Lan Pete Hoekstra nói Chính phủ Hà Lan nên dứt khoát cấm Huawei cung cấp trang bị cho mạng lưới viễn thông di động 5G mới tại Hà Lan nếu muốn ngăn ngừa việc do thám của nhà nước Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 4 năm nay, Chính phủ Hà Lan thành lập một lực lượng đặc nhiệm để đánh giá về sự dễ tổn thương của mạng lưới viễn thông 5G do các nhà cung cấp sử dụng sai lệch. Công ty Viễn thông Hoàng gia Kaepernick NV, được giao đóng vai trò chủ chốt trong việc thiết lập mạng lưới 5G trong những năm tới, nói sẽ loại trừ Huawei ra khỏi những thành phần “cốt lõi” của mạng lưới.
Vẫn còn khách hàng
Tuy nhiên, cho tới lúc này, vẫn có những khách hàng tín nhiệm Huawei. Phó tổng thống Brazil Hamilton Mourao khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và không có kế hoạch cấm Huawei tham gia thị trường cung cấp thiết bị viễn thông tại nước này khi họ triển khai mạng 5G năm tới. Ông Mourao cũng từng nói rằng Chính phủ Brazil “không có gì không tin tưởng vào công ty Trung Quốc và Brazil cần công nghệ viễn thông họ đang cung cấp”.
Nhà mạng không dây TIM Participacoes mới đây công bố đang sử dụng công nghệ Huawei để tiến hành các thử nghiệm mạng 5G tại miền Nam Brazil. Huawei cũng đã tái triển khai hoạt động kinh doanh smartphone của họ tại Brazil, và nay là những kế hoạch đưa dây chuyền sản xuất smartphone của họ vào quốc gia Nam Mỹ.
Ngày 6- 6, Huawei đã bắt tay hãng viễn thông MTS để triển khai 5G tại Nga. Theo CNN, hợp đồng này còn là tín hiệu cho thấy sắp có một liên minh Internet Nga - Trung nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ, thậm chí vượt Mỹ trong tương lai.
Trong khi đó, một số nhà mạng của Malaysia, như Maxis và Axiata đang là khách hàng chính của Huawei. Maxis đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ 5G đầu tiên tại Malaysia với thiết bị của Huawei sau một thông báo rằng hai công ty sẽ hợp tác để tăng tốc 5G.
Tại Hội nghị thường niên Tương lai châu Á do Nikkei tổ chức cuối tháng 5 tại Tokyo, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad khẳng định: "Nghiên cứu của Huawei lớn hơn nhiều so với khả năng của Malaysia. Chúng tôi sẽ tận dụng công nghệ của họ nhiều nhất có thể", ông nói và cho biết rằng ông không quan tâm đến các cáo buộc về hoạt động gián điệp vì không có điều gì phải che giấu.
Tuyên bố của ông Mahathir cho thấy nỗ lực của Mỹ trong việc tập hợp đồng minh chống lại Huawei có thể không thành công đối với một số quốc gia, nhất là những nước ưu tiên việc phát triển mạng 5G.
Tại Philippines, Globe Telecom đã ca ngợi Huawei vì đã vượt trội so với đối thủ cạnh tranh về mặt công nghệ, và các chuyên gia tư vấn về bảo mật nói Huawei "hoàn toàn sạch". Philippines bắt đầu mua thiết bị của Huawei từ năm 2010 với thỏa thuận 700 triệu USD để hiện đại hóa mạng của doanh nghiệp viễn thông nội địa Globe.
Các quản lý của Globe cho rằng những lo ngại về vấn đề bảo mật của Huawei bị thổi phồng và họ đang thúc đẩy kế hoạch tung ra dịch vụ 5G sử dụng thiết bị Huawei trong năm nay. "Huawei vẫn tiếp tục là đối tác quan trọng", phát ngôn viên của hãng Globe Maria Yolanda Crisanto nói.
Sở dĩ vẫn có những nước chấp nhận Huawei vì công ty này có những sản phẩm được coi là ngang bằng hoặc tốt hơn so với các đối thủ phương Tây như Nokia và Ericsson với giá thường rẻ hơn 20% đến 30%. Các công ty viễn thông ở Campuchia, Indonesia và Thái Lan cũng ký thỏa thuận với Huawei và cả các đối thủ của hãng này để phát triển mạng 5G.