Cái chết mang tên Methanol

Thứ Sáu, 24/03/2017, 14:33
Rượu giả, rượu pha chế từ methanol, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang len lỏi trong các nhà hàng, quán ăn… gây ra nhiều vụ ngộ độc kinh hoàng. Vì lợi nhuận, người sản xuất, người bán sẵn sàng không từ một thủ đoạn nào để đầu độc khách hàng.


Ðã đến lúc cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các nhà quản lý và những người có trách nhiệm liên quan trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Dư luận còn chưa hết bàng hoàng vì vụ ngộ độc rượu có chứa methanol khiến 8 người tử vong ở Phong Thổ, Lai Châu, thì mới đây, 12 sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Hải Dương (cơ sở Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mua bán rượu tràn lan mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Theo đó thì sáng ngày 10-3, một nhóm sinh viên gồm 5 nam, 2 nữ trong độ tuổi 21-27 được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì ngộ độc methanol trong tình trạng khá nặng, phải lọc máu trong đó có 3 trường hợp hôn mê sâu. 

Theo lời kể của Siu L. (một bệnh nhân nhẹ nhất trong số 7 bệnh nhân phải vào viện), nhân ngày 8-3, nhóm của em gồm 15 người đã mua khoảng 1,5 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ (không có nhãn mác) về phòng trọ tại Nhân Hòa, Trung Kính để liên hoan, ăn uống lai rai từ trưa đến 12h đêm ngày 8-3. 

Đến sáng 9-3, một số bạn xuất hiện triệu chứng đau đầu, mờ mắt và nôn ra máu nên đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 198 và sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vào rạng sáng 10-3.

Một bệnh nhân cấp cứu vì ngộ độc methanol.

Đến sáng 11-3, những em còn lại tiếp tục vào viện khám nâng tổng số người ngộ độc rượu methanol lên 15. 8 em lọc máu lần 1 và một em lọc máu lần 2. Những em còn lại uống ít đợi xét nghiệm sau đó sẽ quyết định lọc máu hay không. Hiện sức khoẻ các em đã có nhiều tiến triển. Được biết các nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, các em đều mong muốn sau này ra trường mang được con chữ về với bản làng.

Theo thống kê từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), tính từ ngày 22-2 đến nay, trung tâm này đã tiếp nhận 21 ca ngộ độc loại rượu cồn công nghiệp methanol, trong đó có một trường hợp đã tử vong, một trường hợp gia đình xin về. 

Điều đáng chú ý đa số các bệnh nhân đều đã mua và uống rượu tại các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội, trong đó có 7 trường hợp đang sinh sống và đã mua rượu trên địa bàn quận Đống Đa. 

Tổng cộng, từ đầu năm tới nay chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân ngộ độc rượu; đồng thời lúc nào cũng có hơn 50 bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, xơ gan và viêm tụy cấp điều trị nội trú, tăng đột biến so với trước.

Trước tình trạng báo động vì ngộ độc rượu methanol, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã giao cho Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) và Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) vào cuộc điều tra làm rõ nơi sản xuất và kinh doanh rượu có chứa cồn công nghiệp methanol để xử lý theo qui định của pháp luật. 

Chiều 11-3, Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã ký Quyết định số 68 khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm" theo Điều 244 Bộ luật Hình sự xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội. 

Cũng trong ngày hôm đó, Phòng Y tế quận Cầu Giấy đã cùng các lực lượng liên ngành của quận trực tiếp xuống hiện trường xác minh. Theo các bệnh nhân, nhóm sinh viên này đã uống rượu mua ở ngõ 259, phố Yên Hòa. Qua xác minh, ngõ 259 Yên Hòa có 2 cửa hàng tạp hóa bán rượu là số nhà 5B và số nhà 17. Kiểm tra tại số nhà 5B ngõ 259 Yên Hòa, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 2 lít rượu không nhãn mác. 

Tại cửa hàng số 17, cơ quan chức năng đã xác minh được đầu mối cung cấp rượu cho cửa hàng là bà Nguyễn Thị Hảo (Cự Đà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) với loại rượu mang nhãn “Duy Hảo”. Đây cũng là đầu mối cung cấp rượu cho một cửa hàng tại chợ Hợp Nhất (phường Trung Kính, quận Cầu Giấy) và nhiều cửa hàng khác ở Hà Nội.

Hiện Công an quận Đống Đa đã mời bà Hảo lên làm việc, do liên quan đến rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn quận Đống Đa và có thể liên quan đến vụ 7 người bị ngộ độc rượu methanol ở quận này phải nhập viện 2 tuần trước.

Bác sĩ Nguyễn Đức Viên cho biết, ngày 11-3, 2 đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội và 3 đoàn kiểm tra liên ngành của quận Cầu Giấy đã tổng kiểm tra việc kinh doanh rượu trên toàn địa bàn, trực tiếp đến từng cơ sở kinh doanh rượu, các quán ăn, nhà hàng, trong đó tập trung vào các phường Yên Hòa, Trung Kính, Dịch Vọng Hậu.

Đến hết ngày 11-3, các đoàn kiểm tra đã tạm giữ gần 800 lít rượu không nhãn mác; đồng thời, lấy 5 mẫu rượu gửi đi xét nghiệm. Cùng ngày, lực lượng liên ngành đã tổ chức tuyên truyền cho hơn 100 hộ dân kinh doanh nhà hàng, bán tạp hóa và nhà cho thuê trọ về tác hại của rượu có methanol, để cảnh báo người dân không mua bán, sử dụng loại rượu này.

Với việc tiêu thụ hàng tỷ lít bia và hàng trăm triệu lít rượu mỗi năm, Việt Nam đang đứng thứ 2 châu Á về sử dụng rượu bia và có tỷ lệ đàn ông uống rượu, bia nhiều nhất thế giới. Bia, rượu đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi là một trong những nguyên nhân chính gây ra những vụ xô xát, ẩu đả, tai nạn giao thông thương tâm… 

Dù được tuyên truyền, cảnh báo nhưng văn hóa uống rượu bia của người Việt dường như đã ăn sâu vào nếp sống, sinh hoạt của người dân. Không những thế, nó còn tiếp tay cho những kẻ buôn bán, sản xuất vì lợi nhuận sẵn sàng bán rẻ lương tâm, gieo rắc những chất cấm, chất độc cho người tiêu dùng. 

Các ca ngộ độc methanol trong rượu rất nghiêm trọng, nhưng chỉ là “hạt cát” trong hàng chục, hàng trăm nghìn người đang mắc các bệnh mạn tính hiểm nghèo có tác nhân do rượu.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần gấp rút ban hành luật phòng chống tác hại rượu bia để có công cụ hữu hiệu nhằm hạn chế việc bày bán công khai, quảng cáo trá hình về bia rượu. Người dân cũng cần phải nâng cao ý thức, nhận thức rõ tác hại của rượu bia để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình và những người xung quanh. 

Trước thực trạng ngộ độc rượu gia tăng nhanh, ngày 10-3, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 371/CĐ-TTg yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra VSATTP, trong đó có sản phẩm rượu. 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên toàn quốc; hoàn thiện các văn bản quy định về quản lý đối với sản phẩm rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng VSATTP đối với sản phẩm rượu, theo quy định của pháp luật, kể cả đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, chất men nấu rượu bằng phương pháp thủ công;

Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc, xuất xứ dưới mọi hình thức; cần kiểm soát chặt chẽ tất cả các cơ sở kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống…) và nghiên cứu bổ sung chế tài, tăng mức phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu và có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.

Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao vai trò của cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương các cấp (đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường) trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, hướng dẫn người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.

Minh Khôi
.
.
.