Diễn biến ngày xét xử thứ năm vụ chạy thận làm 9 người tử vong tại Hòa Bình

Thứ Hai, 21/05/2018, 17:11
Sau 2 ngày tạm nghỉ, sáng 21-5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục mở phiên sơ thẩm xét xử đối với 3 bị cáo trong vụ án chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (29-5-2017) khiến 9 người tử vong. Phiên tòa sáng nay chuyển sang phần xét hỏi, làm rõ phần trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại cho các gia đình nạn nhân.

Tại phiên tòa, đại diện nhiều gia đình nạn nhân đều có nguyện vọng Hội đồng xét xử xử bị cáo Hoàng Công Lương vô tội và xem xét giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo Bùi Mạnh Quốc về tội “Vô ý làm chết người”; Bị cáo Trần Văn Sơn về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". 

Cụ thể: bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết là con gái của nạn nhân Nguyễn Thị Minh, ông Phạm Ngọc Thạo là chồng nạn nhân Lê Thị Chung, bà Bùi Thị Nga vợ nạn nhân Bùi Văn Chính khi khi được xét hỏi đều thể hiện mong muốn Hội đồng xét xử xử bị cáo Hoàng Công Lương vô can vì bà thấy trong quá trình chữa trị cho mẹ mình, bị cáo Lương đã rất tận tình kể cả thời điểm xảy ra sự cố.

Về phía bị cáo Hoàng Công Lương là người được đào tạo kỹ thuật lọc máu cơ bản, được Trưởng khoa giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại Đơn nguyên thận nhân tạo. 

Ngày 20-4-2017, Hoàng Công Lương thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 và biết rõ việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO số 2 vào ngày 28-5-2017. 

Do đó với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao bị can Hoàng Công Lương buộc phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và thuộc trách nhiệm của Trưởng khoa. 

Nhưng sáng ngày 29-5-2017 khi mới chỉ nghe Điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì Hoàng Công Lương đã không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với cấp trên theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu tại Đơn nguyên thận diễn ra, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người tử vong.

Toàn cảnh phiên tòa ngày 21-5.

Tuy nhiên, trong suốt 4 ngày xét xử, bị cáo Hoàng Công Lương khai, chỉ được trưởng khoa giao xuống Đơn nguyên thận nhân tạo làm nhiệm vụ bác sĩ điều trị, không có nhiệm vụ quản lý và phân công công việc tại đây (tất cả việc phân công này không thể hiện bằng văn bản có dấu). 

Bị cáo Lương nhiều lần khẳng định trước tòa, các bác sĩ chỉ chịu trách nhiệm về y lệnh của mình chứ không không liên quan đến chất lượng máy móc, việc máy móc do phòng Vật tư-Thiết bị y tế của Bệnh viện phụ trách.

Về nội dung yêu cầu bồi thường, đại diện các gia đình nạn nhân đều yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bồi thường các khoản mai táng phí đã được ghi lại trong hồ sơ vụ án (Theo Cáo buộc số 05/CT-VKS-P2 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình, đại diện 8 gia đình có bệnh nhân tử vong đã kê khai tiền mai táng phí với tổng số tiền là 1.029.100.000 đồng, ngoài ra còn yêu cầu bồi thường về dân sự theo quy định của pháp luật). 

Tuy nhiên, tại tòa, đại diện các gia đình bị hại đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bồi thường thêm các khoản như: 100 tháng lương cơ bản về tổn thất tinh thần theo quy định tại khoản 2 điều 191 Bộ luật Dân sự, tương đương 130 triệu đồng/1 nạn nhân; chi phí phần mộ vĩnh viễn tại một nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, với số tiền 148 triệu đồng.

Trả lời trước phiên tòa, bà Bùi Thị Căm, vợ của nạn nhân Bùi Văn Pơi (trú xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) kê khai các khoản tiền mai táng phí 120 triệu đồng. Trong đó, bao gồm cả khoản tiền đưa cho các gia đình thông gia “theo phong tục của địa phương”, để cảm ơn các gia đình thông gia. 

Đại diện người nhà nạn nhân tại phiên tòa.

Ngoài tiền mai táng phí, tiền xây mộ, tiền bồi thường tổn thất tinh thần, các gia đình còn yêu cầu được nhận tiền chi phí làm cỗ trong 3 ngày diễn ra đám tang, chi phí làm cỗ cúng 10 ngày, 49 ngày và 100 ngày.       

Ngoài việc phải bồi thường cho 8 gia đình nạn nhân nói trên, các nạn nhân được cấp cứu, điều trị đã phục hồi cũng yêu cầu bồi thường như: nạn nhân Bùi Thị Vân, Bùi Thị Rấm, Phạm Ngọc Chung đều có đơn đề nghị bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tinh thần với tổng số tiền là 70 triệu đồng...

Phía gia đình hai bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc đã tự nguyện nộp khoản tiền khắc phục hậu quả lần lượt là 50 và 30 triệu đồng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn (đơn vị cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 tại bệnh viện) đã nộp 740 triệu đồng khắc phục hậu quả cho các gia đình nạn nhân.

Tại phiên tòa, HĐXX cho biết, nếu các gia đình kê khai các khoản chi hợp lý, kể cả không có hóa đơn chứng từ thì Tòa vẫn xem xét.

Trước đó, trong 4 ngày 15,16,17 và 18-5 vừa qua, phiên tòa xét xử đáng chú ý là sự vắng mặt của lãnh đạo bệnh viện ở thời điểm đó là ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình). Dù 1 ngày sau khi mở phiên tòa, người đại diện do ông Dương ủy quyền mới đến Tòa trình diện vào ngày 16-5 và vắng mặt liên tiếp đến nay.     

Ngô Thủy – Hoa Tuyền
.
.
.