Cán bộ tín dụng xã dùng sổ đỏ vay tiền vỡ nợ

Thứ Hai, 08/05/2017, 08:43
Là cán bộ tín dụng Hội Nông dân xã Quỳnh Thạch, bà Vân đã lừa đảo, mượn bìa đỏ để đi vay tiền ngân hàng. Chỉ đến khi ngân hàng gửi “trát” về đòi nợ thì người dân nơi đây mới tá hỏa...

Ngày 19-3, UBND xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhận được đơn của ông Nguyễn Bá Điều, trú tại xóm 3, xã Quỳnh Thạch, đại diện cho 5 hộ gia đình tại xóm 3 bị bà Nguyễn Thị Vân (54 tuổi), là cán bộ tín dụng Hội Nông dân xã Quỳnh Thạch lừa đảo, mượn bìa đỏ để đi vay tiền ngân hàng, đến nay đã hơn 2 năm nhưng họ không hề hay biết, chỉ khi ngân hàng gửi “trát” về đòi nợ thì mọi người mới tá hỏa. 

Theo danh sách này, ngoài ông Điều bị lừa vay số tiền 80 triệu đồng, còn 4 hộ dân khác cũng là nạn nhân, với số tiền 190 triệu đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Vân, xóm Bắc Thịnh cũng hốt hoảng khi nhận được thông báo từ phía Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Quỳnh Lưu, đề nghị thanh khoản số tiền 70 triệu đồng dù trước đó, ông này đã đưa số tiền này đến nhờ bà Vân trả ngân hàng. 

Danh sách các hộ dân cho bà Vân vay mượn tiền.

Đến lúc tìm hiểu ra mới vỡ lẽ, số tiền này bà Vân không gửi trả ngân hàng mà dùng vào việc khác, giờ không có khả năng thanh toán. Đến lúc này, hàng chục người dân là nạn nhân của nữ cán bộ tín dụng này đã tập trung đến UBND xã, yêu cầu được đối chất và làm rõ.

Ngay sau đó, UBND xã Quỳnh Thạch đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Vân, bà này đã thừa nhận: Do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn khi cùng lúc phải mua nhà và xây nhà, nuôi con ăn học, xuất khẩu lao động và lo việc cho con tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) nên đã vay mượn nhiều nơi, dẫn đến không có khả năng trả nợ.

Theo bà Vân tự thống kê, bà và các con vay tiền tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu) số tiền 100 triệu đồng và vay tại Ngân hàng NN&PTNN Quỳnh Lưu 100 triệu đồng, hai người con của bà Vân cũng vay giúp mẹ số tiền 60 triệu đồng. Ngoài ra, có 8 người là anh em, họ hàng thế chấp GCNQSDĐ để vay giúp cho bà Vân số tiền 447 triệu đồng tại Ngân hàng NN&PTNN Quỳnh Lưu.

Cũng tại ngân hàng này, có 13 hộ dân khác đã đồng ý cho bà Vân “vay ké” với số tiền 335 triệu đồng. Bà Vân cũng vay theo diện hộ nghèo của hai gia đình Nguyễn Thị Thoa và Nguyễn Thị Huệ, cùng trú xóm 3, với số tiền 70 triệu đồng và vay theo diện hộ cận nghèo của hai gia đình Nguyễn Thị Phương (xóm 3) và Nguyễn Thị Khuyên (xóm 4) với số tiền 50 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu. 

Liên quan đến vay cá nhân không có tín chấp, có 9 hộ gia đình ở xã Quỳnh Thạch đã tin tưởng cho bà Vân vay, với số tiền 294 triệu đồng.

Cán bộ tín dụng vỡ nợ, bỏ làng biệt xứ

Số liệu thống kê của UBND xã Quỳnh Thạch đến ngày 30-3 cho thấy, có tất cả 37 hộ gia đình là nạn nhân của bà Nguyễn Thị Vân đã đến UBND xã để trình báo, ghi nhận nợ với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Trong số này, người nhiều nhất là 100 triệu đồng, còn người ít nhất là 10 triệu đồng.

Sau khi vụ việc vỡ lở, ngày 7-3, bà Nguyễn Thị Vân đã có đơn xin trình bày sự việc, xác nhận việc nợ nần và cho biết, hiện gia đình không còn khả năng trả nợ, đồng thời nhờ UBND xã Quỳnh Thạch đứng ra làm trung gian để bán nhà, đất với diện tích 420m² tại thửa đất số 479, tờ bản đồ số 13, thuộc xóm 3, xã Quỳnh Thạch để trả nợ.

Ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Đảng ủy đã làm việc với Hội Nông dân và Thường vụ có ý kiến là cho bà Vân tạm nghỉ công việc để giải quyết, làm rõ mọi chuyện. Hiện nay, bà Vân đã không còn đi làm tại UBND xã, cũng không có mặt tại địa phương, mà cùng với con đi làm thuê ở tỉnh Quảng Bình.

Ngày 30-3, UBND xã Quỳnh Thạch cũng đã mời tất cả các chủ nợ của bà Vân đến để đối chất, đối chiếu số nợ cũng như tiền lãi phát sinh, đồng thời tiếp tục thông báo đến tất cả mọi người, ai là nạn nhân đến trình báo, song từ đó đến nay không phát sinh thêm trường hợp nào khác.

Để tình hình không phức tạp thêm, xã Quỳnh Thạch cũng đề nghị các tổ chức tín dụng và cá nhân trên địa bàn, khi giao dịch bìa đất, tài sản liên quan đến bà Vân phải qua chính quyền địa phương và về cơ bản, các chủ nợ đều thống nhất với cách xử lý này. Cũng theo ông Khoa, tổng trị giá tài sản hiện nay của bà Vân khoảng 1,1 tỷ đồng, đã rao bán nhưng chưa có ai hỏi mua.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ở Quỳnh Lưu, một cán bộ Hội Nông dân lợi dụng vai trò, vị trí của mình để chiếm đoạt tiền vay. Năm 2013, ở xã Sơn Hải, khi ông Nguyễn Hữu Thành, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn 7 đột tử, nhiều người mới tá hỏa vì số tiền 280 triệu đồng các nông dân gửi ông trả nợ đều không đến Ngân hàng Chính sách xã hội.

Gần đây, có hàng chục vụ vỡ nợ tín dụng đen làm bao gia đình khuynh gia bại sản, tan cửa nát nhà. Riêng xã Quỳnh Thạch, vụ việc của bà Nguyễn Thị Vân là vụ vỡ nợ thứ 7, điều trùng hợp ngẫu nhiên là đều do phụ nữ gây ra.

Thiên Thảo
.
.
.