Nơi bình yên của những mảnh đời lầm lỡ

Thứ Tư, 21/06/2017, 08:20
"Hồng Hà bây giờ đã đổi khác rồi" - Những sẻ chia của người dân Đan Phượng như lời khẳng định với chúng tôi về sự đổi thay ở một địa bàn từng là điểm nóng về tệ nạn xã hội của Hà Nội.


Sự ra đời của Câu lạc bộ "Vì cuộc sống bình yên" quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hoà nhập cộng đồng đã góp phần trả lại bình yên cho địa bàn. Không chỉ giúp người nghiện ma túy vươn lên "thắng" chính mình, mô hình còn giúp những người từng có một thời lầm lỡ trở thành công dân có ích cho xã hội.

1. Con đường nhựa phẳng lỳ, hai bên là những vườn cây đang mùa kết trái, báo hiệu một vụ mùa bội thu đưa chúng tôi đến Hồng Hà vào một buổi chiều hạ oi bức. Từ trên bờ đê, đã nghe tiếng cưa máy, tiếng đục đẽo rồi tiếng nói, cười vang lên từ xưởng mộc...

Thấy chúng tôi, chàng trai có cái tên đặc biệt Nguyễn Thu Hà (27 tuổi, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) dừng tay, phủi lớp bụi gỗ lấm lem trên khuôn mặt và bộ quần áo tối màu, đon đả mời vào nhà. Khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm được chỗ ngồi trong căn nhà phủ dày lớp bụi mùn cưa.

"Thời điểm này, chúng tôi đang gấp rút hoàn thành lô đồ gỗ giao cho khách hàng kịp tiến độ nên anh em phải làm việc đến 22 giờ đêm. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con trong xã nên công việc đã bắt đầu ổn định, xưởng sản xuất đang được mở rộng", Hà bộc bạch.

Nguyễn Thu Hà mở đầu câu chuyện một cách hóm hỉnh, ở anh toát lên sự tự tin của một thanh niên từng có một thời lầm lỡ, giờ vươn lên trở thành người có ích cho xã hội: "Mấy lần bị bắt giữ rồi đưa đi cai nghiện, sau khi đọc tên và nhìn thấy em, ai cũng ngạc nhiên.

Nhiều người nghĩ, Nguyễn Thu Hà phải là một phụ nữ. Có cán bộ phụ trách cai nghiện còn hỏi ở Hồng Hà có đối tượng nghiện ma túy là nữ à...". Khi mẹ Hà trở dạ sinh cậu con trai đầu lòng thì ông Nguyễn Đại Hải, cha đẻ của Hà cùng bạn bè đang lang thang tại các bãi vàng ở nhiều tỉnh Tây Bắc.

Khi nghe tin vợ sinh con, ông Hải khăn gói về đến nhà thì người em ruột đã đặt tên và khai sinh cho đứa cháu trai là Thu Hà... cái tên nữ tính đó vì thế đã gắn với Hà. Chỉ ở với con trai được một thời gian ngắn, người đàn ông ấy lại bươn bả kiếm sống dọc các vùng sông nước.

Khi cậu con trai thứ hai chào đời, cuộc sống kinh tế của gia đình chỉ dựa vào nông nghiệp càng thêm eo hẹp. Để bằng bạn, bằng bè, bố và mẹ Hà để lại cậu con trai đầu lòng nơi quê nhà, rồi lao vào làm kinh tế. Thiếu sự quan tâm, chỉ bảo của cha mẹ, Hà chỉ học hết lớp 6 thì ở nhà rồi làm thuê cho một xưởng mộc ở gần nhà...

"Cơn bão ma túy tràn qua do nhiều thanh niên trong làng đi làm ăn xa chở về mang theo các tệ nạn xã hội..." - Anh Nguyễn Đình Đà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà nhớ lại: Vào thời điểm đó, có những gia đình cả bố và con trai đều nghiện ma túy, tình hình ANTT trên địa bàn vì thế diễn biến vô cùng phức tạp, trộm cắp và cướp tài sản thường xuyên diễn ra. Cũng như nhiều bà mẹ khác, phần vì thương con, phần khác cũng do xấu hổ, mẹ Hà giấu nhẹm chuyện con trai sử dụng trái phép chất ma túy... Nhìn con vật vã trong cơn nghiện, bố, mẹ Hà biết những sai lầm của mình, họ khăn gói về quê những mong cứu vớt lại đứa con trai.

Ông Nguyễn Đại Hải bộc bạch: Bao nhiêu tài sản vợ chồng họ tích cóp được trong những ngày tháng tha hương, cầu thực đều đội nón ra đi. Ngay cả miếng đất của gia đình cũng phải cầm cố để trang trải cho các khoản nợ của cậu con trai nghiện ngập. Thế nhưng mẹ Hà vẫn không hợp tác với cơ quan Công an và chính quyền địa phương để giúp Hà cai nghiện ma túy... Cho đến khi Hà bị Công an quận Ba Đình (Hà Nội) bắt giữ về hành vi cướp giật tài sản thì mọi chuyện chẳng thể giấu được nữa.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Hồng Hà nhớ lại: Giữa trưa hôm đó, bố mẹ Hà ống thấp, ống cao tìm đến nhà anh. Người mẹ mếu máo nói trong nước mắt về việc tìm biện pháp để cứu con trai. Khi đó, anh đã giải thích cho mẹ Hà hiểu rằng, việc này sẽ giúp cho Hà đoạn tuyệt với ma túy... sau khi được phân tích người mẹ cũng hiểu ra.

Vào thời điểm đó có một biến cố xảy ra cũng khiến Hà suy sụp. Đó là sau khi Hà bị bắt ít ngày thì người "vợ nhặt" của anh ta cũng bỏ đi biệt xứ cùng cậu con trai.

Cú sốc đó đã khiến Hà mất phương hướng. Hà nhớ lại: May mắn cho tôi trong những ngày thụ án được ở cùng một phạm nhân từng là cán bộ Nhà nước, không may bị sểnh chân, lỡ bước... Mưa dầm thấm lâu, những lời chia sẻ của người bạn tù; sự giáo dục, cảm hóa của các cán bộ quản giáo đã giúp Hà nhận thức được những sai lầm của bản thân, quyết tâm làm lại cuộc đời. 

Anh Nguyễn Thu Hà (bên trái) hướng dẫn công nhân ở xưởng mộc làm hàng.

2. Vạn sự khởi đầu nan, mọi sự không phải lúc nào cũng dễ dàng, Nguyễn Thu Hà tâm sự với chúng tôi. Ngày ra trại, Hà mặc cảm với bản thân, vợ con ly tán trong khi số bạn bè nghiện thường xuyên lôi kéo... khiến Hà không ít lần định bước chân qua ranh giới một lần nữa.

Thời gian đầu, Hà xin vào làm tại một xưởng mộc ở xã Liên Hà, công việc bấp bênh, thu nhập lại thấp... Cùng thời điểm này, các thành viên của CLB "Vì cuộc sống bình yên", trong đó có các cán bộ Công an huyện Đan Phượng tìm đến.

Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các đoàn thể, Hà được vay vốn để mở rộng sản xuất... Ban đầu, chỉ có một mình Hà tham gia nhưng đến nay mô hình đã thu hút gần một chục người, trong đó có cả những đối tượng phạm tội về ma túy; những người đã nhiều lần ra tù, vào tội.

Có thể kể đến như trường hợp của Nguyễn Khắc Thái (29 tuổi, trú tại Hồng Hà); hay trường hợp của anh Nguyễn Mạnh Hùng ở khu 1, Hồng Hà) từng có tiền án về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông…

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Đình Đà cho biết: Hồng Hà có 9 cụm dân cư với khoảng hơn 13 nghìn nhân khẩu. Vào khoảng những năm 2000, một số thanh niên trong xã làm thuê ở mọi nơi đã mang theo các tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy về làng.

Có "cầu ắt có cung" để thỏa mãn cơn nghiện, các đối tượng mua ma túy về sử dụng. Những gia đình có con em đang ở tuổi trưởng thành sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ khi con, em bị các đối tượng nghiện lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Trước tình hình đó, Đảng ủy, HĐND xã Hồng Hà đã tổ chức công tác tuyên truyền, nòng cốt tham gia là lực lượng Công an xã.

Với sự "chia lửa", vào cuộc tích cực của Công an huyện Đan Phượng, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đã được đẩy mạnh... Song do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, xã ven đô, tốc độ đô thị hoá nhanh đã tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, tỷ lệ tội phạm và tệ nạn xã hội có thời điểm gia tăng như cờ bạc, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy,…

Với suy nghĩ, người phạm tội sau khi chấp hành án trở về địa phương sinh sống chưa được cơ chế và điều kiện giúp đỡ về tinh thần, việc làm nên tỷ lệ tội phạm và tái phạm còn xảy ra. Trong khi đó, cũng chưa có tổ chức, cá nhân nào đứng ra giúp đỡ, giáo dục để tái hoà nhập cộng đồng,  tháng 4-2015, Ban chỉ đạo 138 đã tham mưu cho UBND xã Hồng Hà thành lập mô hình CLB "Vì cuộc sống bình yên" với mục đích quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, tái hoà nhập cộng đồng.

Trước hết là phải thay đổi về nhận thức của mỗi người dân, giúp họ gần gũi người nghiện. Sau khi câu lạc bộ ra đời, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... lực lượng Công an nòng cốt đã tổ chức giáo dục, răn đe các đối tượng nghiện và các đối tượng tù tha khác. Trong đó có mô hình của gia đình Nguyễn Thu Hà, đã mở một xưởng sản xuất đồ mộc; thu hút từ các đối tượng tù tha, nghiện ngập...

Chính quyền xã đã bảo lãnh, động viên giúp đỡ người thân trong gia đình góp vốn ban đầu... Ngay sau khi được thành lập, CLB đã xây dựng quy chế hoạt động và xây dựng chương trình hoạt động đến các thành viên và hội viên người chấp

hành xong án trở về địa phương. Mỗi tháng hội sinh hoạt một lần, tháng cao điểm hội viên tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hoá tiểu phẩm, phát các tờ gấp phòng chống tệ nạn xã hội đến hội viên và gia đình hội viên về tác hại và cách phòng chống các tệ nạn xã hội ma tuý, mại dâm.

Các thành viên CLB "Vì cuộc sống bình yên".

3. Thông qua các hội nghị, cuộc họp nhân dân, các thôn, cụm bàn nhau kế hoạch xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, vận động nhân dân chấp hành chính sách pháp luật, tạo điều kiện cho người chấp hành án tái hoà nhập cộng đồng, giúp đỡ cho họ về vật chất và tinh thần để họ an tâm ổn định cuộc sống. Trong đó, đáng chú ý là vai trò của các thành viên trong Ban chủ nhiệm.

Các hội viên trong CLB đã tuyên truyền vận động, giúp đỡ người chấp hành án, người có nguy cơ vi phạm pháp luật, thanh thiếu niên hư... bằng các tấm gương, hình ảnh bài học quý giá từ việc làm, hành động, lỗi lầm trước đây và định hướng tương lai cho họ và gia đình. Nhờ vậy, tỷ lệ tội phạm và người phạm tội giảm rõ rệt so với năm 2014, 2015 và 2016

Những kết quả đạt được của mô hình câu lạc bộ đã chứng minh việc làm đúng. Đến thời điểm này trên địa bàn xã không phát sinh người nghiện mới. Người dân trên địa bàn đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của ma túy, từ đó giáo dục và quản lý con, tránh xa các tệ nạn xã hội. CLB đã phát động phong trào thi đua tố giác tội phạm và TNXH trong nhân dân, có nhiều nguồn tin có giá trị của thành viên CLB đã giúp cho cơ quan Công an chuyên môn phá và phòng ngừa hiệu quả nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn.

Qua vận động ý thức tự phòng, tự quản của các thành viên trong CLB đã được phát huy, mỗi thành viên là quần chúng là Công an viên tích cực chủ động tuyên truyền trong thành viên gia đình; hàng xóm láng giềng nâng cao ý thứ tự quản, tự phòng, Do vậy 90% số hội viên không để xảy ra các vụ việc trộm cắp tài sản và giảm 35% so với cùng kỳ các vụ việc xảy ra trên địa bàn so với khi chưa có CLB.

Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết thành công, Chủ tịch xã Hồng Hà cho biết: Để làm cơ sở đánh giá kết quả vận động, CLB đã phát động các thành viên trong Ban chủ nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cán bộ cấp uỷ, thôn, cụm dân cư tham gia thi đua, giúp đỡ, giáo dục người chấp hành án trở về địa phương sinh sống, tiến bộ. Kết quả đã đem lại những hiệu quả thiết thực, trên địa bàn không xảy ra trọng án, tỷ lệ người có công ăn việc làm ổn định đạt 30 - 40%.

Một số thành viên trong CLB đã cố gắng vươn lên, có công ăn việc làm ổn định như anh Nguyễn Gia Tuấn, anh Nguyễn Văn Tuyến, chị Nguyễn Thị Hằng, anh Đỗ Văn Hương. Nhờ có sự giúp đỡ của Ban chủ nhiệm, tinh thần tham gia tích cực của hội viên CLB đã làm nền tảng xây dựng tiêu chí gia đình văn hoá, cụm dân cư văn hoá, xã đạt chuẩn danh hiệu nông thôn mới năm 2015.

Xuân Mai
.
.
.