Chuyện một cựu chiến binh giúp người nghiện hoàn lương

Thứ Hai, 26/10/2015, 13:00
Về hưu, nhìn thấy con bạn bè, người quen và nhiều thanh niên trong phường khổ sở vì ma tuý, ông tự nhủ, trong chiến tranh mình chẳng sợ chết, mà trong thời bình, khi còn sức khoẻ, trí tuệ tại sao lại khoanh tay ngồi nhìn mà không cứu con em mình thoát khỏi tệ nạn ma tuý.
Nghĩ là làm, ông xin vào Ban An ninh xã Ngọc Thuỵ (nay là phường Ngọc Thuỵ), tuyên truyền, tư vấn, vận động, giúp đỡ người nghiện ma tuý, góp phần giữ gìn hạnh phúc mỗi gia đình và an ninh mỗi khu phố. Hơn 20 năm gắn bó với công việc này, ông Lê Hồng Quân đã giúp được nhiều trường hợp cai nghiện thành công, hoàn lương trở lại với đời thường.

Có lẽ chẳng ai như ông Lê Hồng Quân, ở cái tuổi 66, ông đảm nhận 4 chức vụ liền, mà nhiệm vụ nào cũng đều "xương": Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện, chủ nhiệm Câu lạc bộ sau cai nghiện B93, Thường trực ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội phường Ngọc Thuỵ, Phó ban bảo vệ dân phố. Ở vị trí nào ông cũng được mọi người yêu quý và tin tưởng.

Xã Ngọc Thuỵ, nay là phường Ngọc Thuỵ, những năm 1990 được coi là địa bàn trọng điểm về ma tuý, đặc biệt khu bãi giữa sông Hồng trở thành nơi tụ tập, tiêm chích của các đối tượng nghiện. Vốn là giảng viên Học viện Hậu cần, về nghỉ hưu năm 1994, chứng kiến cảnh nhiều gia đình lao đao vì ma tuý, số lượng thanh niên nghiện ngập ngày càng tăng lên, ông Quân trăn trở nhiều lắm.

Ông tâm sự: "Trong chiến tranh gian khổ ác liệt, mình còn chẳng sợ, chẳng nhẽ thời bình lại chẳng làm gì để giúp đỡ con em mình thoát khỏi tệ nạn ma tuý. Vì thế ngay sau khi nghỉ hưu, tôi đã xin tham gia Ban An ninh xã góp phần giữ gìn trật tự an ninh thôn xóm và tuyên truyền, vận động giúp đỡ người nghiện tự cai tại nhà, tìm việc làm giúp họ hoàn lương".

Ông Lê Hồng Quân.

Ông kể, năm 2001, Câu lạc bộ sau cai nghiện B93 của phường Ngọc Thuỵ được thành lập, ông xin tham gia và trở thành Chủ nhiệm từ đó đến nay. Ban đầu câu lạc bộ chỉ có 3 thành viên nghiện ma tuý tình nguyện tham gia, nhưng rồi bằng tấm lòng nhân hậu, nhiệt tình với người nghiện, ông Quân đã dần cảm hoá được rất nhiều thành viên đến sinh hoạt.

Ông tâm sự: "Nhiều người nghiện bị chính họ hàng, người thân kì thị khiến họ càng khó hoà nhập với cộng đồng và nguy cơ tái nghiện càng cao". Chính vì thế mà suốt 20 năm qua, ông Quân luôn coi những người nghiện như người thân trong gia đình mình. Tuỳ từng hoàn cảnh gia đình mà ông có cách giúp đỡ riêng.

Người nào phải đi cai nghiện bắt buộc tại trung tâm sau khi trở về, ông lại tiếp nhận vào Câu lạc bộ B93, tận tình giúp đỡ họ tìm việc làm để không tái nghiện. Người nào có hoàn cảnh khó khăn thì ông giúp đỡ tìm việc làm, đứng ra bảo lãnh cho họ không phải đi cai nghiện tại trung tâm mà uống Methadone điều trị tại nhà, đồng thời giao một tình nguyện viên trực tiếp quản lý, giúp đỡ. Người nghiện phải cam kết sinh hoạt trong câu lạc bộ 5 năm liền để cai nghiện.

Hằng tháng, tình nguyện viên phải báo cáo hiện trạng của đối tượng mà mình giúp đỡ, còn người cai nghiện thì phải làm bản kiểm điểm trước câu lạc bộ và thường xuyên dùng que thử ma tuý để xem còn nghiện hay không. Gia đình phải phối hợp chặt chẽ với tình nguyện viên giám sát trong 3 tháng, không cho tiếp xúc với các đối tượng chơi bời bên ngoài.

Một buổi tập huấn của những thành viên làm công tác thông tin tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội.

Đặc biệt, ông "thoả thuận ngầm" với gia đình người nghiện để họ chính là những người theo dõi sát sao, báo cáo tình hình của con em mình cho ông biết. Cái cách ông bảo vệ, giúp đỡ người cai nghiện đã lấy được niềm tin của người thân nên họ hoàn toàn ủng hộ và tin tưởng ông. Người nào tái nghiện, người nào hoàn toàn đoạn tuyệt được với ma tuý ông đều biết hết. Có đêm đang ngủ, chỉ cần điện thoại của người dân báo có gây gổ, đánh lộn hay đối tượng lên cơn nghiện là ông lại xuống ngay hiện trường.

Có vấn đề gì là gia đình đối tượng lại gọi điện báo cáo trực tiếp cho ông. Ở phường Ngọc Thuỵ này, ngõ nào, nhà nào ông biết hết. Nếu không xuống được tận nhà để kiểm tra các thành viên của câu lạc bộ thì ông lại gọi lên tận nơi để thử ma tuý. "Trong cốp xe của tôi lúc nào cũng có vài chục que thử để có thể kiểm tra thành viên của mình bất cứ lúc nào", ông Quân hóm hỉnh.

Ông còn nhớ trường hợp anh C nhà nghèo, vì nghiện mà vợ bỏ đi. Một mình anh phải nuôi mẹ già yếu và con nhỏ. Nếu đi cai nghiện tại trung tâm, gia đình anh không có tiền để trang trải và không có ai chăm sóc gia đình nên khi Công an xuống, anh này đã rất hung hăng cầm dao doạ tự sát. Nhận được tin báo, ông Quân đã xuống tận nơi để khuyên bảo.

Trong khi mọi người sợ hãi đều đứng dạt hết ra thì anh này lại ngoan ngoãn nghe lời ông Quân bỏ dao xuống và đích thân ông xin bảo lãnh cho anh này ở nhà điều trị bằng methadone. Anh C sau này cũng đã cai nghiện thành công bằng sự giúp đỡ của ông Quân và những tình nguyện viên trong Câu lạc bộ B93.

Những bằng khen, giấy khen mà ông Quân nhận được trong suốt thời gian công tác tại phường Ngọc Thụy.

Hay như trường hợp anh Lê Quang Quân, đang đêm lên cơn nghiện, đập phá nhà cửa, gây sự với người trong gia đình và hàng xóm. Nghe tin báo, ông lập tức xuống ngay hiện trường. Anh này vốn to cao, lực lưỡng, ai cũng sợ không dám vào can, nhưng khi thấy ông Quân lại không hề chống đối, tự nguyện để ông xích vào cửa sổ.

Cái cách mà ông Quân bảo vệ những người nghiện ma tuý cũng chẳng giống ai. Anh Nguyễn Phú Thành (sinh năm 1984) có quyết định phải đi cai nghiện tại trung tâm năm 2005. Ông đã lên Công an xin bảo lãnh cho cai nghiện tại nhà nhưng không được đồng ý. Không nản lòng, ông lại lên Phòng Lao động Thương binh và Xã hội của quận đề nghị cho anh này ở lại 6 tháng. Sự nhiệt tình của ông cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. Anh Thành 6 năm liền không tái nghiện, từng được tuyên dương tại câu lạc bộ, nhưng rất tiếc gần đây, anh lại tái nghiện và hiện đang tiếp tục cai nghiện tại nhà với sự giúp đỡ của gia đình và tình nguyện viên Câu lạc bộ B93.

Hỏi ông bao nhiêu năm làm công tác an ninh, tiếp xúc nhiều với người nghiện, người nhiễm HIV, thậm chí nhiều lần đối mặt với nguy hiểm ông có sợ không. Ông Quân cười khà: "Có gì đâu mà sợ, họ cũng giống như mình cả thôi. Đừng đối xử với họ như là tội phạm. Nghiện ma tuý cũng là một căn bệnh giống như nghiện thuốc lá, thuốc lào, nghiện rượu. Mà đã là bệnh thì họ cần được quan tâm, chăm sóc và chữa bệnh thực sự".

Có khi đang đi ngoài đường, mấy anh nghiện lại gọi ông vào làm cốc bia, cốc nước, ông lại vui vẻ vào ngồi tán gẫu. Chính quan điểm nhân văn ấy mà ở cái phường Ngọc Thuỵ này, rất nhiều người nghiện và gia đình họ đều tín nhiệm và nể phục nhờ ông giúp đỡ cai nghiện cho con cháu họ. 

"Muốn họ cai được nghiện thì phải giúp họ tìm việc làm, như thế mới hạn chế được thời gian đi chơi. Công việc cũng giúp họ quên được cơn nghiện", ông Quân cho biết. Vì thế, ông thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn phường để tìm việc làm, tổ chức các điểm rửa xe, tăng gia chăn nuôi giúp những người nghiện có được công ăn việc làm ổn định. Nhiều trường hợp đã được ông trực tiếp tư vấn, cảm hoá, giáo dục thành công từ bỏ ma tuý và hiện có việc làm, gia đình hạnh phúc.

Nhiều hội viên hơn chục năm không tái nghiện. Anh Nguyễn Quốc Cường, sinh năm 1967 là một trong những hội viên mà ông Quân quý nhất. Ngay khi anh này cai nghiện tại trung tâm trở về, ông Quân trực tiếp nhận vào câu lạc bộ, tìm việc làm, xin chuyển hộ khẩu cho vợ con anh và chuyển việc cho chị này về Ngọc Thuỵ cùng chồng.

Anh Trần Bích Ngọc, sinh năm 1971 cũng là một trong những người cai nghiện được ông Quân giúp đỡ nhiều nhất. Ngay khi cai nghiện từ trung tâm trở về, anh Ngọc vào sinh hoạt tại Câu lạc bộ B93 và được ông Quân trực tiếp giúp đỡ. Khi ấy, vợ anh đã bỏ đi để lại đứa con thơ dại cho người chồng nghiện ngập. Chính ông Quân luôn ở bên cạnh động viên, tìm việc làm cho anh, giúp anh tránh xa cám dỗ của ma túy.

Hơn chục năm nay, anh Ngọc không tái nghiện, đang có việc làm ổn định tại Công ty Bia Hoà Bình và có một gia đình mới hạnh phúc, êm ấm.Vào những buổi sinh hoạt chung của câu lạc bộ, anh Ngọc vẫn đưa cả vợ con tham gia để hiểu và thông cảm với những người từng nghiện như mình. Anh Hoàng Hoa Lư 37 tuổi, nghiện ma tuý từ năm 1997, tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ B93 từ năm 2002 đến nay. Sau hơn 10 năm đoạn tuyệt với ma tuý, anh Lư đã tự mình gây dựng được một cơ sở sửa xe khá khang trang.

Hơn 20 năm gắn bó với công việc giúp đỡ người nghiện hoàn lương, ông Quân đã từng bị nhiều đối tượng xã hội đen đe dọa, nhiều lần chui bờ, chui bụi mật phục các đối tượng buôn bán ma tuý hay trộm cắp, đối mặt với hiểm nguy nhưng ông không hề run sợ mà càng ngày càng thấy gắn bó với công việc hơn.

Với ông, những người nghiện cũng giống như con cháu mình, họ cần được sự giúp đỡ của những người có tấm lòng nhân hậu, nhiệt huyết như ông và các tình nguyện viên của Câu lạc bộ B93.

Ngọc Mai
.
.
.