Bà chủ nhà trọ giàu lòng nhân ái
- Trái tim của hơn một vạn tấm lòng nhân ái
- Người phụ nữ khuyết tật giàu lòng nhân ái
- “Ngôi nhà nhân ái” ấm áp nghĩa tình
Đến cổng Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ cần hỏi khu nhà trọ của bà Hồ Thị Thục thì ai cũng biết. Bà Thục không chỉ nổi tiếng bởi giá thuê nhà rẻ như cho mà còn nổi tiếng bởi tấm lòng nhân hậu, coi bệnh nhân như người nhà.
Một người bán hàng tưởng chúng tôi tìm nhà trọ thuê cho người nhà nên hồ hởi: “Nhà bà Thục là rẻ nhất ở đây rồi, lại sạch sẽ, an toàn nữa. Bà ấy tốt tính lắm, một mình nuôi cô con gái tật nguyền mà vẫn cưu mang, giúp đỡ người khác”.
Theo lời giới thiệu của người bán hàng, chúng tôi tìm đến khu nhà trọ của bà Thục. Quả thật, đúng như lời giới thiệu của người bán hàng, khu nhà trọ của bà Thục tuy nhỏ nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Ấn tượng về “bà chủ” trọ là mái tóc trắng như cước, khuôn mặt phúc hậu. Đã ngoài 80 tuổi nhưng nhìn bà vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn lắm.
Bà Thục tâm sự, bà bắt đầu cho thuê phòng từ năm 1989 đến nay không phải vì mục đích kinh doanh bởi với số tiền lương hưu ít ỏi của mình, bà cũng đủ trang trải cuộc sống của hai mẹ con. Viện Nhi từ trước đến nay lúc nào cũng đông nghịt bệnh nhân từ tuyến dưới lên khám chữa bệnh. Nhiều lần thấy người nhà bệnh nhân vạ vật ở hành lang bệnh viện hay phải chen chúc trong những khu nhà trọ chật chội, tồi tàn, giá cả lại đắt đỏ, hoàn cảnh họ còn khó khăn, đáng thương hơn hoàn cảnh của mẹ con bà gấp nhiều lần nên bà quyết định sửa sang lại 5 căn phòng nhỏ để cho thuê. Ban đầu bà chỉ lấy giá 5.000 đồng/ngày đêm. Mấy năm gần đây bà mới tăng giá lên gấp đôi là 10.000 đồng/ngày đêm.
Bà Thục chia sẻ về cuộc sống của hai mẹ con. |
Mới đầu thấy bà cho thuê phòng giá rẻ, nhiều người nói ra nói vào, cho rằng bà làm thế chỉ để hút khách, khi khách vào ở rồi sẽ tìm cách chặt chém, tăng giá. Nhiều người nhà bệnh nhân lúc đầu còn không tin, nghĩ rằng chủ nhà trọ lừa đảo, nhưng sự nhiệt tình, tốt tính của bà chủ đã thực sự khiến họ và cả những hàng xóm xung quanh cũng phải thay đổi suy nghĩ.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người tìm đến nhà trọ của bà Thục hơn. Bạn bè, người thân trong gia đình khuyên bà nên tăng giá phòng trọ vì ở Hà Nội, giá một phòng trọ một ngày đêm ít cũng phải 150.000 đồng, với 10.000 đồng thì mẹ con bà sống bằng gì, chưa kể tiền điện, nước, sinh hoạt, dọn dẹp nhà cửa nhưng bà Thục đều xua tay gạt đi.
Bà bảo, hoàn cảnh của mẹ con bà khó khăn nhưng so với nhiều người còn khá hơn gấp vạn lần. Phần lớn những gia đình đến nhà bà thuê trọ đều là những người dân nghèo từ tận các tỉnh xa xôi đưa con, cháu lên Hà Nội chữa bệnh. Tiền viện phí với họ đã là cả một gánh nặng nên bà chỉ muốn chia sẻ phần nào khó khăn với họ.
“Sống ở đời phải biết cho đi mới mong nhận lại những điều tốt đẹp”, bà Thục tâm sự. Và quả thật khi chứng kiến cảnh người thuê trọ và chủ nhà ăn uống, sinh hoạt, chuyện trò thân tình, chúng tôi càng thêm cảm phục tấm lòng của bà cụ.
Bà Thục có năm người con, 3 trai, 2 gái thì 4 người con đều trưởng thành, có gia đình riêng. Chỉ riêng cô con gái thứ hai là có số phận không may mắn, giờ vẫn phải một tay bà chăm sóc, nuôi nấng.
Ngậm ngùi bà chia sẻ, cô con gái thứ hai tên là Vũ Ngọc Hương. Ngày xưa, so với các anh chị em trong gia đình thì cô Hương là người xinh đẹp, thông minh và sáng dạ hơn cả. Cô từng thi đỗ Đại học Nông nghiệp, hăng hái tham gia các hoạt động của phường. Có thời gian cô từng làm văn thư tại một kho thuốc ở Hà Nội. Tương lai rộng mở với một cô gái xinh đẹp, giỏi giang như cô, thế nhưng tai nạn ập đến bất ngờ.
Cho đến bây giờ bà Phúc vẫn không nguôi sự đau đớn, áy náy với cô con gái tội nghiệp bởi hôm ấy bà đi làm xa, không có mặt ở nhà để đưa cô đi cấp cứu kịp thời. Đó là năm 1989, khi cô Hương vừa tròn 30 tuổi. Vì hoàn cảnh khó khăn, vất vả, bà Thục vừa làm công nhân cho một nhà máy vừa đi buôn đồ gia dụng. Cái ngày định mệnh ấy, bà đang đi giao hàng cho khách ở miền Nam. Đang khỏe mạnh bình thường cô Hương đột nhiên bị sốt cao, kèm theo co giật.
Mới đầu ai cũng nghĩ cô bị cảm lạnh nhưng trong một lần đi vệ sinh, người yếu, lại bị hoa mắt chóng mặt, cô ngã không ai biết gì. Đến khi mọi người phát hiện ra sự việc thì đã quá muộn. Bà nghẹn ngào, giá như ngày ấy bà có ở nhà, giá như ngày ấy có điện thoại như bây giờ thì cô Hương có thể cứu chữa được.
Về đến nhà nhìn thấy con nằm im một chỗ, bà không tin vào mắt mình. Từ một cô gái khỏe mạnh, xinh đẹp, cô Hương như một người vô hồn, không nhận thức được gì và trông chờ vào sự chăm sóc của người khác. Bà khóc như một đứa trẻ. Lần đầu tiên bà khóc nhiều đến thế.
Sau ngày đó, bà gác hết công việc, đem con chạy chữa khắp nơi. Bao nhiêu tiền của trong nhà đều đội nón ra đi theo những chuyến chữa bệnh của hai mẹ con. Hễ ai mách có thầy giỏi, thuốc hay là bà lại tìm đến chữa chạy nhưng cuối cùng vẫn không thể nào cứu chữa được cho con. Từ một cô gái rạng rỡ, trắng trẻo, năng động, cô Hương trở nên vô thức, chỉ biết nằm một chỗ, ngay đến vệ sinh cá nhân cũng phải một tay bà làm cả.
Chồng bà Thục vì bệnh tật mà qua đời sớm. Mọi việc trong nhà đều một tay bà lo lắng, chu toàn. Những người con lớn đều đã lập gia đình, nhưng họ cũng vì mưu sinh, vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể giúp đỡ được hai mẹ con bà nhiều. Một mình bà tuổi đã cao vẫn phải chăm sóc, phục vụ cô con gái lớn tuổi.
Để tiện chăm con, bà Thục bỏ hết mọi công việc để ở nhà. Ngày ngày cơm nước, vệ sinh, cho cô Hương ăn uống đều một tay bà làm. Khó khăn, vất vả không để đâu kể hết bởi sức khỏe bà đã yếu, có hôm trái gió trở trời, mệt mỏi, đau ốm còn không dìu được con đi hay nâng con dậy để vệ sinh, thay giặt. Cảnh mẹ già chăm con khiến bà càng thêm thấm thía và cảm thông với số phận với những người cha, người mẹ đưa con đi khám chữa bệnh ở Viện Nhi.
Một căn phòng trọ thế này chỉ giá 10.000 đồng/ngày đêm. |
Có người phải bán hết của cải trong nhà hay đi vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho con mà còn không biết con sẽ sống được đến bao giờ. Có người nhà nghèo đến tiền ăn cũng chẳng có, tiền thuê nhà cũng không cứ lang thang ngủ nay chỗ này mai chỗ khác để chăm con ốm. Từ đó bà nảy sinh ý định cho thuê phòng giá rẻ để chia sẻ phần nào gánh nặng với những bậc sinh thành.
Cứ thế gần 30 năm nay, một tay bà Thục chăm con, một tay dọn dẹp nhà cửa, phòng trọ. Tiền thuê nhà cũng chẳng bao giờ tăng giá. Nhiều trường hợp gia đình bệnh nhân khó khăn quá, bà cũng chẳng lấy tiền nhà. Có hôm phòng trọ đã đủ khách, nửa đêm vẫn có người gõ cửa xin ở nhờ vì không tìm được phòng trọ và cũng không có đủ tiền để ở bên ngoài, bà thương tình lại cho vào ở cùng phòng người khác.
Cảm phục tấm lòng của bà chủ nhà, nhiều gia đình vui vẻ cho gia đình bệnh nhân vào ở ghép. Thậm chí họ còn ăn chung, nấu cơm chung cùng với chủ nhà. Cứ đi đâu về là họ lại tụ tập ăn uống, chuyện trò rôm rả chẳng khác gì những người thân trong gia đình. Chính tấm lòng nhân hậu của bà chủ nhà đã có sức lan tỏa, kết nối mạnh mẽ những người xa lạ với nhau khi họ về chung một mái nhà trọ của bà Hồ Thị Thục.